Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 04:48, 22/07/2010

Sự lắng nghe ý kiến nhận xét, đánh giá của đối tượng tiếp nhận thôngtin là việc làm cần thiết, bởi suy cho cùng, chất lượng công tác tuyêntruyền miệng phải được kiểm nghiệm ở mức độ lĩnh hội của người nghe.

Chất lượng hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và giải pháp có tính tổng hợp.

Trước hết, cần xây dựng lập trường và niềm tin vào chế độ. Đây là điểm xuất phát, là tiền đề tạo nên chất lượng của công tác tuyên truyền miệng. Nếu thiếu sự nhất trí và niềm tin vào Đảng, vào chế độ thì sứ mạng được giao phó không thể hoàn thành và cũng không còn lý do để tồn tại - với tư cách là báo cáo viên của Đảng. Hiểu là như vậy, nhưng thực hành lại không hề đơn giản. Không đơn giản vì niềm tin đó phải đạt tới cái "chân" thấu đáo, tức là phải trên cơ sở nhận thức khoa học và thực tiễn vững chắc, nếu không dễ rơi vào trạng thái lúc tả, lúc hữu và chủ nghĩa cơ hội - đặc biệt là trước những tác động mặt trái của cơ chế thị trường, hội nhập và trước những trào lưu tư tưởng mới xuất hiện.

Mỗi mô hình xã hội cũng chỉ là phương tiện. Phương tiện phải phục tùng mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" như Đảng ta đã xác định. Song, không thể có một mô hình nào là hoàn thiện một cách tuyệt đối, nhưng nếu nó đáp ứng được ba tiêu chí cơ bản: Phát huy mọi nguồn lực, thúc đẩy kinh tế phát triển; chính trị- xã hội ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, thì đó là một mô hình phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể, là cái mà chúng ta cần lựa chọn. Công cuộc đổi mới đất nước hiện nay cũng đã và đang thể hiện đặc trưng cơ bản đó.

Sau mỗi kỳ Đại hội, Đảng ta lại ra các Nghị quyết chuyên đề, đề cập tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và chương trình thời sự thì ngày càng phong phú, đa dạng. Nếu báo cáo viên không dày công học hỏi, nghiên cứu, thì khó có thể đáp ứng được những tri thức cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ. Có thể nói, không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết là một điều kiện cơ bản - điều kiện cần để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng.

Tuy nhiên, học cái gì và học như thế nào, thì nên xuất phát từ 2 yêu cầu: từ đòi hỏi của những chuyên đề phải thường xuyên truyền thụ; Từ những tri thức mà bản thân còn hạn chế.

Khi nghiên cứu, cần nắm vững những khái niệm, phạm trù, cho tới từng câu, từng đoạn, giống như tìm hiểu một công trình kiến trúc, cần xem xét kết cấu từng viên gạch, tới mảng khối, rồi mới tới mối liên kết tổng thể. Chú ý ghi chép và lưu trữ một cách có hệ thống.

Cần coi trọng thông tin có định hướng. Ngày nay, khi các phương tiện nghe - nhìn không ngừng phát triển, đặc biệt là mạng in-tơ-nét, thì người dân được cập nhật đủ loại thông tin và hết sức đa chiều - đúng có, sai có, mập mờ có. Với sự hiểu biết và trách nhiệm của mình, người báo cáo viên cần làm rõ đúng - sai, lấy cái cơ bản, lấy đại cục để xem xét, xử lý vấn đề, giúp người nghe nhận diện được bối cảnh và có niềm tin vào tương lai.

Cần nhuần nhuyễn vấn đề trước khi trình bày. Có thể hiểu một cách thông thường: Nhuần nhuyễn là sự hiểu sâu, nhớ kỹ tới mức có thể thoát ly đề cương mà trình bày vẫn đúng như trình tự và nội dung đã chuẩn bị; có thể diễn đạt biến hóa dưới những ngôn từ khác nhau (phù hợp với từng đối tượng) mà vẫn trung thành với nội dung tư tưởng cần truyền đạt; tới mức có thể yên tâm rằng mình có thể thuyết phục mình trước khi thuyết phục người khác.

Để thực hiện điều đó, cần: Nghiên cứu sâu để hiểu từng chi tiết; xây dựng đề cương theo phương pháp trình tự - hệ thống- lô gích; dùng phương pháp so sánh để tìm sự đồng nhất hoặc khác biệt giữa các tư liệu, số liệu để nạp vào bộ nhớ; cố gắng làm giàu vốn ngôn ngữ, để một khái niệm có thể diễn đạt những ngôn từ khác nhau, mà nội hàm của chúng vẫn trùng khớp lên nhau, hoặc giao nhau tới 80 - 90%. Sau đó, đọc và suy ngẫm nhiều lần.

Sự lắng nghe ý kiến nhận xét, đánh giá của đối tượng tiếp nhận thông tin là việc làm cần thiết, bởi suy cho cùng, chất lượng công tác tuyên truyền miệng phải được kiểm nghiệm ở mức độ lĩnh hội của người nghe. Qua góp ý và cả những ý kiến phản biện, báo cáo viên hiểu rõ hơn những điểm mạnh, điểm yếu, những khiếm khuyết về kiến thức, những hạn chế về phương pháp, để từ đó tiếp tục tự hoàn thiện và chuẩn bị cho một chu kỳ mới thông tin đạt hiệu quả cao hơn.

Tóm lại, xây dựng bản lĩnh, trau dồi tri thức, bồi dưỡng kỹ năng, là những giải pháp cơ bản để người báo cáo viên có thể vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

PHÍ ĐÌNH CỰ