Văn hóa bốn phương

Thư giãn - Ngày đăng : 05:21, 08/05/2010

Ảnh “em bé na-pan” vĩ đại nhất mọi thời đại


Tờ New Statesman (Anh) vừa công bố bức ảnh chụp cô bé 9 tuổi Kim Phúc bị bỏng do bom na-pan được bình chọn là ảnh thời sự vĩ đại nhất mọi thời đại.  Bức ảnh của Huỳnh Công Út (Ních Út), phóng viên ảnh của hãng AP, chụp cô bé Phan Thị Kim Phúc trần truồng bỏng nặng toàn thân sau khi bị bom na-pan dội xuống ngôi làng tại Tây Ninh vào ngày 8-6-1972 trong chiến tranh Việt Nam. Bức ảnh từng đoạt giải Pu-lít-dơ năm 1973.

Bức ảnh từng làm đau lòng nhiều người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Vừa bấm máy bức ảnh để đời này, Ních Út đã ẵm cô bé đi cấp cứu. Kim Phúc sau đó được đưa đi chữa trị vết thương tại Cu-ba, hiện đang định cư ở Ca-na-đa. Mãi đến nhiều năm sau này, Kim Phúc vẫn liên lạc với ân nhân và gọi Ních Út là "ông già" hay "chú". 36 năm sau tai họa, Kim Phúc dù vẫn còn nhức nhối bởi vết thương trên da thịt nhưng lòng cô đã thấy thanh thản. Năm 2008, trong bài phát biểu trên ra-đi-ô mang tên “Đường dài đến sự tha thứ”, Kim Phúc đã nói: "Tha thứ giúp tôi quên đi sự hận thù. Bom na-pan công phá mạnh mẽ song lòng tin, sự bao dung và tình yêu là những gì còn mạnh mẽ hơn bom đạn. Sẽ chẳng bao giờ có chiến tranh trên hành tinh này nếu mọi người đều học cách sống trong yêu thương với lòng chân thành, hy vọng và tha thứ. Nếu cô gái bé nhỏ trong bức ảnh này làm được điều đó thì bạn có bao giờ tự hỏi mình cũng có thể mà?".

Triển lãm sách dịch Đức tại Hà Nội

Hơn 400 cuốn sách của các tác giả viết bằng tiếng Ðức đã được trưng bày tại triển lãm sách dịch Ðức khai mạc ngày 5-5 ở Thư viện Quốc gia (31 Tràng Thi, Hà Nội). Triển lãm mang đến một bức tranh toàn cảnh về thành tựu giao lưu văn hóa Ðức - Việt trên lĩnh vực dịch thuật.

Triển lãm do Viện Gốt phối hợp với Thư viện Quốc gia tổ chức trong khuôn khổ hoạt động của “Năm nước Ðức ở Việt Nam”. Trước đó, từ năm 2009, Viện Gốt đã tiến hành dự án In-tơ-nét  "Sách dịch Ðức - Việt" tại website http://www.goethe.de/ins/vn/prj/uak/viindex.htm. Dự án hướng vào việc sưu tầm, đối chiếu và hệ thống hóa các tác giả tiếng Ðức đã có tác phẩm được dịch ra tiếng Việt.

Từ website này, độc giả Việt Nam có thể tìm kiếm tiểu sử, các tác phẩm quan trọng của từng tác giả, trong đó tác phẩm nào đã được dịch ra tiếng Việt. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 12-5.

Dịch giả Tét Ko-mơ đến Việt Nam để... dịch sách

Giao tiếp được mười ngoại ngữ, thông thạo năm thứ tiếng nhưng lại quyết tâm chọn tiếng Việt để học thật tốt, lại chọn thơ Hồ Xuân Hương - một trong những tác giả có tác phẩm khó dịch bậc nhất Việt Nam để dịch..., đó chính là Tét Ko-mơ - dịch giả đến từ Cộng hòa Séc.

Nghe các bạn kể về Hà Nội với phố cổ có mái ngói xếp lớp, những con ngõ nhỏ phải thắp đèn suốt ngày đêm, có sự tích hồ Gươm gắn với một cụ rùa hiện vẫn đang sống dưới hồ, có những hàng ăn vỉa hè với những món ăn rất ngon..., Tét Ko-mơ yêu Việt Nam từ những điều giản dị như thế để rồi chọn tiếng Việt để học, sang Việt Nam du học và... dịch sách. Tét Ko-mơ đã dịch các tập thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bính và Tuyển tập năm tác giả truyện ngắn đương đại. Hiện ông đang bắt tay vào dịch cuốn tiểu thuyết đầu tiên mà tên tác giả và tác phẩm vẫn còn "bí mật" vì chưa biết khi nào sẽ xong, nhưng theo ông, đây là cuốn tiểu thuyết rất hấp dẫn.

Lý giải về việc chọn thơ Hồ Xuân Hương để dịch, Tét Ko-mơ nói: “Việc dịch thơ của bà Hồ Xuân Hương rất khó và trình độ tiếng Việt của tôi không phải là xuất sắc. Khi dịch, tôi phải vận dụng tất cả những bản phân tích ngữ nghĩa của các nhà phê bình văn học Việt Nam, và tất nhiên phải dùng tất cả những loại từ điển mà tôi có. Tôi cũng sử dụng cuốn sách phân tích cuộc đời, sự nghiệp và phần lớn thơ Hồ Xuân Hương của Mo-rai Đu-răng (một dịch giả người Pháp). Tuy nhiên, tôi đã cố gắng dịch một cách đầy đủ, kể cả những từ nghĩa bóng, để chuyển thành thơ tiếng Séc mà vẫn giữ được không khí dễ đọc và vui của nguyên bản”.