Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 21:00, 23/05/2010
Bệnh viện Đa khoa tỉnh được xây mới, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân |
Với cơ chế mở để đón các nguồn đầu tư, trong 5 năm (2006- 2010), vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh ta ước đạt trên 70,6 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 24,7%/ năm; tỷ lệ vốn đầu tư phát triển so với GDP tăng từ 46,9% năm 2005 lên 59,4% năm 2010. Nhìn lại tổng vốn nhà nước huy động cho đầu tư phát triển 5 năm qua ước đạt trên 18,1 nghìn tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển của dân cư và các tổ chức kinh tế ngoài nhà nước cho phát triển sản xuất, kinh doanh và xây dựng kết cấu hạ tầng ước đạt gần 32,2 nghìn tỷ đồng; vốn đầu tư nước ngoài ước đạt trên 20,3 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 29,9%/năm. Đã cấp phép đầu tư cho 133 dự án với vốn đầu tư đăng ký là 1,67 tỷ USD. Vốn ODA đạt 821 tỷ đồng.
Với nguồn vốn khá dồi dào như vậy, tỉnh nhà đã tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho các lĩnh vực. 5 năm qua đã đầu tư cho lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản trên 5.530 tỷ đồng, chiếm 7,8% tổng vốn đầu tư xã hội, tăng bình quân 19,5%/ năm; đầu tư vào công nghiệp giao thông, xây dựng trên 38 nghìn tỷ đồng, chiếm 53,9%, tăng bình quân 26,1%/ năm; đầu tư vào khu vực dịch vụ khoảng 27,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,3%, tăng bình quân 24,3%/ năm. Vốn đầu tư nhà nước giữ vai trò chính trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phúc lợi công cộng. Trong việc đầu tư hạ tầng nông nghiệp và nông thôn, tỉnh tập trung đầu tư cho cơ sở sản xuất giống cây, con, thuỷ lợi, đê điều… như trại lợn giống (Lai Cách, Cẩm Giàng), cơ sở nhân giống cây ăn quả Cầu Xe, cơ sở sản xuất cá rô phi đơn tính Tứ Kỳ; xây dựng 15 cống qua đê, cứng hoá 95 km mặt đê, nâng cấp 10 trạm bơm, kiên cố hoá 82 km kênh mương, nâng cấp 3.138 km đường giao thông nông thôn...
Trong đầu tư hạ tầng giao thông công nghiệp, đã cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ đi qua tỉnh đạt tiêu chuẩn từ cấp 1 đến cấp 3 đường đồng bằng; nâng cấp 30 km đường 17A cũ thành quốc lộ 37; nâng cấp 117 đường huyện lên đường tỉnh; 160 km đường xã lên đường huyện; triển khai xây dựng 40 km đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng qua địa bàn tỉnh; đầu tư xây dựng một số tuyến đường mới ở TP Hải Dương nối với các huyện phía Nam; cải tạo nâng cấp và làm mới 319 km đường, 37 cầu, nâng cấp tuyến đường sắt Lim - Phả Lại thuộc tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân. Đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp; phê duyệt xây dựng mới nhiều trạm biến áp, cung cấp điện ổn định và đầu tư mạng đường ống cấp nước sạch cho các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị…
Những năm qua, tỉnh cũng tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng văn hoá xã hội như kiên cố hoá 95% trạm y tế xã và hơn 74% số trường học các cấp; đưa vào sử dụng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi mới; xây dựng 180 sân vận động trung tâm xã, phường, thị trấn; xây dựng, nâng cấp khu đền thờ nhà giáo Chu Văn An, chùa Thanh Mai, đền Cao An Phụ, hạ tầng các khu du lịch thuộc khu vực Côn Sơn - Kiếp Bạc, hỗ trợ xây dựng trụ sở làm việc cho hơn 100 xã trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng huy động và sử dụng tài nguyên khoáng sản cho phát triển kinh tế - xã hội. Đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và những năm sau; huy động tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, ứng dụng khoa học công nghệ cho phát triển sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, giai đoạn 2006-2010, kinh tế của tỉnh duy trì mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân 9,7%/ năm (cả nước là 6,9%/ năm). Giá trị tăng thêm của lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng bình quân 2,6%/ năm- công nghiệp, xây dựng tăng 11,5%/ năm- dịch vụ tăng 11,6%/ năm. Quy mô nền kinh tế của tỉnh nâng lên 2,19 lần so với năm 2005.
Tỉnh đang rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể cho phát triển công nghiệp đến năm 2020. Nâng cao chất lượng quy hoạch gắn với sử dụng hiệu quả các khu công nghiệp. Quy hoạch vùng nguyên liệu, tài nguyên khoáng sản phục vụ phát triển cho các ngành công nghiệp. Lựa chọn đầu tư xây dựng thí điểm khu công nghiệp công nghệ cao với hệ thống hạ tầng đồng bộ; dự kiến xây mới cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp Kim Thành 150 ha, Hoàng Diệu – Gia Lộc 250 ha, mở rộng khu công nghiệp Phúc Điền 200 ha, Việt Hoà 90 ha; kết nối phát triển các khu công nghiệp với đô thị hoá. Đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường. Từng bước tái cơ cấu các loại hình doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp sau cổ phần hoá, hướng mạnh chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, trong đó quan tâm đến công nghiệp cơ khí, điện, điện tử, như phát huy công suất Nhà máy điện Phả Lại, xây dựng Nhà máy điện Hải Dương ở Kinh Môn, các cơ sở lắp ráp ô-tô, máy bơm nước, sản xuất thép, nhôm thanh, nhôm hình, dây cáp điện, thiết bị điện tử, điện lạnh, viễn thông; sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là các cơ sở sản xuất xi-măng; phát triển công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm như chế biến rau, củ, quả, sản phẩm thịt lợn xuất khẩu, trong đó ưu tiên các khu vực phía Nam tỉnh như Gia Lộc, Thanh Miện, Ninh Giang. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách để thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ, nhất là vào xây dựng cơ sở hạ tầng như chợ, khu, điểm du lịch sinh thái, bến xe, bến cảng; hỗ trợ các doanh nghiệp làm dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước, nhằm thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà phát triển.
TUẤN CƯỜNG