Trào lưu thuê đất mở rộng sản xuất của nông dân tỉnh Hải Dương
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 17:36, 20/05/2010
Nông dân xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) thu hoạch cà rốt vụ đông trên vùng đất thuê. |
Anh Trần Văn Viết ở thôn Văn Thai, nông dân đầu tiên của xã đi thuê đất, cho biết: “Xác định làm nông nghiệp cần có đất đai đủ rộng nên tôi đã mạnh dạn thuê 2,6ha đất bãi thuộc xã Thái Tân (Nam Sách) để trồng cà rốt”. Có đất trong tay, anh Viết thuê lao động tại xã Thái Tân làm cỏ, cải tạo đất, xây dựng hệ thống thủy lợi, đường giao thông. Từ bãi đất bỏ không ban đầu, đến nay nơi đây đã hình thành những khu trồng cà rốt tươi tốt. Anh Viết cho biết: Mỗi sào cà rốt cho năng suất bình quân 2 tấn, giá trị thu nhập 8 triệu đồng/sào. Trừ chi phí, tôi thu lãi 5 triệu đồng/sào.
Xã Đức Chính (Cẩm Giàng) cũng có nhiều nông dân thuê đất, với diện tích thuê hàng trăm hécta/vụ. Đất thuê không giới hạn ở vùng bãi ven sông Thái Bình mà còn mở rộng vào khu vực nội đồng. Việc thuê đất của người dân Đức Chính đã giúp nông dân ở các địa phương khác nhận thức được vai trò, hiệu quả kinh tế của vụ đông, góp phần kích thích bà con hăng say sản xuất.
Vụ đông năm 2009, anh Lê Văn Bộ ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) lần đầu tiên mượn 14,8ha đất để trồng đậu tương và đây cũng là nông dân có diện tích đậu tương đông lớn nhất xã. Tương tự, anh Vũ Văn Quang ở xã Cẩm Đoài mượn 10ha đất để trồng đậu tương. Sau khi thu hoạch, anh Quang sẽ trả 50% sản lượng đậu tương cho những hộ dân cho mượn đất.
Theo lời giới thiệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ninh Giang, chúng tôi tìm đến HTX Dịch vụ nông nghiệp Văn Hội. Trước đây, Văn Hội có truyền thống trồng cây vụ đông, những năm gần đây, do lượng nhân công thiếu hụt, hiệu quả kinh tế không cao nên diện tích trồng cây vụ đông bị thu hẹp dần. Ông Nguyễn Thế Hỷ, Phó chủ nhiệm HTX cho biết: “Thấy đất màu mỡ nhưng nông dân không trồng cấy gì, chúng tôi tiếc lắm. Một số thành viên HTX đã quyết định mượn đất trồng khoai tây. Việc làm này có nhiều lợi ích: vừa tạo việc làm, tăng thu nhập, vừa tác động đến nhận thức của người dân về tầm quan trọng của sản xuất vụ đông. Từ lúc lúa mùa bắt đầu chín, 4 thành viên HTX đã chia nhau đến từng nhà dân vận động họ cho mượn ruộng. Kết quả là đã mượn được 11,1ha đất tập trung ở thôn Văn Hội để sản xuất”. Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng khoai tây sắp thu hoạch, ông Hỷ hồ hởi nói: “Chi phí đầu tư khoảng 800.000 đồng/sào. Chỉ cần lãi 200.000 đồng/sào là chúng tôi phấn khởi lắm rồi”.
Việc thuê, mượn đất để sản xuất vụ đông là hướng phát triển kinh tế hiệu quả và đang tiếp tục được mở rộng ở nhiều địa phương. Đây là cách khắc phục tình trạng manh mún của sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân tăng thu nhập.
(Theo Kinh tế Nông thôn)