Ngăn chặn bệnh lùn sọc đen lây lan sang vụ mùa

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 15:51, 30/05/2010

Để ngăn chặn bệnh lùn sọc đen lây lan sang vụ mùa, nông dân thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, dọn toàn bộ cỏ dại bờ ruộng, phun trừ rầy cho mạ mùa không để lúa chét làm nơi rầy trú ngụ và gây hại trong vụ sau.


Cán bộ bảo vệ thực vật kiểm tra lúa để xác định mật độ rầy nâu, rầy lưng trắng.
Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng lúa đã từng nhiễm bệnh lùn sọc đen chuẩn bị thu hoạch, anh Trần Trung Thông, Phó trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Ninh Giang nhớ lại những ngày ăn không ngon ngủ không yên khi phải đối diện với nguy cơ bệnh lùn sọc đen có thể lây lan trên diện rộng.

Ngay sau khi lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện trên địa bàn thôn Tân Thành, xã Tân Phong (Ninh Giang), ở hai ruộng cấy lúa giống 13/2 của gia đình anh Phạm Văn Diên và chị Phạm Thị Bích, cán bộ HTX và Trạm BVTV huyện đã kịp thời kiểm tra đồng ruộng, thường xuyên tổ chức các hội nghị đầu bờ, chủ động tuyên truyền tới nông dân các thôn xã lân cận để có biện pháp phòng trừ. Cán bộ trạm và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng nông dân ra đồng, dồn sức cứu lúa. Trời đã không phụ công người, đến nay, toàn bộ diện tích bị nhiễm bệnh đã hồi sinh, lúa tiếp tục sinh trưởng và phát triển tốt. 70m2 lúa bị nhiễm bệnh đã chín vàng chuẩn bị cho thu hoạch.

Xác định rõ nguyên nhân môi giới bệnh lùn sọc đen hại lúa xuân là rầy nâu, rầy lưng trắng nên Chi cục BVTV đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Từ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới hướng dẫn nông dân cách phun các loại thuốc trừ rầy để bệnh không lây lan sang các chân ruộng khác. Thông qua những hướng dẫn sinh động của các cán bộ Trạm BVTV huyện, nông dân từ chỗ lúng túng trong nhận biết và cách thức phòng, trừ bệnh đã bình tĩnh, chủ động trong việc phòng, trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa. Chị Phạm Thị Bích, chủ mảnh ruộng bị lùn sọc đen cho biết: "Khi đi thăm đồng, tôi rất hoang mang lo lắng vì thấy lúa có những biểu hiện lạ như: cây lúa lùn đi, phát đốt, lá lúa xanh lại, xoăn nõn và có gơn. Nhất là khi Trạm BVTV về lấy mẫu xét nghiệm và có kết luận là lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen khiến chúng tôi lo lắng vì có thể mất mùa. Nhưng được sự chỉ dẫn của Chi cục và Trạm BVTV về cách phun trừ rầy và các biện pháp chăm bón hợp lý nên diện tích lúa bị nhiễm không phải nhổ đi. Đến nay, diện tích lúa bị nhiễm lùn sọc đen vẫn có khả năng được thu hoạch".

“Tuy đã khống chế được bệnh lùn sọc đen, nhưng nông dân không nên chủ quan lơ là và đặc biệt cảnh giác với rầy nâu, rầy lưng trắng”.

Đó là khuyến cáo của Chi cục BVTV tỉnh trước tình hình dịch rầy nâu, rầy lưng trắng diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong tỉnh. Nhất là khi lúa xuân trong giai đoạn chắc xanh tới chín. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều chân ruộng cấy các giống lúa P6, Q5, nếp, BC 15 đã có ổ cháy rầy. Nhiều địa phương đã có mức phân bố rầy rộng và mật độ 1.000 - 1.500 con/m2 như ở các xã: Nhân Quyền, Hùng Thắng, Vĩnh Hồng (Bình Giang); Tứ Cường, Lê Hồng (Thanh Miện); Hồng Hưng, Quang Minh (Gia Lộc). Rầy vẫn có nguy cơ gây hại trên lúa xuân và đem theo vi-rút lây lan bệnh lùn sọc đen trong vụ mùa. Để hạn chế mức độ gây hại trực tiếp của rầy nâu, rầy lưng trắng, trên các ruộng lúa bị nhiễm rầy, nông dân cần tích cực phun thuốc phòng, trừ theo khuyến cáo của Trạm BVTV. Việc kiểm tra đồng ruộng và hướng dẫn nông dân phun thuốc theo nguyên tắc "4 đúng" cần được các cán bộ của Trạm BVTV các huyện thực hiện thường xuyên và nghiêm túc; tích cực hướng dẫn nông dân diệt trừ rầy tận gốc. Ông Phạm Nguyên Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, cho biết: "Rầy nâu, rầy lưng trắng, ngoài việc gây hại trực tiếp trên lúa xuân nó còn là tác nhân truyền bệnh lùn sọc đen trong vụ mùa. Bà con nông dân nên chú ý sử dụng các loại thuốc đặc hiệu phòng, trừ rầy, đồng thời tăng cường kiểm tra đồng ruộng. Khi phun trừ rầy nên hạ thấp vòi để phun vào sát gốc lúa, nơi có rầy tập trung nhiều nhất. Việc cần làm ngay lúc này là phải phun thuốc trừ rầy trên những diện tích bị nhiễm bệnh và vùng lân cận trên cơ sở đã khoanh vùng rầy. Nếu mật độ rầy còn nhiều, tiếp tục kiểm tra đồng ruộng, những nơi mới xuất hiện bệnh xứ lý theo đúng hướng dẫn".

Đối với những diện tích lúa đang trong giai đoạn chắc xanh đến chín, nông dân tiếp tục tăng cường chăm bón lúa để tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Các cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm phòng bệnh lùn sọc đen để hạn chế khả năng gây hại của rầy trên diện rộng. Trạm BVTV phối hợp với HTX dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn nông dân thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, sau khi gặt, cần cày lật rơm rạ, dọn toàn bộ cỏ dại bờ ruộng, mương dẫn nước trước khi cấy 12-20 ngày, phun trừ rầy cho mạ mùa không để lúa chét làm nơi rầy trú ngụ và gây hại trong vụ sau. Xử lý hạt giống bằng thuốc Enado 40 FS với liều lượng 1 gói 5ml thuốc pha 0,5 - 1 lít nước đảo đều cho 5-6 kg hạt giống. Sử dụng các loại giống lúa kháng rầy để hạn chế bệnh lùn sọc đen gây hại lúa mùa.

LAN ANH