Vụ scandal gián điệp lạ lùng nhất thời hiện đại
Bình luận - Ngày đăng : 05:43, 10/07/2010
Vụ scandal hồi tuần trước liên quan đến 11 “gián điệp Nga” bị bắt giữ ở Mỹ đã làm cả thế giới chấn động. Toàn bộ câu chuyện này giống như một bộ phim ly kỳ, hấp dẫn. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh khác, vụ scandal này có lẽ là câu chuyện tình báo lạ lùng nhất trong lịch sử thời hiện đại. Vậy sự lạ lùng đó nằm ở đâu?
Điều lạ lùng thứ nhất là các cơ quan tình báo Nga đã làm việc nghiệp dư đến nỗi “kẻ thù” có thể phát hiện và phá vỡ nhanh chóng toàn bộ một “mạng lưới gián điệp lớn” được cài cắm sâu trên đất Mỹ. Những người từng ở cương vị phụ trách các nhóm điệp viên như ông Ca-lu-gin cho biết, thậm chí trong thời kỳ suy sụp nhất của Xô-viết cũng không có quá 10 gián điệp hoạt động trong lãnh thổ nước Mỹ. Liệu thực tế có đúng như vậy? Rõ ràng mọi việc xung quanh vụ scandal gián điệp liên quan đến Nga-Mỹ này có nhiều điều rất đáng phải nghi ngờ.
Điều lạ lùng thứ hai, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và các cơ quan thi hành luật khác của Mỹ đã không tiết lộ toàn bộ câu chuyện, muốn nhường lại cho công chúng tự suy đoán về những phần hấp dẫn nhất trong câu chuyện này. Cũng khó có thể chấp nhận được việc một số thành viên của nhóm gián điệp Nga mang tiền bằng va-li từ một nước châu Mỹ nào đó đến Mỹ. Chẳng cần phải là một người hiểu biết nhiều mới biết được rằng thế giới hiện đang ngày càng cảnh giác cao hơn với nạn rửa tiền. Bất kỳ ai mang một số tiền mặt lớn mà không có lý đo đều sẽ ngay lập tức rơi vào vòng bị nghi ngờ và theo dõi.
Lời giải thích về thời điểm diễn ra vụ bắt giữ một loạt gián điệp Nga, chỉ một ngày sau chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Nga Đi-mi-tri Mét-vê-đép đến Mỹ cũng rất đặc biệt. Các quan chức Mỹ nói rằng họ đã phải nhanh chóng hành động vì một trong những nghi phạm đang chuẩn bị rời Mỹ. Lý giải này làm người ta khó hiểu. Rõ ràng hầu hết các thành viên trong mạng lưới gián điệp Nga đã sống ở Mỹ trong nhiều năm, nếu không nói là vài thập kỷ. Họ có nhà, có con và con họ đang học ở các trường của Mỹ. Vậy lý do gì mà một trong những thành viên này lại rời khỏi Mỹ chính xác đúng một ngày sau chuyến thăm của Tổng thống Mét-vê-đép? Đúng như Ngoại trưởng Nga La-vrốp đã mỉa mai: “Thời điểm mà Mỹ chọn để công bố vụ scandal gián điệp thật quá là lịch thiệp, tế nhị”.
FBI chắc là có lý do chính đáng để bắt tất cả 11 người nói trên nhưng vẫn có những câu hỏi phức tạp cần câu trả lời. Đáng chú ý là nhóm gián điệp không bị báo cuộc cung cấp thông tin mật cho chính phủ Nga mà lại bị cáo buộc thực hiện các hoạt động vận động hành lang mà không xin phép, rửa tiền và dùng thẻ căn cước giả.
Với vô vàn những điều lạ lùng bao phủ xung quanh câu chuyện gián điệp nhuốm màu tiểu thuyết giữa Nga và Mỹ rất dễ để người ta nghĩ rằng đây là một âm mưu nhằm phá hoại mối quan hệ song phương vừa mới chớm nở giữa hai cựu địch thủ thời Chiến tranh Lạnh. Trước chuyến thăm của Tổng thống Mét-vê-đép đến Mỹ, đã có những cáo buộc cho rằng, Tổng thống Ô-ba-ma đang nhượng bộ mọi thứ trước người Nga. Tuy nhiên, không ai có thể giải thích chính xác Tổng thống Mỹ đã nhượng bộ cái gì trước Nga. Một số người Mỹ vẫn giữ quan điểm lâu nay rằng Nga là một mối đe doạ hoặc ít nhất là một đối thủ của họ.
Rất may là cả Nhà Trắng và các quan chức Nga, vốn đã quen với những phản ứng cứng rắn trong các tình huống tương tự trong quá khứ, đều đang tìm cách để tránh không để cho vụ scandal gián điệp hiện nay làm ảnh hưởng đến thiện chí cải thiện quan hệ song phương giữa hai nước.
(Theo VnMedia)