Chất "thiền" trong bài thơ "Ong" của Chế Lan Viên

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 06:01, 03/07/2010

Ong

Xuân chửa qua, hoa đã ném bên thềm
Nhặt lên, cành úa vứt đi, cắm vào bình lại
Đâu phải yêu hoa, đâu phải tiếc tiền
Chỉ sợ con ong lúc về phòng lạc lối
Thấy căn phòng thiếu một dáng hoa quen.


                                       (Rút trong di cảo thơ 1987)


Năm 1986, Chế Lan Viên viết bài thơ "Hoa trên đá":

Đời ngoài tuổi sáu mươi
Mong chi hương sắc lạ
Mọc chùm hoa trên đá
Mùa xuân không chịu lùi


Từ "Hoa trên đá" đến "Ong", hai bài thơ cùng mô típ, nhưng đã có độ lùi thời gian. Cách nhìn và cảm cũng khác, đằm sâu hơn, cảm thông hơn về phía mất mát của nỗi đời. "Ong" là bài thơ ngắn, giàu tâm trạng, lối thơ trực cảm tác động tức thời; gây hiệu ứng ngay đến người đọc. Câu mở đầu nêu sự việc, lại như một câu hỏi, hàm chứa một hành động vô cảm phũ phàng:

Xuân chửa qua, hoa đã ném bên thềm

Cách cảm và nghĩ như thế sẽ là tất yếu dẫn đến hành động tiếp theo:

Nhặt lên, cành úa vứt đi, cắm vào bình lại


Những động từ nối nhau liên tiếp đặt trong một câu như nhặt, vứt, cắm đã đạt hiệu quả cao khi diễn tả hành động, làm cho hồn cốt câu thơ thêm mạnh mẽ, thái độ hành xử dứt khoát. Tưởng chỉ hai câu thơ cũng đủ cho một người yêu hoa và yêu đến thế là cùng. Nhưng không! Những câu tiếp theo làm người đọc sửng sốt, từ sửng sốt đến đồng cảm và hơn nữa là sự kính trọng một nhân cách, một tấm lòng:
Đâu phải yêu hoa, đâu phải tiếc tiền

Chỉ sợ con ong lúc về phòng lạc lối
Thấy căn phòng thiếu một dáng hoa quen.


Những câu thơ viết ra thật tự nhiên, giản dị mà giàu lòng nhân ái. Đâu chỉ nhân ái với con người, mà còn với cả những sinh linh nhỏ bé như con ong, cái kiến. Nhà thơ muốn gửi một thông điệp rằng, hãy giàu lòng yêu thương và đừng sống vô cảm với đời.

Vào cái tuổi "cổ lai hy", trong lòng đã lắng lại sau bao vui buồn và được, mất. Hồn thơ cũng đã mang phong vị "thiền", và "Ong" là một bài thơ thiền của ông vậy.

NGUYỄN HUY