Quyết chí làm giàu trên mảnh đất quê hương
Việc tử tế - Ngày đăng : 05:51, 20/05/2010
Bác Nguyễn Viết Gôn, ở xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) là hội viên Hội Người cao tuổi, luôn gương mẫu, tích cực, vượt khó làm giàu chính đángcho gia đình trên mảnh đất quê hương và nhiệt tình tham gia các hoạtđộng của hội.
|
Bác Gôn thu hoạch cá |
Theo lời giới thiệu của Hội Người cao tuổi (NCT) huyện Thanh Miện, chúng tôi tìm tới trang trại của gia đình bác Nguyễn Viết Gôn. Ngoài 60 tuổi, bác Gôn luôn muốn khẳng định mình trong lĩnh vực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng cho gia đình. Bác Gôn cho biết: Trước đây gia đình ông cũng như bao gia đình ở vùng quê thuần nông, gần như cả cuộc đời gắn với ruộng đồng. Những năm trước, cả nhà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, năm được mùa cũng chỉ đủ ăn. Cuộc sống khó khăn như cái vòng luẩn quẩn quấn lấy gia đình bác không rời. Năm 2005, UBND xã Đoàn Tùng vận động nhân dân chuyển đổi diện tích trồng lúa trũng năng suất thấp. Trước thực tế kinh tế gia đình khó khăn, cơ hội để vươn lên thoát nghèo ngay trước mắt, bác Gôn đã mạnh dạn đấu thầu gần 2 mẫu đất trũng ngay ở sát đường cái, với mục đích vừa phát triển kinh tế, vừa giải quyết việc làm cho con cháu. Ngày mới nhận ruộng, bác Gôn thuê người đào ao, be bờ để nuôi cá, trên bờ kết hợp chăn nuôi và trồng đan xen một số loại cây ăn quả. Bác Gôn chủ yếu thả các loại cá thịt dễ nuôi có giá trị kinh tế cao như cá trôi, cá chép, cá mè và cá rô phi đơn tính…Trên bờ bác Gôn phát triển chăn nuôi như nuôi lợn, vịt. Trong chuồng lúc nào cũng có 9 con lợn sề và 40 con lợn con. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm chăn nuôi, bác Gôn đã chủ động tìm đến những người đã có kinh nghiệm trong xã, trong huyện, tìm đến các cán bộ nông nghiệp để học hỏi. Năm 2008, dịch tai xanh ở lợn xuất hiện, bác Gôn buộc lòng phải tiêu huỷ hết số lợn mắc bệnh để dịch không lan rộng. Trong đợt dịch này, gia đình bác bị thiệt hại gần 100 triệu đồng. Năm thứ 3 nhận đấu thầu cũng là năm bác bị thiệt hại nhiều nhất. Không nản lòng, bác Gôn quyết định vay vốn ngân hàng để tiếp tục đầu tư chăn nuôi, khắc phục thiệt hại. Với số vốn vay được, bác Gôn đầu tư thêm vào chăn nuôi ngan, vịt. Hiện tại trong chuồng bác có hơn 2.000 con vịt nuôi đẻ trứng, mỗi ngày thu hơn 1.500 quả trứng. Thấy trứng vịt lộn bán được giá và nhu cầu thị trường cũng lớn, gia đình bác quyết định đầu tư hơn 40 triệu đồng để xây dựng lò ấp trứng. Trên bờ bác Gôn trồng chủ yếu các loại cây ăn quả như vải, chuối, cũng cho thu hoạch ổn định. Bác Gôn cho biết: Làm chăn nuôi nên mỗi lần có dịch bệnh là vất vả lắm, phải chăm sóc cẩn thận, theo dõi thường xuyên, tiêm phòng dịch bệnh, cách ly những con vịt nghi ngờ mắc bệnh và sẵn sàng tiêu huỷ. Có vụ chăn nuôi gia đình bác gần như mất trắng… Có lẽ bấy nhiêu khó khăn đó chẳng thể làm nản lòng người nông dân ngoài 60 tuổi này. Đưa chúng tôi đi tham quan trang trại, bác Gôn giới thiệu thành quả của gia đình sau những tháng ngày vất vả đào ao, đắp bờ, xây lò ấp trứng vịt... Vẻ rạng ngời trên gương mặt lam lũ của người đàn ông tóc đã chuyển màu bạc này làm cho chúng tôi cảm nhận rõ niềm hăng say với công việc của bác. Khi được hỏi về niềm mong ước của mình, bác Gôn cho biết: "Chúng tôi là nông dân quanh năm vất vả chỉ mong không có dịch bệnh, tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các ngành, các cấp để người nông dân bớt phần vất vả".
Không chỉ tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng, bác Gôn còn là hội viên nhiệt tình tham gia các hoạt động của hội. Bác Gôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những người dân trong xã có nhu cầu tìm hiểu về trang trại. Ông Nguyễn Quang Triết, Chủ tịch Hội NCT xã Đoàn Tùng cho biết: "Ông Gôn là hội viên gương mẫu, tích cực, vượt khó làm giàu chính đáng cho gia đình trên mảnh đất quê hương và nhiệt tình tham gia các hoạt động của hội".
THANH HOA