Nông dân Tứ Kỳ chuyên canh dưa
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:25, 30/06/2010
Phải mất gần 20 năm vật lộn với mảnh ruộng khoán, một số hộ nông dân ở Tứ Kỳ mới tìm ra được phương thức chuyên canh dưa thay vì thâm canh "2 lúa một màu" trước đó, hình thành nên 4 vùng chuyên canh dưa, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu.
Mô hình chuyên canh dưa ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) |
Khi được giao đất ổn định lâu dài từ năm 1993, nông dân các xã Nguyên Giáp, Văn Tố, Ngọc Kỳ và Hưng Đạo đã tích cực khai thác những vùng đất cát pha để thâm canh 2 vụ lúa và một vụ đông, đưa lại giá trị sản xuất 70 triệu đồng/ha/năm. Không bằng lòng với kết quả này, một số nông dân đã chọn cách làm mới là không cấy lúa, chuyển hẳn sang trồng màu. Ban đầu, họ trồng lạc, ngô, đậu, bí đỏ, bí xanh, dưa và rau thực phẩm, nâng giá trị sản xuất lên gần 100 triệu đồng/ha/năm. Khi tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, các hộ dân nhận thấy, trong khoảng thời gian nông dân tập trung làm 2 vụ lúa, thì dưa hấu, dưa leo, dưa lê, dưa bở, dưa hồng... luôn bán được giá cao và không đủ sản phẩm cung ứng cho nhu cầu thị trường. Thế là, họ chọn cây dưa để thâm canh quanh năm. Từ đó, trong huyện hình thành vùng chuyên canh dưa ở các xã trên, với tổng diện tích 207 ha.
Thôn An Quý, xã Nguyên Giáp có 40 ha đất bãi ngoài đê sông Thái Bình. Nhiều năm trước đây, cả khu đã có bối, khoanh vùng ngăn nước lũ. Anh Phùng Văn Phú, nông dân trồng dưa chuyên canh ở thôn này, nhớ lại: "Khi được giao đất ổn định lâu dài, mỗi năm chúng tôi chỉ làm 2 vụ: 1 lúa, 1 màu; cùng lắm là 2 lúa, 1 màu hoặc 1 lúa, 2 màu. Lúc đó, đường 391 về huyện chưa được nâng cấp, giao thông còn khó khăn, nên sản phẩm làm ra phải chất lên xe đạp thồ mang đi bán lẻ, vất vả lắm. Dù tiếc đất đai chưa được khai thác hết, chúng tôi cũng không biết xoay xở ra sao. Từ khi có đường tốt, khách đem ô-tô về tận nơi gom hàng, chúng tôi chớp ngay cơ hội này để mở rộng diện tích trồng rau, màu. Một số hộ trong thôn nhạy bén hơn, thấy cây dưa trồng được quanh năm, sản phẩm tiêu thụ dễ dàng, lại được giá, họ chuyển hẳn sang chuyên canh dưa và giàu lên nhanh chóng. Thế là cả làng cùng làm theo".
Tại xã Hưng Đạo, nơi có 400 ha đất lúa, thì nông dân dành tới 120 ha trồng dưa chuyên canh. Dưa sản xuất ra đến đâu, thương lái đem ô-tô về gom mang đi tiêu thụ hết đến đó. Vụ này, cả vùng chủ yếu trồng dưa hấu hè, chỉ có khoảng 10 ha trồng dưa lê, dưa bở, dưa hồng. Dưa hấu sắp được thu, mỗi sào từ 400 đến 420 quả. Nếu thời tiết tốt, mỗi quả đạt 3 kg thì mỗi sào dưa cầm chắc thu hơn 1 tấn quả. Thời điểm này dưa đang bị giảm giá, còn khoảng 4.000 đồng/kg, thấp hơn 2.000 đồng/kg so với dưa hấu vụ xuân. Nhưng trừ chi phí vẫn có lãi 3 triệu đồng/sào (tương đương hơn 80 triệu đồng/ha/vụ). Các giống dưa hấu truyền thống trồng từ nhiều vụ nay, quả nhỏ hơn, nhưng ít ra cũng lãi từ 2,2 đến 2,5 triệu đồng/sào/vụ.
Mặc dù trồng dưa chuyên canh hiệu quả cao, nhưng phải quy hoạch tốt. Nếu không sẽ xảy ra việc "nhà nhà trồng dưa, người người trồng dưa" dẫn đến thương lái ép giá, thu nhập thấp. Ngay cả khi có quy hoạch, nếu không chọn được các giống dưa tốt đưa vào thâm canh, thì hiệu quả cũng không cao.Theo ông Nguyễn Văn Đỉnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ: "Cách đây 5 năm, cả huyện chỉ có 37-38 hộ nông dân chuyên trồng dưa, với diện tích khoảng 7-8 ha. Họ "phất lên" nhanh chóng. Thấy vậy, các hộ khác cũng làm theo và hình thành nên 4 vùng chuyên canh dưa, với giá trị sản xuất đạt hơn 350 triệu đồng/ha/năm. Trừ chi phí, nông dân có lãi từ 200 đến 220 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 6-7 lần so với cấy lúa 2 vụ. Tuy nhiên, huyện đang cân nhắc các biện pháp cần thiết, nhằm hạn chế tình trạng phát triển quá nhiều vùng chuyên canh dưa, dẫn đến "cung vượt cầu"; đồng thời tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ.
Chuyên canh dưa không dễ, vì cây dưa phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Còn người trồng dưa thì phụ thuộc vào thị trường, kinh nghiệm chăm sóc và nhất là chọn thời điểm gieo trồng phù hợp. Bên cạnh việc chú ý bón phân, điều tiết nước tưới, tiêu, phòng, trừ sâu, bệnh, người trồng dưa còn phải thường xuyên quan sát cây để tỉa chèo, tuyển trái. Đối với cây dưa leo, dưa lê, có thể ngắt ngọn cho cây phát nhánh chèo rồi chọn 2-3 nhánh tốt. Trên cây dưa hấu, dưa hồng, dưa bở có thể để một dây gốc; nếu mật độ trồng thưa thì có thể ngắt ngọn để 3 nhánh chèo. Nhưng quan trọng hơn là kỹ thuật tuyển trái. Người trồng các loại dưa này thường chọn quả ra ở đốt thứ 2 trở đi của mỗi nhánh; để lại từ 1 đến 2 quả, các quả khác phải ngắt bỏ. |
CÔNG ĐẠO