Đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 05:45, 31/05/2010

Đến nay, đã có trên 80 dự án trong 10 KCN của tỉnh đã đi vào sản xuất, kinh doanh, với giá trị doanh thu và kim ngạch xuất khẩu trên 700 triệu USD/năm, giải quyết việc làm cho 4 vạn lao động...


Công ty TNHH may Tinh  Lợi (Khu công nghiệp NamSách) 100% vốn nước ngoài, là đơn vị đầu tư, sản xuất kinh doanh cóhiệu quả, nền nếp, tạo việc làm cho hơn 3.500 lao động


Trong quy hoạch đầu tư xây dựng đến năm 2015 và định hướng tới năm 2020, tỉnh ta được Chính phủ cho phép phát triển 17 khu công nghiệp (KCN) với diện tích gần 4.000 ha. Đến nay, 10 KCN đã được phê duyệt quy hoạch và đầu tư xây dựng với diện tích 2.086 ha, gồm: Nam Sách, Đại An, Phúc Điền, Việt Hoà, Phú Thái, Tân Trường, Tầu thuỷ Lai Vu, Cộng Hoà, Lai Cách, Cẩm Điền. Các KCN có vị trí thuận lợi cho việc đầu tư phát triển trước mắt cũng như việc mở rộng lâu dài.

Đến nay, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong các KCN đã thực hiện được trên 3.400 tỷ đồng, đạt 50% nguồn vốn cần thiết đầu tư xây dựng hạ tầng. Trong đó, chủ yếu là nguồn vốn đầu tư của các chủ đầu tư xây dựng trong KCN. Thời gian qua, UBND tỉnh cũng bố trí kịp thời nguồn vốn từ ngân sách trên 50 tỷ đồng để xây dựng ngoài hàng rào các KCN, như hệ thống đường gom, hệ thống cấp, thoát nước…

Vừa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, vừa thu hút đầu tư, nên đến nay toàn tỉnh đã thu hút được 127 dự án đầu tư trong và ngoài nước vào các KCN (không kể dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng), với số vốn đăng ký đầu tư trên 2 tỷ USD. Các doanh nghiệp đã thực hiện được trên 900 triệu USD. Các dự án đầu tư vào KCN chủ yếu là các dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)  thuộc các tập đoàn đầu tư của các quốc gia và vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Ca- na-đa, Ma-lai-xi-a, Pháp… Phần lớn các dự án được cấp phép trong những năm gần đây. Từ đầu năm đến nay, đã cấp phép mới cho 9 dự án đầu tư, tăng 1,5 lần so với cả năm 2009.

Đến nay, đã có trên 80 dự án đi vào sản xuất, kinh doanh, với giá trị doanh thu và kim ngạch xuất khẩu trên 700 triệu USD/năm, giải quyết việc làm cho 4 vạn lao động, đóng góp một phần đáng kể cho ngân sách địa phương. Trong thời gian qua, các KCN của tỉnh có tỷ lệ lấp đầy tương đối nhanh so với các KCN trong nước. Hiện nay đã có 60% diện tích trong các KCN đã cho các doanh nghiệp thuê đất. Nhiều KCN đã lấp đầy diện tích đất cho thuê như Nam Sách, Phúc Điền, Đại An (giai đoạn 1), Tân Trường (giai đoạn 1).

Trong các KCN của tỉnh, hiện có 37 dự án đầu tư đến từ Nhật Bản (hoặc đầu tư qua nước thứ ba của Nhật Bản), với số vốn đăng ký đầu tư 722 triệu USD. Các dự án đầu tư của Nhật Bản trong các KCN có dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại, xử lý môi trường tốt, có tiến độ triển khai đầu tư nhanh, đúng cam kết đã đăng ký. Sản phẩm chủ yếu của các doanh nghiệp Nhật Bản là điện, điện tử với giá trị xuất khẩu trên 500 triệu USD. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, trong thời gian qua, một số dự án đăng ký đầu tư triển khai còn chậm, giãn tiến độ hoặc ngừng triển khai.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, tỉnh ta đã xây dựng chính sách và danh mục các dự án ưu đãi đầu tư đến năm 2015. Thời gian qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh thực hiện chính sách "một cửa tại chỗ" cho các nhà đầu tư. Các thủ tục hành chính đối với các nhà đầu tư vào KCN được ban phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết kịp thời đã tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, việc lựa chọn các doanh nghiệp đầu tư chặt chẽ hơn.

Theo ông Mai Đức Chọn, Giám đốc Ban Quản lý các KCN của tỉnh, các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN được tỉnh chọn lựa hết sức kỹ càng, kiên quyết không lựa chọn các dự án có công nghệ sản xuất lạc hậu, dễ gây ô nhiễm môi trường hoặc những ngành nghề yêu cầu quá nhiều lao động, làm quá giờ quy định, trả lương thấp dễ dẫn đến đình công, lãn công…

Một trong những vấn đề đáng quan tâm là việc xây dựng nhà ở cho công nhân và chuyên gia làm việc. Các KCN của tỉnh đều quy hoạch khu dân cư cạnh KCN. Giao quỹ đất cho doanh nghiệp trong KCN tự xây dựng nhà ở cho công nhân (nếu có yêu cầu). Tỉnh đã thực hiện thí điểm đề án xây dựng 2 khu dân cư phục vụ KCN và giao cho Công ty Phát triển hạ tầng thực hiện, nhưng đến nay việc thực hiện còn chậm so với tiến độ. Một số chung cư được chủ đầu tư xây dựng xong, nhưng công nhân không thuê, vì giá thuê phòng cao và phải chịu sự quản lý chung.

Để các KCN phát triển bền vững, trong thời gian tới, Ban Quản lý các KCN tỉnh đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư về thuế đối với các dự án đầu tư vào các KCN. Đưa lại các KCN vào địa bàn ưu đãi, khuyến khích đầu tư nhằm hạn chế việc tiếp nhận các dự án đầu tư ngoài KCN. Chính phủ và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sớm ban hành, điều chỉnh chính sách tiền lương trong các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp có vốn FDI; cần quy định "cứng" chi phí tiền nhà ở mà chủ sử dụng lao động phải trả cho người lao động; huy động nhiều nguồn lực chăm lo xây dựng nhà ở cho người lao động; tỉnh cần tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao đất cho các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng đồng bộ trong các KCN nhằm tiếp nhận các dự án đầu tư. UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các KCN tỉnh tích cực quảng bá, tổ chức tốt việc xúc tiến đầu tư vào KCN; tiếp tục đầu tư, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng ngoài KCN; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở cho người lao động; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo hướng tiếp cận với khoa học - công nghệ hiện đại; tập trung xây dựng KCN tiên tiến đáp ứng yêu cầu cao của các nhà đầu tư, góp phần đắc lực sớm đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp.

THU TRANG