Tự học - chuyện cũ vẫn mới

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 22:38, 02/06/2010

Tự học và thay đổi phương pháp học của học sinh đòi hỏi sự nỗ lực, tâmhuyết của giáo viên, nhà trường và của chính các em. Có như vậy, chấtlượng giáo dục mới được nâng lên, đạt được hiệu quả mong muốn.

Để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, rất nhiều người đã nói đến việc đổi mới phương pháp dạy học của người thầy. Nhưng đổi mới phương pháp dạy của thầy phải đi đôi với thay đổi phương pháp học của trò mới đạt được hiệu quả mong muốn. Luật Giáo dục đã nêu rõ: "Bồi dưỡng cho người học năng lực tự học, khả năng thực hành, lòng say mê và ý chí vươn lên".

Lâu nay người ta thường quan niệm tự học là học ở nhà. Nhưng sự thực, không thể tách rời việc học ở lớp với việc học ở nhà. Trên lớp, phải biết chú ý lắng nghe thầy, cô giáo giảng, biết đề xuất những thắc mắc, những chỗ chưa hiểu, chưa rõ để thầy, cô giải đáp. Thầy chú ý phát huy năng lực, trí tuệ của trò, trò biết tự phát huy để hưởng ứng. Kinh nghiệm của các học sinh giỏi, sinh viên thủ khoa các trường đại học, cao đẳng là ở chỗ này. Chúng ta thường thấy, có những học sinh, sinh viên con nhà nghèo, ở các vùng nông thôn thường phải giúp đỡ gia đình nhưng vẫn học giỏi, chính là đã biết cách học như trên.

Trong tự học, cũng cần chú ý đến sự tương trợ lẫn nhau trong học tập, tức là "Học thầy không tày học bạn" như ông cha ta đã đúc kết. Vấn đề này nhiều trường trước đây làm tốt. Thời gian qua nó bị thay bằng việc học thêm tràn lan. Tổ chức tốt sự tương trợ này sẽ làm giảm việc học thêm quá nhiều và tràn lan hiện nay, phát huy tính tích cực của học sinh, trách tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Không phải cứ học thêm thật nhiều là có kết quả tốt như một số phụ huynh thường quan niệm. Hiện nay, thường diễn ra hiện tượng học thêm nhiều mà vẫn không giỏi.

Thiết nghĩ, tự học và thay đổi phương pháp học của học sinh đòi hỏi sự nỗ lực, tâm huyết của giáo viên, nhà trường và của chính các em. Có như vậy, chất lượng giáo dục mới được nâng lên.

TRẦN THÔNG(Bắc Ninh)