Hiệu quả mô hình "Cùng nông dân ra đồng"

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:08, 23/06/2010

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện mô hình tại tỉnh ta, nhiều mô hình đã giúp chi phí của nông dân giảm được từ 800 đến 1 triệu đồng/sào/vụ. Nhiều nông dân đề nghị nhân rộng mô hình này, giúp họ nâng cao hiệu quả sản xuất.


Nhân viên kỹ thuật của Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang cùng nông dân kiểm tra đồng ruộng

Trên cánh đồng gần 3 ha của xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) nông dân đã biết cách phòng trừ sâu bệnh theo quy trình "4 đúng" trong vụ chiêm xuân. Những nhân viên kỹ thuật của Công ty CP Bảo vệ thực vật dịch vụ bảo vệ thực vật An Giang (gọi tắt là FF) đã từng ngày bám ruộng, cùng nông dân thực hiện các giải pháp quản lý đồng ruộng, áp dụng các quy trình tiên tiến trong sản xuất qua đó thực hiện đồng bộ các nội dung trong mô hình "Cùng nông dân ra đồng". Hơn 3 ha lúa chiêm của 56 hộ tham gia mô hình đã sinh trưởng và phát triển tốt, bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá đã được phòng trừ kịp thời. Bác Đăm Văn Đoàn ở đội 7, thôn Nghi Khê, xã Tân Kỳ cho biết: "Từ khi được các cán bộ cùng nông dân làm đồng, nhà nông chúng tôi được trang bị nhiều hơn các kiến thức về chăm sóc cây lúa. Trước đây chỉ sản xuất theo kinh nghiệm nên năng suất lúa không cao. Nhờ mô hình mà chúng tôi biết cách chăm sóc lúa hiệu quả mà chi phí sản xuất lại giảm 3-4 lần so với tập quán canh tác trước kia".

Mô hình "Cùng nông dân ra đồng" bắt đầu được thực hiện tại tỉnh ta từ vụ mùa năm 2008. Hiện nay, chương trình này đang được thực hiện tại 5 huyện: Nam Sách, Ninh Giang, Kinh Môn, Từ Kỳ và Thanh Miện. Đây là chương trình quản lý đồng ruộng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cho người lao động. Với vai trò là cầu nối giữa nông dân và các nhà khoa học nên các cán bộ FF được trang bị kiến thức và kinh nghiệm từ thực tiễn, luôn bám sát đồng ruộng, cùng làm với người nông dân để chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất với bà con. Các cán bộ thực hiện mô hình phổ biến từ khâu làm đất, chọn giống, bón phân, ngâm ủ giống, gieo sạ, quản lý dịch hại và cùng trao đổi với nông dân các phương pháp bảo vệ cây lúa khi có dịch bệnh xảy ra.Tuy nhiên, thời gian đầu khi bắt tay vào thực hiện mô hình, các cán bộ FF đã gặp không ít khó khăn. Việc phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt các quy trình canh tác nên có rất ít người dân đăng ký tham gia mô hình. Khi họp dân giới thiệu mô hình mới nhiều người dân còn thờ ơ, cho rằng đó chỉ là mô hình có lợi cho nhà kinh doanh. Đối với những người đã tham gia mô hình, khi hướng dẫn sử dụng phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật đúng cách thì không ai theo hoặc làm theo một cách miễn cưỡng. Sau một thời gian tham gia mô hình, bà con nông dân đã hiểu được ý nghĩa của việc áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời chủ động kiểm tra đồng ruộng và phối hợp với cán bộ hợp tác xã và các cán bộ kỹ thuật FF trao đổi các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại lúa. Những tập quán canh tác truyền thống như gieo vãi với mật độ dày khiến cây lúa phát triển kém, đẻ nhánh rất ít, tạo điều kiện cho dịch hại phát sinh làm giảm năng suất, cộng với việc bón phân không hợp lý, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đã dần được thay thế bằng những biện pháp sản xuất hiệu quả như: gieo sạ hàng và gieo vãi đúng mật độ. Thời gian sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ được quy định cụ thể và áp dụng hợp lý đúng thời điểm, không phun theo chủ quan, kinh nghiệm. Anh Trịnh Văn Hưng, Phó Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tứ Kỳ cho biết: "Mô hình cùng nông dân ra đồng là một mô hình khuyến nông tự nguyện giúp nông dân giảm chi phí trong sản xuất trong khi năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng cao nên được bà con nhiều nơi ủng hộ. Sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học và nhà nông sẽ giúp nông dân sản xuất hiệu quả".

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện mô hình tại tỉnh ta, nhiều mô hình đã giúp chi phí của nông dân giảm được từ 800 đến 1 triệu đồng/sào/vụ. Tiêu biểu như mô hình "Cùng nông dân ra đồng" ở thôn Tân Cổ, xã An Phụ (Kinh Môn) đã giúp nông dân ở đây nâng cao giá  trị thương hiệu của đặc sản nếp cái hoa vàng vốn là một đặc sản nổi tiếng của vùng. Khi chưa tham gia mô hình, do tập quán canh tác truyền thống như cấy dày, bón nhiều phân đạm nên lúa nếp thường bị sâu đục thân, rầy nâu và sâu cuốn lá nhỏ gây hại. Từ khi tham gia mô hình và được tư vấn các bước chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hợp lý mà chi phí sản xuất giảm 300-500 nghìn đồng/sào; năng suất lúa tăng từ 1 tạ/sào lên 1,4 tạ/sào; chất lượng gạo nếp cái hoa vàng ngày càng đứng vững trên thị trường. Mô hình đã góp phần tiết kiệm chi phí được gần 8 triệu/ha, góp phần hoàn thiện quy trình sản xuất lúa nếp hoa vàng, một đặc sản của Kinh Môn.

Từ hiệu quả mô hình "Cùng nông dân ra đồng", nhiều nông dân đã đề nghị nhân rộng, giúp họ nâng cao hiệu quả sản xuất.

LAN ANH