Chưa coi trọng an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 15:52, 23/06/2010

Hiện nay, vấn đề an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp dườngnhư bị chính những người nông dân “bỏ quên”, sự quan tâm từ phía các cơ quan quản lý cũng chưa thật hiệu quả.

Tai nạn trong nông nghiệp thường được nhắc đến chủ yếu là nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật, bị tổn thương do dùng máy móc, vật tư nông nghiệp chưa đúng cách và nhiều sự cố khác khi làm ruộng hay tham gia các hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, thống kê trong những năm gần đây của các cơ quan chức năng lại không có con số riêng cho bệnh nghề nghiệp của nông dân mà chỉ có của công nhân hoặc các ngành nghề khác.

Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: Thực chất con số và loại hình tai nạn lao động trong nông nghiệp rất lớn và đa dạng. Đó có thể là việc đứt gãy các chi do các dụng cụ cắt gây ra, cũng có thể là chấn thương do mang vác các vật nặng không đúng cách; bệnh ngoài da do ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật... Thực tế, công tác quản lý các cơ sở sản xuất nông nghiệp cũng như việc tuyên truyền và đưa ra biện pháp bảo vệ an toàn lao động cho người nông dân đang gặp nhiều khó khăn mà nguyên nhân chính là do đặc thù quy mô, ngành nghề.

Một chuyên gia trong lĩnh vực lao động nhận xét: “Việc quản lý môi trường lao động của công nhân đã khó, quản lý môi trường lao động của nông dân còn khó hơn. Trên thực tế, việc nhà nông gần như là việc nhà của nông dân nên các tai nạn rất khó thống kê. Chưa kể, nông dân và địa phương cũng chưa có ý thức về việc thống kê này”. Bên cạnh đó, còn có lý do khác dẫn tới việc lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ít được quan tâm, theo ông Nga thì hiện chưa có chế độ trợ cấp bệnh nghề nghiệp cho nông dân. Không giống công nhân, nông dân không thuộc quân số của cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp.

Trước hiện trạng này, các cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra một số giải pháp để tăng cường bảo đảm sức khỏe, an toàn lao động cho nông dân. Theo đó, chương trình quốc gia về bảo hộ, an toàn và vệ sinh lao động năm 2010 sẽ chú trọng các hoạt động cải thiện điều kiện lao động ở một số lĩnh vực có nguy cơ cao trong đó có sản xuất nông nghiệp và nông thôn. Để làm được điều này, theo ông Vũ Như Văn, Cục trưởng Cục An toàn lao động, ngoài Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì vai trò của Bộ Y tế là vô cùng quan trọng trong cải thiện môi trường, phòng chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong nông nghiệp. Công tác này chỉ có thể tốt lên khi những hoạt động ở tuyến cơ sở được đẩy mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, có một thực tế các quy định về pháp luật an toàn lao động trong lao động nông nghiệp lại khá lỏng lẻo, sơ sài, thậm chí không có. Vì thế, bên cạnh việc cần thiết phải ban hành các văn bản quy định thực hiện và đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp thì còn cần tăng cường rà soát các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp. Sở Y tế cần quan tâm và bổ sung nhân lực cũng như trang thiết bị, phê duyệt và tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh triển khai hiệu quả Chương trình Phòng chống bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, với điều kiện thanh tra lao động còn rất thiếu như hiện nay, việc y tế và chính quyền cơ sở chủ động phát huy hoạt động tuyên truyền, giáo dục là điều kiện tiên quyết để đẩy lùi tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp của nhà nông.

Cục An toàn lao động cho biết, sắp tới, một dự án thuộc chương trình quốc gia sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện. Dự án sẽ xây dựng văn bản luật và hai quy chuẩn kỹ thuật an toàn; hoàn thiện và triển khai áp dụng mô hình hệ thống triển khai hệ thống tổ chức quản lý, giám sát công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn. Điểm mấu chốt của dự án là nghiên cứu và hoàn thiện mô hình triển khai nhằm đưa khoa học công nghệ, y học vào cải thiện môi trường lao động trong nông nghiệp và ngành nghề nông thôn. Chương trình dự kiến sẽ sử dụng rất nhiều tình nguyện viên nông dân.

(Theo Công thương)