Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:40, 21/07/2010
Nông dân xã Đồng Gia thu hoạch dưa lê, năng suất đạt từ 7 đến 9 tạ/sào với giá bán từ 5 đến 7 nghìn đồng/kg, mỗi sào người nông dân lãi 3-4 triệu đồng |
Về các xã Kim Đính, Bình Dân, Đồng Gia, Tam Kỳ thuộc khu C của huyện Kim Thành những ngày này chúng tôi chứng kiến cảnh lao động sản xuất hết sức khẩn trương của bà con nông dân. Dọc theo tuyến tỉnh lộ 388 đoạn qua xã Bình Dân, Đồng Gia, cảnh thu hoạch dưa lê, dưa hấu, bán ngay tại ruộng diễn ra rất nhộn nhịp dù đã cuối buổi trưa. Mẹ con chị Phạm Thị Chinh ở thôn Đồng Gia Bắc, xã Đồng Gia đang khẩn trương thu hoạch dưa lê phấn khởi khoe: “Nhà tôi trồng 3 sào dưa lê Thành Nông siêu ngọt, năng suất đạt hơn 7 tạ/sào. Với giá bán như hiện nay, mỗi sào cũng được 3 đến 4 triệu đồng. Thu hoạch xong, gia đình tôi sẽ trồng tiếp vụ dưa lê siêu ngọt nữa”. Đồng chí Nguyễn Đăng Bặc, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đồng Gia những ngày này cũng luôn có mặt trên đồng ruộng, cho biết: “Trồng dưa lê siêu ngọt năng suất cao, giá bán cũng được, thời gian trồng và cho thu hoạch ngắn nên đa số nông dân trong xã đều rất phấn khởi. Như gia đình tôi cũng trồng 2,5 sào dưa lê thu về ngót chục triệu đồng”. Cũng theo Chủ nhiệm HTX Bặc, sở dĩ những vụ gần đây nông dân Đồng Gia chuyển sang trồng dưa lê là do sau nhiều năm trồng dưa hấu, đất đã dần quen với dưa hấu nên năng suất giảm so với trước. Hơn nữa, hiện nay, nhiều địa phương cũng trồng dưa hấu nên giá bán ngày một giảm. Thấy hiệu quả cao hơn dưa hấu nên diện tích dưa lê mỗi vụ lại tăng hơn năm trước, vụ hè này toàn xã trồng 334 mẫu. Thời gian trồng và cho thu hoạch chỉ 50 - 60 ngày, năng suất từ 7 đến 9 tạ/sào với giá bán 5 đến 7 nghìn đồng/kg, thì mỗi sào cho thu nhập từ 4 đến hơn 5 triệu đồng. Hiện nay, nông dân xã Đồng Gia đang thực hiện các công thức luân canh tăng vụ: Lúa chiêm – Cây màu hè – Cây vụ đông – Cây màu vụ 4 và Cây mùa xuân – Lúa cực sớm – Cây màu vụ đông – Cây màu vụ 4. Với những công thức luân canh này thì hệ số sử dụng 252 ha đất nông nghiệp ở Đồng Gia đã đạt 3,93 lần/năm. Với mỗi sào ruộng, giá trị sản xuất có thể đạt 15 triệu đồng/năm, trừ chi phí sản xuất người nông dân thu lãi khoảng 10 triệu đồng.
Cùng với các mô hình sản xuất rau màu ở các xã khu C, ở huyện Kim Thành ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đạt hiệu quả cao. Trong trồng trọt, huyện Kim Thành chú trọng làm điểm để nhân ra diện rộng các mô hình thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu trà, vụ gắn với đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Trà lúa xuân sớm, mùa muộn đã giảm từ 54,9% năm 2005 xuống còn 40% năm 2010. Diện tích lúa lai, lúa chất lượng cao tăng nhanh từ 17,5% năm 2005 lên 45% năm 2010. Ở các xã Kim Đính, Bình Dân, Việt Hưng hình thành nên các mô hình trồng cây ăn quả tập trung; các xã: Phúc Thành, Cổ Dũng, Tuấn Hưng... hình thành nên các vùng sản xuất lúa nếp cho hiệu quả kinh tế cao. Thực hiện chủ trương giảm diện tích lúa, tăng diện tích trồng màu, nâng cao giá trị sản xuất, toàn huyện đã chuyển đổi 310 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang lập vườn trồng cây ăn quả.
Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện Kim Thành đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện các đề án “Phát triển chăn nuôi tập trung, nâng cao chất lượng, quy mô và bảo đảm vệ sinh môi trường”; “Khôi phục đàn lợn nái và phát triển kinh tế trang trại”. Nếu năm 2005, toàn huyện mới có 6 trang trại thì đến nay đã có 107 trang trại. Cải tạo và đưa vào khai thác sử dụng mặt nước hiện có, cơ bản hoàn thành vùng B dự án nuôi trồng thủy sản tập trung Đầm Nái, Đầm Tôm (thuộc các xã Tam Kỳ, Đại Đức). Năm 2010, sản lượng thịt hơi xuất chuồng toàn huyện ước đạt 6.542 tấn, tăng 488 tấn so với năm 2005; sản lượng cá đạt 1.740 tấn, tăng 82% so với năm 2005. Giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện năm 2010 ước đạt 378,3 tỷ đồng, tăng bình quân 3,66%/năm; giá trị sản xuất đạt 56,98 triệu đồng/ha; cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ sản xuất nông nghiệp.
Có thể khẳng định, với những hướng đi đúng, kinh tế nông nghiệp của huyện Kim Thành đã và đang có những bước phát triển vững chắc. Qua đó, đã giải quyết việc làm tại chỗ và nâng cao thu nhập cho nông dân, từng bước vươn lên thực hiện thắng lợi các mục tiêu về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
VŨ ÚY