Khó khăn trong khôi phục đàn lợn sau dịch

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:59, 22/07/2010

Không có lợn giống chất lượng, giá bán lợn thịt lại quá thấp cộng với điều kiện thời tiết không thuận lợi... là những nguyên nhân chính khiến người chăn nuôi không hào hứng với việc chăn nuôi lợn trở lại sau khi hết dịch tai xanh.


Không còn vốn để tái đàn, nhiều người chăn nuôi đành bỏ chuồng không

Trong đợt dịch tai xanh vừa qua, huyện Bình Giang phải tiêu hủy 2.546 con lợn các loại, tổng trọng lượng gần 69 tấn. 14 trong tổng số 18 xã, thị trấn của huyện có dịch, tập trung ở các xã Tân Việt, Vĩnh Tuy, Thái Hòa, Tân Hồng, Nhân Quyền... Đợt dịch này khiến người chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngày 27-5, huyện Bình Giang công bố hết dịch. Ngay sau đó, UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành thực hiện các biện pháp cần thiết để khôi phục lại đàn lợn. Tuy nhiên, việc khôi phục đàn lợn của huyện gặp rất nhiều khó khăn. Không có lợn giống chất lượng, giá bán lợn thịt lại quá thấp cộng với điều kiện thời tiết không thuận... là những nguyên nhân chính khiến người chăn nuôi không hào hứng với việc nhập đàn mới.    

Anh Vũ Đình Thực ở thôn Hòa Loan, xã Nhân Quyền cho biết: Đợt dịch vừa qua, 3/4 đàn lợn trong trang trại gia đình anh phải tiêu hủy, trong đó có 9 con nái ngoại. Tổng trọng lượng phải tiêu hủy trên 2 tấn. Ngay khi dịch  kết thúc, anh lập tức bắt tay vào khôi phục đàn lợn. Toàn bộ chuồng trại được khử trùng bằng vôi bột, xút tẩy chuồng và dung dịch khử khuẩn nhập ngoại. Tuy nhiên, việc khôi phục đàn lợn không đơn giản như anh tưởng. Anh dự định sẽ bán nốt số lợn còn lại để lấy tiền nhập đàn mới. Tuy nhiên, giá lợn hơi sau dịch rất thấp. Hiện nay, trên thị trường, giá lợn siêu nạc dao động 27 - 28 nghìn đồng/kg hơi, lợn thường có giá 21 - 23 nghìn đồng/kg hơi. Nếu bán với giá 28 nghìn đồng/kg hơi, may ra anh thu hồi được vốn. Còn bán với giá 21 - 23 nghìn đồng, anh cầm chắc lỗ nặng. Vì thế, anh chỉ bán cầm chừng. Không có tiền để phát triển đàn mới, lại tốn kém vì vẫn phải đầu tư chăm sóc đàn lợn cũ. Cho nên từ sau khi hết dịch, anh mới nhập thêm 30 con, nâng số lợn trong trang trại lên 110 con, bằng một nửa so với trước dịch. Phải đến giữa tháng 8, đàn lợn nái nhà anh mới đẻ. Lúc đó, anh mới có thể khôi phục lại quy mô trang trại như trước dịch.

Trong đợt dịch vừa qua, người chăn nuôi lợn của xã Tân Việt cũng chịu thiệt hại lớn. Số lợn tiêu hủy của xã là 458 con, tổng trọng lượng trên 13 tấn. Sau dịch, việc khôi phục và phát triển đàn mới ở đây cũng gặp rất nhiều khó khăn. Anh Vũ Đình Hoạt, Trưởng ban Thú y xã cho biết: Việc phát triển đàn mới gặp khó vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là giá thị trường quá thấp, không kích thích người chăn nuôi. Nếu bán với giá thị trường, người chăn nuôi cầm chắc thua lỗ. Bên cạnh đó, trong đợt dịch vừa qua, mặc dù số lợn nhiễm bệnh và phải tiêu hủy nhiều, nhưng lượng lợn còn lại trong dân vẫn còn rất lớn vì người dân giữ lại để chờ giá lên. Do đó, người chăn nuôi chưa muốn phát triển thêm đàn mới. Ngoài ra, việc thiếu nguồn lợn giống "sạch" cũng khiến người chăn nuôi gặp khó. Trong đợt dịch, một lượng lớn lợn nái bị nhiễm bệnh, nhiều con đã chết hoặc bị sẩy thai, nên lượng lợn giống sau dịch trở nên khan hiếm. Người chăn nuôi không dám nhập lợn giống trôi nổi ngoài thị trường vì sợ không an toàn. Những con lợn nái còn lại cũng phải hơn một tháng nữa mới đẻ lứa mới. Hiện tại, một con lợn giống siêu nạc có giá khoảng 700 nghìn đồng. Lợn thường cũng có giá 300 - 400 nghìn đồng. Dù muốn mua lợn giống, người chăn nuôi cũng không dám mạo hiểm. Vì thế, dịch đã qua hơn 1 tháng mà số lợn nuôi mới của xã Tân Việt vẫn không tăng. Anh Hoạt cho biết thêm: Gia đình anh cũng chịu thiệt hại nặng trong đợt dịch vừa qua. Cả 7 con lợn nái của gia đình anh đều bị nhiễm bệnh và sẩy thai, 40 con lợn giống  bị chết hết. Đàn lợn thịt trên 40 con anh chỉ dám đầu tư cầm chừng. Sau dịch, anh định bán đàn lợn thịt để lấy tiền tái đàn nhưng do giá thị trường quá thấp, bán sẽ lỗ nặng. Anh chưa biết kiếm đâu ra tiền để nhập đàn mới và trả tiền mua thức ăn chăn nuôi. Cứ đà này, có lẽ anh phải để chuồng không vì biết chắc nuôi là lỗ.

Đề cập về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Anh, Trạm trưởng Trạm thú y huyện Bình Giang cho biết: Ngay từ khi hết dịch, huyện đã yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Thú y huyện thực hiện các biện pháp cần thiết giúp đỡ nông dân khôi phục đàn lợn, như: Hỗ trợ liều tinh cho đàn lợn nái; cung cấp lợn giống chất lượng cho các hộ chăn nuôi; cấp thuốc tiêu độc, khử trùng toàn bộ chuồng trại; tổ chức hội thảo hướng dẫn các hộ chăn nuôi sử dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn; giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ không để dịch tái phát... Tuy nhiên, khó khăn trong việc khôi phục đàn lợn không phải là ít. Trong đó, vướng mắc đầu ra chính là rào cản lớn nhất khiến người chăn nuôi không muốn phát triển đàn mới. Nhiều hộ chăn nuôi lâm vào cảnh nuôi thì lỗ mà không nuôi thì không đành. Gắn bó với đàn lợn bao năm nay chẳng lẽ bây giờ lại để chuồng trại bỏ không? Những hộ có điều kiện kinh tế thì có thể khắc phục được phần nào, nhưng nhiều hộ chăn nuôi mất hết vốn do đợt dịch vừa rồi thì không còn khả năng tái đàn. Hiện nay, những hộ chăn nuôi trong huyện chỉ mong nhanh có tiền hỗ trợ của tỉnh để tiếp tục đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua do thời tiết nắng nóng cộng với mất điện thường xuyên cũng khiến người chăn nuôi lao đao. Lợn trong đàn ốm, bỏ ăn mà không có điện để làm mát. Không phải gia đình nào cũng mua được máy phát điện. Nếu có cũng không dám chạy cả ngày vì chi phí quá lớn. Nhiều người nản, chỉ nuôi cầm chừng để nghe ngóng thị trường thời gian tới.

VỊ THỦY