"Cả phường"... vi phạm giao thông
Tin tức - Ngày đăng : 11:08, 18/06/2010
Cả phường Nhị Châu (TP Hải Dương) đều vi phạm giao thông bởi tất cả những con đường thuận lợi cho việc lưu thông từ phường ra quốc lộ 5 đều đã bị đóng. Người dân muốn qua lại quốc lộ 5 "bắt buộc"... phải phạm luật. Điều này cũng được hầu hết lãnh đạo địa phương và những người dân thừa nhận.
Người dân phường Nhị Châu ở bên kia đường 5 muốn sang nội thành hoặc ngược lại bắt buộc... phải vi phạm giao thông |
Thực tế trên đã và đang diễn ra tại phường Nhị Châu (TP Hải Dương). Điều này cũng được hầu hết lãnh đạo địa phương và những người dân thừa nhận mỗi khi được hỏi về tình trạng giao thông ở đây. Biết là sai, nhưng người dân từ phường này muốn qua lại quốc lộ 5 "bắt buộc"... phải phạm luật. Bởi lẽ tất cả những con đường thuận lợi cho việc lưu thông từ phường ra quốc lộ 5 đều đã bị đóng lại bằng dải phân cách.
Từ tháng 9-2009, khi tách ra từ phường Ngọc Châu, phường Nhị Châu đã chuyển khu hành chính mới về địa bàn khu dân cư số 3, ở phía nam quốc lộ 5. Cũng từ đây, mọi rắc rối trong việc đi lại của người dân càng phức tạp hơn. Đó là, người dân ở cả 6 khu dân cư của phường (nằm dọc hai bên quốc lộ 5) muốn qua lại hai bên quốc lộ buộc phải di chuyển đến 2 điểm giao cắt được mở hợp pháp: cầu vượt Phú Lương và đoạn quốc lộ 5 giao cắt với đường Điện Biên Phủ. Tính trung bình, để sang được bên kia quốc lộ 5, người dân phải di chuyển đến điểm gần nhất khoảng 1km và xa nhất lên tới 2km. Và để di chuyển được đến 2 điểm mở này, buộc tất cả các loại phương tiện ô-tô, xe máy, xe đạp phải phạm luật: đi xuôi, ngược vào làn đường dành cho xe thô sơ. Đối với những người đi bộ, để tránh phải di chuyển quãng đường xa đã chọn cách trèo qua dải phân cách, dẫn đến tình trạng giao thông ở đoạn đường này rất phức tạp...
Theo ông Lương Xuân Hiệp, người từng có 11 năm là Trưởng khu dân cư số 2 của phường: Cách đây khoảng 10 năm, đường Trương Hán Siêu cắt quốc lộ 5 từ phường sang phía nội thành đã được cơ quan quản lý đường bộ đóng lại bằng dải phân cách giữa. Do đó, người dân hai bên đường phải đi xuôi theo hướng Hà Nội- Hải Phòng để sang đường ở điểm đấu nối của quốc lộ 5 với đường Thanh Niên kéo dài (đoạn siêu thị Marko cũ). Nhưng vài năm sau, điểm giao cắt này cũng đóng lại. Phiền hà nhất là tình trạng ô-tô, xe máy muốn qua quốc lộ 5. Rất nhiều lần tình trạng vi phạm này đã bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe để xử lý. Song sau khi nghe trình bày, các phương tiện vi phạm đều được bỏ qua lỗi, do bất cập của hệ thống giao thông ở đây là thực tế.
Ông Trần Bá Mịch, Phó Chủ tịch UBND phường Nhị Châu, cho biết: Không chỉ việc đi lại của người dân gặp khó khăn, những bất cập này còn ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ dân và các doanh nghiệp trên địa bàn. Do không có đường vào nên Công ty Cơ khí Đức Giang phải bố trí xe vận tải nhỏ trung chuyển hàng hóa rất bất tiện. 155 doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp khác đóng trên địa bàn cũng gặp tình cảnh tương tự. Ông Mịch cho biết thêm, tại các cuộc họp HĐND thành phố hoặc tiếp xúc cử tri, đại diện phường và người dân đã nhiều lần đưa ra giải pháp khắc phục những bất cập trên nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Hiện nay, tình hình trật tự an toàn giao thông trên quốc lộ 5 nói chung và đoạn qua phường Nhị Châu nói riêng diễn biến hết sức phức tạp. Do đó, Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 240 (đơn vị quản lý và sửa chữa quốc lộ 5) căn cứ thực tế hoặc căn cứ đề xuất của các ngành chức năng đã đóng kín một số đoạn dải phân cách giữa hai chiều đường và dải phân cách giữa làn xe cơ giới với làn xe thô sơ. Tất cả những can thiệp đối với hạ tầng giao thông trên quốc lộ này đều được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải. Việc đóng các điểm giao cắt đã góp phần quan trọng trong kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, do không nghiên cứu, khảo sát kỹ nên đã gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân - như đã và đang diễn ra tại phường Nhị Châu.
Bài và ảnh: TIẾN HUY