Báo chí Hải Dương trong dòng chảy của báo chí cách mạng Việt Nam
Tin tức - Ngày đăng : 05:47, 21/06/2010
Báo chí cách mạng Hải Dương qua các thời kỳ đã tích cực đổi mới, kịp thời thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, định hướng dư luận xã hội, cổ vũ những điển hình tiên tiến...
Đảng bộ Báo Hải Dương tổ chức cho đội ngũ cán bộ, phóng viên học tậpchuyên đề Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ ChíMinh”. Ảnh: Thành Chung |
Năm 1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra báo Thanh Niên, đánh dấu sự ra đời của Báo chí cách mạng Việt Nam. Đến giữa năm 1933, tờ báo cách mạng đầu tiên ra đời tại tỉnh ta là báo Công Nông, do đồng chí Nguyễn Lương Bằng một mình thực hiện. Báo Công Nông gồm những bài viết dễ hiểu, dễ thuộc nhằm truyền bá tinh thần yêu nước trong công nhân và nông dân, kêu gọi công nông làm cách mạng. Tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng tờ báo đã gây được tiếng vang lớn, thực sự trở thành mốc son quan trọng khởi đầu sự hình thành và phát triển của báo chí cách mạng tỉnh nhà.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, báo chí ở tỉnh ta càng phát triển mạnh mẽ. Đầu năm 1946, Tỉnh ủy ra Tuần san Hải Dương để truyền đạt chương trình công tác của tỉnh. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ và nhân dân càng trở nên bức thiết, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh mau chóng cho xuất bản các tờ báo: Quyết Thắng, Tiếng Gọi; Ty Thông tin ra nội san Tin Tưởng; Tỉnh ủy ra tiếp tờ Khói Lửa; Đoàn Thanh niên có báo Thanh Niên, thiếu nhi Ninh Giang ra báo Xung Phong... Báo chí tỉnh nhà trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã làm tốt việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, phổ biến những kinh nghiệm chiến đấu và sản xuất, cổ vũ nhân dân đoàn kết, tin tưởng phát huy lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết tâm kháng chiến lâu dài, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, đánh thắng giặc Pháp, giải phóng quê hương, đất nước.
Hòa bình lập lại năm 1954, Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính tỉnh quyết định xuất bản tờ Tin Hải Dương. Sau khi tờ Tin Hải Dương ra được 670 kỳ, ngày 14-10-1961, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết nâng Tin Hải Dương lên thành báo Hải Dương mới. Ngày 1-12-1961, báo Hải Dương mới, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh ra số đầu. Đến năm 1968, báo Hải Dương mới hợp nhất với Báo Hưng Yên thành Báo Hải Hưng. Đến năm 1997, tỉnh Hưng Yên tái lập, Báo Hải Hưng tách thành Báo Hải Dương và Báo Hưng Yên. So với báo in, phát thanh - truyền hình ra đời muộn hơn. Năm 1957, Đài Truyền thanh thị xã Hải Dương được thành lập trực thuộc ủy ban Hành chính thị xã Hải Dương, khởi đầu cho sự phát triển của ngành phát thanh và truyền hình tỉnh. Cùng với báo in và báo phát thanh, các ban, ngành của tỉnh còn có những bản tin chuyên ngành. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, báo chí Hải Dương với chức năng là tiếng nói của Đảng bộ và chính quyền, đồng thời là diễn đàn của nhân dân tỉnh nhà đã kịp thời phản ánh các sự kiện, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nêu các điển hình tiên tiến, các cách làm hay trong sản xuất, chiến đấu của quân và dân trên địa bàn. Những người làm báo tỉnh nhà, thực sự là những "chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng", khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, bám sát thực tiễn cuộc sống, kịp thời động viên quân và dân tỉnh nhà vừa chiến đấu vừa sản xuất, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam, cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong những năm đổi mới, báo chí Hải Dương cũng có sự đổi mới và phát triển mạnh mẽ. Về báo in, hiện nay toàn tỉnh có 1 tờ báo, 4 tạp chí, 2 đặc san và 15 bản tin. Tờ báo in lớn nhất là báo Hải Dương, hiện phát hành 6 kỳ/tuần, liên tục từ thứ 2 đến thứ 7 gồm 3 ấn phẩm in là Hải Dương hằng ngày, Hải Dương cuối tuần, Hải Dương hằng tháng và Hải Dương online trên mạng in-tơ-nét. Số lượng phát hành Hải Dương hằng ngày đạt gần 11.000 bản/kỳ. Các tạp chí như: Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Văn nghệ Hải Dương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương; Lao động và Công đoàn... tiếp tục có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức, đáp ứng nhu cầu chuyên sâu về một số lĩnh vực cho bạn đọc. Cùng với báo in, mạng lưới phát thanh - truyền hình tỉnh ngày càng có những bước phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh có nội dung, chương trình phát thanh và truyền hình khép kín trong ngày. Ngoài các chuyên mục phát thanh, truyền hình, Đài thực hiện nhiều chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao. Trong những năm gần đây, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã thực hiện gần 500 chương trình ghi, truyền hình trực tiếp các sự kiện chính trị - văn hóa của tỉnh. Chỉ riêng năm 2009, đã thu ghi và truyền hình trực tiếp hơn 180 cuộc. Hệ thống đài phát thanh huyện, thị, thành phố, đài truyền thanh xã, phường, thị trấn phát triển mạnh, kịp thời đưa chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Có thể nói, báo chí cách mạng Hải Dương qua các thời kỳ đã tích cực đổi mới, kịp thời thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, định hướng dư luận xã hội, cổ vũ những điển hình tiên tiến, các phong trào thi đua yêu nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần đấu tranh chống các luận điệu sai trái, phản động, bảo vệ sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa. Các thế hệ người làm báo tỉnh nhà đã và đang tiếp tục phát huy vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, tích cực học tập, trau dồi kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới, của công chúng và bạn đọc.
VŨ ÚY