Đìu hiu mùa vải
Thị trường - Ngày đăng : 06:23, 14/06/2010
Năm nay, sản lượng chung hai vùng trồng vải thiều trọng điểm của tỉnh là huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh đạt rất thấp. Nguyên nhân là do thời tiết ấm kéo dài, nên vải ra lộc nhiều, tỷ lệ ra hoa thấp.
Ở Chí Linh rất nhiều vườn vải không ra quả, khiến người trồng vải thất thu lớn |
Những năm trước, về huyện Thanh Hà vào thời điểm này, đâu đâu cũng thấy người dân tấp nập thu hoạch vải thiều, hai bên đường có nhiều điểm cân vải và nhiều xe ô-tô trọng tải lớn chờ bốc hàng. Tuy nhiên, năm nay, hình ảnh được mùa vải không còn, thậm chí nhiều người dân Thanh Hà còn phải đi nơi khác tìm mua vải...
Trao đổi với chúng tôi, ông Tăng Bá Hoành, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lang cho biết toàn xã có 275 ha vải, chủ yếu là vải thiều. Năm 2009, xã thu hoạch được 700 tấn vải, năm nay ước thu chưa được 100 tấn.
Sản lượng vải của xã Thanh Sơn cũng chỉ đạt hơn 100 tấn. Nhiều gia đình mất trắng, cả vườn không có một quả vải nào. Cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm năm nào cũng cho thu hoạch nhưng năm nay không có quả. Tại chợ Nứa (xã Thanh Hải), mọi năm cảnh mua bán vải diễn ra tấp nập nhưng năm nay chủ yếu là các hộ tự hái vải mang ra chợ bán. Anh Nguyễn Văn Tân ở xã Liên Mạc chuyên đi thu mua vải cho biết, mọi năm anh thường tổ chức một đội từ 4 đến 5 người chuyên đến tận vườn để hái vải, nhưng năm nay chỉ có hai vợ chồng anh đi thu mua. Có nhà cả mẫu vải nhưng chỉ hái trong buổi sáng đã hết, vườn nào nhiều thì thu hoạch được khoảng 2 - 3 tạ. Sản lượng vải ít, nhiều đợt phải thu mua 2-3 ngày mới đủ một chuyến hàng.
Những năm trước đây, vải thiều thường xuất hiện một nghịch lý: được mùa - mất giá và mất mùa - được giá. Năm nay, sản lượng chung của Thanh Hà ước đạt 3.000 tấn, chỉ bằng 15 đến 20% so với những năm trước. Giá bán tại vườn từ 7 đến 12 nghìn đồng/kg, tùy từng loại vải, cao hơn từ 2 đến 4 nghìn đồng so với năm trước.
Còn ở thị xã Chí Linh, ở những vườn vải mang màu xanh của lá nhiều hơn màu đỏ của quả vải chín, khác hẳn những mùa vải trước.
Dọc đường từ Côn Sơn đến Đền Sinh bạt ngàn những vườn vải nhưng chỉ lác đác đốm đỏ. Một chủ vườn vải cho biết: Những năm trước, vào mùa này vườn vải rực một màu vải chín đỏ. Nhưng năm nay rất ít cây ra quả. Đi dọc trục đường 37, từ phường Cộng Hòa đến xã Lê Lợi, cũng gặp những vườn vải đìu hiu như vậy. Xã Lê Lợi có diện tích vải khá lớn của Chí Linh, năm được mùa thu hoạch trên, dưới chục nghìn tấn, nhưng năm nay chỉ mấy trăm tấn là cùng.
Do mất mùa vải nên lực lượng lao động của địa phương lâm vào tình trạng “thất nghiệp”. Những mùa vải trước, vườn vải nào cũng rộn ràng tiếng cười nói vui đùa của những người bẻ quả, nhưng năm nay đều im ắng, buồn tẻ. Năm nay, vải ở Chí Linh kém từ sản lượng đến chất lượng và mẫu mã quả. Tại các điểm cân ở phường Bến Tắm, Bắc An, Hoàng Tiến, các chủ điểm cân nào cũng than chán vì thu mua được ít, chất lượng, mẫu mã kém, quả nhỏ, cùi mỏng… Do mất mùa nên giá vải cũng cao hơn năm ngoái một chút, giá ổn định khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg, có nơi có ngày giá 10.000 đồng/kg. Mặc dù giá có cao hơn, nhưng các chủ điểm cân cũng không thu mua được nhiều, vì năm nay mất mùa quá nặng. Hàng nghìn gia đình trồng vải bị thất thu. Theo đánh giá của Phòng Kinh tế thị xã Chí Linh, năm nay sản lượng vải của Chí Linh ước đạt 10 nghìn tấn. Đây là sản lượng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Nguyên nhân mất mùa vải thiều là do thời tiết năm nay diễn biến bất lợi. Thời tiết lạnh mới tạo thuận lợi cho vải kết hoa. Thời tiết ấm nóng khiến cây vải phát lộc là chủ yếu. Đến thời kỳ phân hóa gặp mưa nhiều, độ ẩm không khí cao nên tỷ lệ ra hoa, đậu quả thấp. Thời tiết không thuận còn làm cho mã quả kém, quả không to, cùi mỏng, vỏ dày…
Trước thực trạng vải thiều giảm hiệu quả kinh tế, các cấp chính quyền cần tìm ra các biện pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, người trồng vải cần đẩy mạnh chăm sóc vải và trồng xen những loại cây ăn quả có giá trị như na dai, hồng không hạt, ổi, quất... để tăng giá trị thu nhập.
PV