Nguy cơ mai một những làng nghề

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:35, 08/07/2010

Những năm gần đây, một số làng nghề như thêu ren, mây tre đan... gặp rất nhiều khó khăn do chưa có sự đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ... khiến các làng nghề đứng trước nguy cơ mai một.


Sản xuất của làng nghề đan An Nhân, thị trấn Tứ Kỳ đang bị thu hẹp

Gia đình ông Nguyễn Văn Cố ở thôn An Nhân, thị trấn Tứ Kỳ có truyền thống làm nghề đan từ nhiều đời nay. Trước đây, mọi người trong gia đình ông đều làm nghề đan, nhưng những năm gần đây chỉ còn ông và các con làm. Các cháu ông đến tuổi trưởng thành đều chọn nghề khác. Ông cho biết: Thu nhập 1 ngày của hai ông bà được khoảng 10 nghìn đồng, tuy không cao nhưng phù hợp với sức khỏe tuổi già.

Thôn An Nhân hiện có 800 hộ dân với gần 4.000 nhân khẩu, trong đó có khoảng 700 người làm nghề đan rổ, rá, thúng, nong nia. Trước đây, nghề này phát triển, hầu hết các gia đình trong thôn đều có người làm nghề, trong đó có nhiều thanh niên. Tuy chỉ là nghề phụ lúc nông nhàn, nhưng đã mang lại thu nhập khá cho người dân. Đến nay, có khoảng 95% số gia đình có nhà cao tầng, kiên cố, hầu hết đường làng, ngõ xóm được đổ bê-tông, các công trình phúc lợi đều có một phần đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề đan ở An Nhân thu hẹp về số người làm nghề và các loại sản phẩm. Nguyên nhân là do thiếu nguyên liệu. Hầu hết tre dùng để làm hàng trong thôn không còn, đều lấy từ vùng cao. Do vận chuyển vất vả, lợi nhuận thấp, cả thôn chỉ có 1 người chuyên cung cấp nguyên liệu nên không đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, nguồn vốn của người dân còn khó khăn. Điều quan trọng nhất làm cho nghề đan ở An Nhân không còn thu hút được nhiều người làm như trước kia nữa là thu nhập thấp. Trước đây, khi huyện Tứ Kỳ nói riêng và tỉnh ta nói chung chưa phát triển công nghiệp, nhiều người còn gắn bó với nông nghiệp và các ngành nghề truyền thống. Tuy nhiên, những năm gần đây, thanh niên trong làng có xu hướng thoát khỏi nông nghiệp, vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp; một số người lại chọn công việc khác như: làm xây dựng, đi chợ, buôn bán. Hiện nay, làm nghề đan ở An Nhân chỉ còn các cụ cao tuổi, những người yếu.

Ông Nguyễn Xuân Cương, Chủ tịch UBND thị trấn Tứ Kỳ cho biết: Năm 2009, tổng giá trị sản xuất toàn thị trấn đạt gần 67 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 7,3 triệu đồng. Thu nhập của người làm nghề đan ở thôn An Nhân từ 600 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, số lao động làm nghề đan có thu nhập từ 800 nghìn đồng trở lên rất ít. Các sản phẩm từ nghề đan còn nghèo, chủ yếu là phục vụ đời sống hằng ngày, chưa có sản phẩm cao cấp xuất khẩu. Tuy là nghề truyền thống nhưng do phát triển tự phát, vì vậy khi gặp khó khăn thì khó có thể tự giải quyết được. Hiện nay, thị trấn đã phối hợp với một số đơn vị để tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho làng nghề nhưng vẫn rất khó khăn. Nếu không tìm được thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các sản phẩm thì không thu hút được lao động trẻ. Nghề đan tuy không mất đi nhưng chỉ phát triển cầm chừng như hiện nay.  

Cũng giống như nghề đan ở thôn An Nhân, nghề làm lược ở làng Vạc, xã Thái Học (Bình Giang) cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, gia đình nào cũng có từ 1 đến 2 chiếc lược bí, nhưng hiện nay phải khó lắm mới tìm thấy được sản phẩm này và chỉ có thể tìm thấy trong gia đình có người già ở nông thôn. Công nghệ hóa mỹ phẩm phát triển làm cho thế hệ trẻ không còn thói quen, thậm chí không biết đến chiếc lược bí khi gội đầu. Chiếc lược bí làng Vạc có từ thế kỷ 18. Vào khoảng thời gian từ năm 1975 đến 1994 là thời kỳ phát triển mạnh nhất của làng nghề. Hiện nay, vẫn còn đến 70% số gia đình ở làng Vạc duy trì nghề nhưng chủ yếu là người già và trẻ em làm, thu nhập 1 ngày của 1 lao động từ 20 đến 25 nghìn đồng. Lược bí tiêu thụ một phần trong nước, còn phần lớn để xuất sang Cam-pu-chia, Thái Lan, Lào... dùng vào việc cúng lễ.

Trên địa bàn tỉnh ta hiện có 56 làng được công nhận danh hiệu làng nghề. Mỗi năm, doanh thu từ các làng nghề đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 30 nghìn lao động. Hầu hết các làng nghề đều phát triển ổn định. Tuy nhiên, những năm  gần đây, một số làng nghề như thêu ren, mây tre đan... gặp rất nhiều khó khăn do chưa có sự đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ... Thêm vào đó, sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, một số sản phẩm truyền thống được thay thế bằng những loại khác cho phù hợp hơn. Tỉnh ta đã ban hành văn bản quy định về các tiêu chí để các làng có nghề so sánh, phấn đấu đạt danh hiệu làng nghề, trong đó có một số tiêu chí như: số hộ gia đình, hoặc số lao động làm nghề chiếm từ 25% trở lên so với tổng số gia đình hoặc lao động ở làng; doanh thu của làng phải cao hơn doanh thu bình quân của xã 30% và thu nhập bình quân của một lao động làm nghề phải cao hơn thu nhập bình quân của 1 lao động trong xã 10%. So sánh với những tiêu chí trên, thì một số làng nghề ở tỉnh ta hiện nay không đáp ứng được. Vì vậy, nếu không năng động trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm thì những nghề này khó phát triển. Về lâu dài có nguy cơ sẽ mất danh hiệu không ít làng nghề. Để những làng nghề này phát triển được và không mất đi, ngoài sự nỗ lực của những người làng nghề rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền về cơ chế, chính sách, hỗ trợ vốn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ...

NGỌC THỦY