Vườn nông nghiệp: Hướng mở cho nông thôn

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 16:56, 25/05/2010

Mô hình vườn nông nghiệp đang được coi là hướng đi mới, mở ra triểnvọng trong việc giải quyết vấn đề việc làm, tăng thu nhập cho nông dân,cải thiện môi trường ở khu vực nông thôn.


Nông dân sẽ tham gia sản xuất cùng DN thông qua việc góp vốn bằng đất.

Từ nhu cầu thực tế

GS. Peter Smeets, Trường Đại học Wageningen (Hà Lan) cho biết, vườn nông nghiệp (Agropark) là hướng đi tất yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiêp, nông thôn. Mô hình này không chỉ là giải pháp sản xuất khép kín với chu trình nghiên cứu, sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo một vòng tròn, mà còn giải quyết dứt điểm nhu cầu việc làm của nông dân trong quá trình đô thị hóa. Ngoài ra, đây cũng chính là hình thức đầu tư góp vốn có hiệu quả đối với nông dân.

Tại Việt Nam, trong hơn 20 năm đổi mới và phát triển, khu vực nông thôn gặp không ít khó khăn như ô nhiễm môi trường, thiếu việc làm, mất đất... TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển nông nghiệp, nông thôn nêu một thực tế, mỗi năm khu vực nông thôn mất 50.000 - 70.000ha đất nông nghiệp cho phát triển công nghiệp, đô thị; tỷ lệ người nghèo ở khu vực này gấp 6 lần đô thị; người sản xuất đang đứng trước rủi ro lớn về dịch bệnh. Đó là chưa kể tới “cơn lốc” đô thị hóa khiến nông thôn mất bản sắc văn hóa vốn đã hình thành từ nghìn đời. Trong khi nông thôn đang rất lúng túng thì bản thân đô thị cũng bị tác động bởi nhiều vấn đề từ nông thôn như mất an toàn vệ sinh thực phẩm, quá tải lao động nhập cư, ô nhiễm môi trường...

GS. Peter Smeets nhận xét, sản xuất nông nghiệp đang trong quá trình chuyển đổi sang hướng nông nghiệp đô thị. Cấu trúc không gian của hệ thống sản xuất nông nghiệp vẫn dựa trên phương thức lệ thuộc vào đất đai trong khi sức mua của người dân lại không ngừng gia tăng. “Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần phải xây dựng mô hình vườn nông nghiệp mà thực chất là 1 khu liên hiệp nông - công nghiệp, trong đó nông nghiệp làm trọng tâm. Toàn bộ việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ gắn kết chặt chẽ với nhau. Thông qua đó tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, giá trị cao. Nông dân tham gia vào quá trình này với tư cách là công nhân nông nghiệp”.

Những vấn đề đặt ra


Theo các chuyên gia kinh tế, agropark là hệ thống cải tiến của sản xuất, chế biến và vật tư nông nghiệp đô thị. Là một bộ phận của hệ thống nông nghiệp thông minh, cho phép lồng ghép và tích hợp theo định hướng tiêu dùng đối với nhiều hoạt động nông nghiệp khác nhau. Agropark được tạo thành từ một hệ thống gồm 3 yếu tố thiết yếu là trung tâm hợp nhất phục vụ cho thị trường đô thị theo nhu cầu tiêu dùng trong năm. Các loại sản phẩm theo mùa không thể sản xuất từ các nhà sản xuất địa phương được cung cấp ra thị trường từ kho dự trữ hoặc qua giao thương. Thứ hai là khu sản xuất và chế biến nông sản: kết hợp sản xuất theo nhu cầu, có thể cung cấp sản phẩm quanh năm một cách tự chủ. Và cuối cùng, trạm trung chuyển nông thôn sẽ kết hợp thu mua và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp của nông dân cùng với các loại hình dịch vụ khác.

Tại Việt Nam, Công ty Nikken Seikei của Nhật Bản đang triển khai dự án nông nghiệp xanh trong tổ hợp đô thị Yên Bình ở tỉnh Thái Nguyên. Nói về lợi ích của mô hình mới này, ông Inuzuka, Phó chủ nhiệm Dự án Yên Bình khẳng định: “Chúng tôi muốn đưa nông nghiệp vào vị trí trung tâm của Yên Bình, đặc biệt muốn phát triển khu nông nghiệp này thành khu nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, chúng tôi sẽ chú ý tới các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Xây dựng những sản phẩm có thương hiệu, đặc biệt là đưa tiến bộ kỹ thuật vào khâu đóng gói, chế biến. Không chỉ nghiên cứu và phát triển, chúng tôi sẽ nuôi dưỡng và phát triển những ý tưởng đó. Chúng tôi sẽ đầu tư vào việc xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển kỹ thuật; xây dựng trường nghề; xây dựng các nông trường trồng hoa, chăn nuôi, gạo, rau; xây dựng các công viên chủ đề (đặc biệt là chủ đề về hoa), tạo điều kiện cho khách tham quan có thể tham gia vào quá trình sản xuất”.

Đánh giá về vai trò của dự án này đối với sự phát triển của địa phương, ông Đoàn Viết Thuần, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: “Muốn phát triển nông nghiệp bền vững phải tính tới nền nông nghiệp công nghệ cao. Đây là xu hướng tất yếu để tạo ra sản phẩm thân thiện với con người, thiên nhiên. Đồng thời có thể sử dụng lao động dôi dư ở các vùng nông thôn”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây là mô hình hay nhưng rất khó có thể triển khai vào thực tế. Nguyên nhân là do, mô hình đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về trí tuệ, nghiên cứu, vốn... Tức là phải có sự đóng góp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, sự gắn kết giữa các ngành.

(Theo Kinh tế nông thôn)