Sức sống làng nghề giày da Hoàng Diệu

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:41, 25/05/2010

Về Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc (Hải Dương) một ngày đầu hè, chúngtôi cảm nhận được sức sống của một làng nghề hơn 500 tuổi, nổi tiếngvới sản phẩm làm giầy - dép da truyền thống.

Khoảng năm 1484, tiến sĩ Nguyễn Thời Trung được vua Lê Thánh Tôn cử đi sứ nhà Minh (Trung Quốc) để bàn công việc ngoại giao hai nước. Nhân cơ hội này, ba vị: Phạm Qúy Công tự Đức Chính, Nguyễn Qúy Công tự Sĩ Bân, Phạm Qúy Công tự Thuần Chính, làm sớ xin nhà vua cho đi tòng sứ cùng, để tìm hiểu, học hỏi công nghệ đem về nước truyền dạy cho dân và được nhà vua chấp thuận. Sau nhiều ngày đi đường, các vị đã tới Bắc Thành (nay là TP. Bắc Kinh). Tìm hiểu thấy nhà họ Lũ, có nghề thuộc da, làm giầy dép, hài hia nổi tiếng ở đất Hàng Châu, các vị liền xin vào học nghề. Qua nhiều lần làm thử, thấy sản phẩm của mình cũng không kém mấy so với nhà họ Lũ. Khi hoàn tất việc ngoại giao, các vị về nước và đem những sản phẩm giầy dép, hài hia dâng lên nhà vua và được vua hạ chiếu chỉ ban khen, bổ nhiệm các vị vào Bộ Quốc giám; đồng thời hạ chỉ cho truyền dạy lại nghề cho dân. Bốn làng Phong Lâm, Văn Lâm, Trúc Lâm và Nghĩa Hy của xã Hoàng Diệu, là quê hương của các vị nên được truyền nghề đầu tiên... Từ đó, đời này qua đời khác tiếp tục làm nghề, những người thợ tích luỹ được kinh nghiệm kết hợp với sự khéo tay, nơi đây xuất hiện nhiều nghệ nhân sáng tác ra nhiều mẫu mã giầy đẹp phù hợp với tâm lý và thị hiếu tiêu dùng. Nhiều thợ giỏi đã rèn dũa tay nghề cho con cháu để làm ra những sản phẩm ưng ý với mọi đối tượng, lứa tuổi khách hàng.

Trong những năm qua nghề làm giầy - dép da ở Hoàng Diệu đã sản xuất phát triển mạnh do có sự phân công lao động hợp lý đến từng người và công đoạn sản xuất. Mỗi gia đình hoặc tổ hợp sản xuất đã đầu tư vốn thích đáng vào mua sắm vật tư, máy móc tiện dụng cho các khâu cắt da, may, ép mũ, đế giầy, khâu... Người giỏi tiếp thị có bạn hàng quen thuộc lâu năm thì chuyên làm dịch vụ cung ứng vật tư hoặc tiêu thụ sản phẩm. Việc tiêu thụ có nhiều hình thức, giao hàng theo địa chỉ hợp đồng, khách hàng cố định hoặc theo thời vụ; cũng có những người mang hàng trực tiếp đến các đại lý hoặc mở cửa hàng, cửa hiệu tự tiêu thụ sản phẩm.

Nhân dân ở đây đã trải qua nhiều thời kỳ khó khăn tưởng như có lúc không sống nổi bằng nghề ông cha để lại nhưng từ năm 1990 đến nay, bằng nghề thủ công này, Hoàng Diệu không những giữ vững nghề truyền thống mà đã phát triển nghề phụ trở thành nghề chính để làm giàu quê hương. Toàn xã hiện có gần 400 hộ với hơn 1.000 lao động làm nghề, thu nhập bình quân mỗi lao động từ 1 đến 1,5 triệu đồng/tháng. Doanh thu sản phẩm đạt trung bình hơn 18 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, mặt hàng này ở Hoàng Diệu có kiểu dáng đẹp, giá thành tại chỗ hợp lý. Hoàng Diệu không những phát triển sản xuất mạnh và đồng đều ở bốn làng nghề mà còn có nhiều thợ giỏi “xuất ngoại” xây dựng cơ sở sản xuất ở các tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh... Ở tại địa phương đã có nhiều cơ sở sản xuất quy mô lớn, có thị trường tiêu thụ rộng khắp miền Bắc, giải quyết việc làm thường xuyên cho mấy chục lao động. Trong xã bắt đầu xuất hiện các “ông chủ” vừa tổ chức sản xuất với qui mô lớn, vừa tham gia làm dịch vụ cung ứng nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề. Điển hình là gia đình anh Lê Hoàng Hà, 33 tuổi ở thôn Phong Lâm, một người đi lên từ hai bàn tay trắng. Hiện nay, gia đình anh có 2 cơ sở đóng giầy – dép da với gần 30 lao động. Sản phẩm được tiêu thụ tại các thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Dương...; doanh thu 3 năm gần đây đạt từ 500 - 700 triệu đồng/năm. Anh Hà tâm sự, học nghề từ năm 14 tuổi ở Vina Giầy Sài Gòn, rồi đi làm thuê, có vốn về quê tổ nghề đầu tư sản xuất nhỏ sau đầu tư lớn dần. Cơ sở của anh hiện có hàng ngàn đôi giầy – dép da thành phẩm, chủ yếu bán buôn cho các đại lý. "Làm giầy cũng như làm nhà, trước tiên phải có nền móng tốt. Nguyên liệu phải chọn loại da có cật nhiều, kỹ thuật phải làm cẩn thận tất cả các khâu, từ pha cắt da, máy mũi, gò vào phom, ép đế, loại nào cần khâu phải khâu và cuối cùng là trang trí để cho ra một thành phẩm", anh Hà nói. Ngoài làm sản phẩm bán ra thị trường, cơ sở của anh còn cung cấp nguyên liệu da cho các hộ sản xuất trong xã.

Ông Nguyễn Văn Đan, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu cho biết: Xã đã được UBND tỉnh Hải Dương công nhận “làng nghề giầy da truyền thống”. Xác định nghề tiểu thủ công nghiệp giầy da đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên thời gian qua, xã Hoàng Diệu đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hộ làm nghề phát triển sản xuất như: Tạo điều kiện mặt bằng để các hộ có điều kiện mở rộng cơ sở sản xuất; phối hợp với các ngành chức năng của huyện, tổ chức các lớp dạy nghề, truyền nghề cho lớp trẻ. Năm 2009, nghề này chiếm hơn 40% tổng giá trị sản phẩm của toàn xã. Tuy nhiên, khó khăn nhất của Hoàng Diệu là hình thức hoạt động của làng nghề vẫn phát triển theo các qui mô hộ gia đình, tổ hợp sản xuất, chưa xuất hiện doanh nghiệp. Thêm vào đó, rất thiệt thòi cho người dân là phần lớn sản phẩm khi ra khỏi làng nghề đã mang nhãn hiệu của người khác. Phân công lao động tuy đi vào chuyên môn hoá nhưng do sản xuất thủ công, các hộ chưa chủ động nắm bắt thị trường và khả năng tiêu thụ nên chưa phát huy hết thế mạnh của đội ngũ lao động khéo tay, giỏi nghề. Ông Nguyễn Văn Đan cho biết thêm: Để làng nghề ngày càng phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và có thêm bạn hàng ngoại quốc, xã Hoàng Diệu đang phối hợp với huyện Gia Lộc hoàn tất thủ tục để thành lập “Hội giầy da Hoàng Diệu” trong năm 2010 này. Đây sẽ là cơ hội, điều kiện để các làng trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Nối tiếp truyền thống cha ông, thế hệ trẻ ở Hoàng Diệu hôm nay đã và đang tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề làm giầy - dép da. Đến nay đã có hơn 50% số hộ dân trong xã tham gia sản xuất hàng hoá. Mỗi năm, xã Hoàng Diệu bán ra thị trường khoảng 2,5 triệu đôi giầy - dép da các loại, cung cấp cho Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác trên miền Bắc. Người lao động ở Hoàng Diệu hôm nay không còn cảnh “làm ráo mồ hôi là hết tiền”, họ đều có việc làm quanh năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng/năm. Đời sống văn hoá tinh thần ngày càng nâng cao, bộ mặt nông thôn của xã đã có nhiều đổi mới.

(Theo TTXVN)