Làm gì để nông dân không cấy sớm trước lịch thời vụ?

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:41, 16/06/2010

Một bộ phận nông dân trong tỉnh vẫn có thói quen cấy sớm trước lịch thời vụ, đặc biệt là ở một số xã của hai huyện NinhGiang và Tứ Kỳ dẫn đến việc lúa trỗ sớm gặp thời tiết không thuận lợi khiến năng suất rất thấp.

Một bộ phận nông dân trong tỉnh vẫn có thói quen cấy mạ dược qua đông, cấy sớm trước lịch thời vụ, đặc biệt là ở một số xã của hai huyện Ninh Giang và Tứ Kỳ. Có nơi, nông dân cấy sớm trước lịch thời vụ gần một tháng. Trong vụ xuân năm nay, thời tiết ấm hơn trung bình nhiều năm, những diện tích cấy sớm trước lịch thời vụ đã trỗ bông sớm trong tháng 4 (thậm chí có ruộng lúa trỗ bông trong tháng 3), gặp nhiều đợt không khí lạnh làm cho lúa không thụ phấn, đậu quả được, hạt lép nhiều, năng suất chỉ đạt khoảng 1 tạ/sào. Đó là một cái giá quá đắt mà nông dân phải gánh chịu.

Nguyên nhân cấy sớm do đâu? Đầu tiên là do tập quán canh tác. Vài chục năm trước, cơ cấu trà lúa chủ yếu là vụ chiêm. Những năm về sau, do năng suất lúa vụ chiêm không cao, canh tác chủ yếu bằng các giống dài ngày, nên tỉnh ta chuyển dần sang cấy lúa vụ xuân. Hiện nay, diện tích lúa cơ bản là vụ xuân, trong đó có xuân sớm và xuân muộn. Tuy nhiên, do thói quen canh tác vụ chiêm để lại, cùng với thiếu kiến thức thâm canh lúa xuân, nên một bộ phận nông dân vẫn cấy sớm. Nguyên nhân thứ hai là nông dân cấy sớm để làm một vụ rau màu sớm kế tiếp. Nông dân khu C huyện Kim Thành cấy sớm để gieo trồng rau màu hè thu sớm, bán với giá cao. Trong vụ mùa, một số nơi cấy sớm để trồng vụ đông sớm. Đối với những nông dân cấy sớm để làm rau màu, họ chấp nhận có năng suất lúa không cao, nhưng bù lại sẽ có thu nhập cao từ trồng rau màu.

Việc cấy sớm do tập quán canh tác phải kiên quyết khắc phục. Cấy sớm không hẳn do lỗi của nông dân, mà còn liên quan tới sự điều hành, chỉ đạo của chính quyền và cơ quan chức năng. Cần tìm ra cách giải quyết vấn đề, cho dù khắc phục tập quán cấy sớm không dễ dàng, không thể làm trong một sớm, một chiều.

Có nhiều cách để thay đổi tập quán cấy sớm. Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức một buổi tham quan, học hỏi kinh nghiệm cho một số cán bộ, nông dân ở xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ) tại xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng). Một bộ phận nông dân xã Hà Kỳ có tập quán cấy sớm, năng suất lúa thấp. Trong khi đó, xã Cẩm Hưng là địa phương có truyền thống thâm canh lúa lai cho năng suất cao. Việc học hỏi kinh nghiệm giữa hai địa phương giúp nông dân Hà Kỳ có nhận thức mới trong canh tác lúa. Việc tổ chức trao đổi, học hỏi kinh nghiệm là một hình thức hiệu quả, cần được nhân rộng. Cơ quan chức năng có thể xây dựng một số mô hình gieo cấy lúa đúng lịch thời vụ, có đối chứng với những ruộng lúa cấy sớm để nông dân ở địa phương đó học tập, rút kinh nghiệm. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về những lợi ích khi cấy lúa theo lịch thời vụ, các cơ quan chức năng cũng cần kiên quyết không để nông dân tự ý cấy sớm, thông qua các biện pháp điều hành về nguồn nước, giống...

TUẤN NGUYÊN 
(Kim Thành)