Những suy tư trong "Nhà tôi ở phố"

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 05:31, 17/07/2010

Hà Cừ

Nhà tôi ở phố

Nhà tôi ở phố Cầu Dồi (*)

Lô xô mái ngói những người nhà quê

Mùa lên hương lúa bộn bề

Ngổn ngang rơm rạ lối về ngõ sâu

Người xe lẫn bước chân trâu

Thoảng thơm khói thuốc, miếng trầu nồng cay...

Bây giờ phố đã đổi thay

Nhà cao, cửa kính, gió bay ngoài thềm

Ào ào xe cộ như nêm

Bán mua tấp nập hết đêm, sang ngày

Thị trường mê mải vòng quay

Giá nhà, giá đất từ nay lên vàng

Bao người đời bỗng sang trang

Váy dài, váy ngắn xênh xang nụ cười...

*

Tôi ngồi, lòng nhớ tháng mười

Ngổn ngang thương phố, thương người

nhà quê!

Phố - làng, 12-10-2004

---------------------------------

(*) Nay là phố Trương Mỹ, phường Trần Phú, TP Hải Dương

"Nhà tôi ở phố" là bài thơ được in trong tập: "Dòng sông năm tháng" của nhà thơ Hà Cừ (NXB Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005). Chủ đề nổi bật, xuyên suốt trong tập thơ là sự suy tư trăn trở của tác giả trước dòng sông thời gian trôi đi một cách nghiệt ngã. Tác giả đã đối lập cái hữu hạn của đời người trước cái vô hạn của thời gian, không gian vũ trụ để suy tư chiêm nghiệm rồi từ đó rút ra nhận xét, có lúc là triết lý cuộc sống, có lúc là những suy ngẫm có giá trị nhân văn. Điều đáng ghi nhận ở đây là triết lý của Hà Cừ ít khi rơi vào khô khan duy lý, bởi vì những triết lý ấy bao giờ cũng được chắt ra từ chất liệu cuộc sống ngồn ngộn tươi xanh. "Nhà tôi ở phố" là một thí dụ.

Bài thơ được tác giả kết cấu làm hai phần rõ rệt. Dưới bài thơ có dòng chú thích: "Phố - Làng 12-10-2004” như một sự gợi ý:
Nhà tôi ở phố Cầu Dồi
Lô xô mái ngói những người nhà quê


Phố mà vẫn "quê"! Chúng ta chia sẻ với tác giả một chút ngậm ngùi về cuộc sống lam lũ của người lao động. Phố đấy nhưng chưa phải đã sung túc gì, vẫn vất vả bộn bề với mùa màng rơm rạ:
   Mùa lên hương lúa bộn bề
Ngổn ngang rơm rạ lối về ngõ sâu
    Người xe lẫn bước chân trâu

Cái phố Cầu Dồi những năm 1970 của thế kỷ trước là đúng vậy. Nói là phố nhưng thực ra đây là một xóm nhỏ ven thị xã thuộc xã Bình Hàn, nhưng nó vẫn là phố - một con phố nối từ  đường 17 (đường Lê Thanh Nghị bây giờ) đến phố Mạc Thị Bưởi ra ngã Sáu TP Hải Dương. Đường phố lúc bấy giờ chẳng khác gì đường làng, còn lõm vết chân trâu, chiều về con người như bị hút sâu vào các ngõ xóm. Chỉ từ năm 1980, khi nhà 5 tầng B2 Bình Minh đưa vào sử dụng dành cho Trường Cao đẳng Sư phạm của tỉnh chuyển từ Hưng Yên ra Hải Dương, lúc đó con phố mới trở nên tấp nập. Nhưng đối diện với ngôi nhà 5 tầng ấy vẫn là xóm quê đượm mùi rơm rạ. Những ao hồ ven đường còn tím ngát màu hoa muống. Nhiều gia đình ở đây còn làm nghề xe bò đuôi "Người xe lẫn bước chân trâu". Nghĩa là, cuộc sống của phố - làng lúc đó còn nghèo khó nhưng êm đềm, ấm cúng đượm nét đẹp cảnh quê, tình quê với bản sắc văn hóa Việt: "Thoảng thơm khói thuốc, miếng trầu nồng cay...".

Nhưng cảnh và tình phố - làng ấy bây giờ đã thành quá khứ. Cơn lốc đô thị hóa tràn qua như một chớp mắt. Phố Cầu Dồi bây giờ trở thành phố Trương Mỹ với lắm đổi thay:
Nhà cao, cửa kính, gió bay ngoài thềm
Ào ào xe cộ như nêm
Bán mua tấp nập hết đêm, sang ngày


Đúng là một cuộc sống hoàn toàn khác xưa, một cuộc sống ồn ào đô thị với cảnh "Bán mua tấp nập", "xe cộ như nêm", "nhà cao cửa kính". Tất nhiên đó là những dấu hiệu đáng mừng trong quá trình phát triển đi lên của cuộc sống. Tác giả không phải là một nhà thơ hoài cổ. Anh không có ý định từ cuộc sống hiện tại mà quay về nhấm nháp quá khứ. Nếu như nói văn học có những chức năng đặc thù về nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ thì cũng phải thấy rằng văn học, mà nhất là thơ, còn có một chức năng quan trọng khác, đó là dự báo. Bài thơ có bố cục hai phần đối lập: cảnh - tình, con người - cuộc sống, trước và sau đô thị hóa ở một con phố nhỏ rõ ràng đã bộc lộ mối suy tư trăn trở của tác giả. Cảnh cũ phố xưa chưa được khang trang. Cuộc sống cũ còn nhiều gian nan vất vả. Nhưng con người trong đó thì thắm đượm tình quê, tình người: Sau những ngày lao động vất vả, họ đến với nhau thật dễ dàng: "Thoảng thơm khói thuốc, miếng trầu nồng cay...".

Cuộc sống bây giờ đô thị hóa nhanh. Một bộ phận nhờ cơ chế thị trường mà cuộc đời "sang trang", "nhà cao cửa kính". Nhưng tình làng nghĩa xóm thì hình như vơi đi, bị khép kín, bị đóng chặt, đến ngọn gió cũng chỉ biết “bay ngoài thềm". Phố Trương Mỹ bây giờ san sát cửa hàng, cửa hiệu ngày đêm tấp nập bán mua. Hiệu cắt tóc, làm đầu, ka-ra-o-ke loa đài chát chúa: "Váy dài, váy ngắn xênh xang nụ cười". Mặt trái của cuộc sống đô thị hóa làm người ta dễ dàng quên đi quá khứ, quên đi những nét đẹp văn hóa truyền thống đã tồn tại lâu đời trong tâm hồn Việt. Rõ ràng việc "giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc" không phải là việc dễ dàng gì!

Từ cuộc sống hiện tại, nhìn về quá khứ, suy ngẫm đến tương lai, thời gian nghệ thuật của bài thơ là sự đồng điệu qua cảm xúc. Đó là chức năng dự báo của văn học.

Qua bài thơ, ta thấy được sự kết hợp hài hòa đến mức nhuần nhuyễn của tư duy nghệ thuật giữa “ba trong một”: nhà thơ - nhà báo - nhà chính trị trong con người tác giả.

HỒ TRỌNG XÁN