Hiệu quả chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thị trường - Ngày đăng : 06:25, 23/07/2010

Với việc thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng NNNT, ngành ngân hàng tỉnh đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế NNNT theo hướng CNH-HĐH.


Đề án cơ giới hóa NNNT là một trong những chính sách tín dụng đối với NNNT đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Trong ảnh: Nông dân xã Tứ Cường (Thanh Miện) thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp

Thực hiện Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ nông nghiệp, nông thôn (NNNT). Sau hơn 10 năm tỉnh ta đã khơi thông nguồn vốn vào lĩnh vực NNNT, góp phần thực hiện xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nông dân và từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa NNNT.

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện có hiệu quả các chính sách, phát huy vai trò của "người dẫn vốn" trong NNNT, nhất là các ngân hàng mang tính đặc thù và kênh dẫn vốn  riêng như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Nếu như cuối năm 1999, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của toàn ngành ngân hàng trên địa bàn đạt 1.673 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay NNNT là 616 tỷ đồng thì đến cuối năm 2009 tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đã đạt 29.269 tỷ đồng, tăng hơn 17 lần so với  năm 1999. Loại trừ cho vay ngoài địa bàn (tỉnh khác) thì dư nợ cho vay các thành phần kinh tế trên địa bàn là 19.381 tỷ đồng, tăng 11,5 lần so với năm 1999, trong đó cho vay các đối tượng thuộc lĩnh vực NNNT là 7.850 tỷ đồng, chiếm 40,5% tổng dư nợ và tăng 12,7 lần so với năm 1999. Đặc biệt, năm 2009, thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, toàn ngành ngân hàng đã có 56.883 khách hàng được hỗ trợ lãi suất với dư nợ 5.738 tỷ đồng, tổng số lãi đã hỗ trợ 145 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, tỉnh ta đã có hàng chục triệu lượt hộ nông dân và các đối tượng khách hàng khác ở nông thôn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Nhiều gia đình nhờ nguồn vốn vay đã đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Với lợi thế và màng lưới rộng khắp trên toàn tỉnh, hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương luôn xách định lĩnh vực NNNT là thị trường chính, vì vậy luôn bám sát các định hướng phát triển kinh tế của địa phương và chỉ đạo của ngân hàng cấp trên để đầu tư vốn cho NNNT. Tập trung cho vay đáp ứng nhu cầu vốn NNNT, cho vay kinh tế hộ bảo đảm mức tăng trưởng một cách hợp lý... Sau hơn 10 năm thực hiện các chính sách tín dụng trong NNNT, tổng dư nợ cho vay của hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã đạt 4.654 tỷ đồng tăng 15 lần so với năm 1999, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực NNNT đạt 3.119 tỷ đồng, tăng 10,7 lần so với năm 1999, chiếm 67% tổng dư nợ. Toàn tỉnh đã có hơn 80 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực NNNT vay vốn và hiện còn hơn 61 nghìn hộ còn dư nợ tại hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Với kênh đầu tư riêng, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo các chương trình của Chính phủ. Từ năm 1999 đến cuối năm 2009, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho trên 390 nghìn lượt hộ vay vốn, giúp gần 50 nghìn hộ nghèo thoát nghèo, trong đó có hàng trăm lượt hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân thời gian qua cũng đã đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các chính sách tín dụng NNNT. Năm 1999, dư nợ cho vay đối tượng sản xuất, kinh doanh NNNT mới chỉ có 103 tỷ đồng, đến cuối năm 2009 dư nợ cho vay NNNT đã lên đến 1.283 tỷ đồng, tăng hơn 12 lần so với năm 1999, với hơn 600 nghìn lượt hộ được vay vốn, cuối năm 2009 còn hơn 30 nghìn hộ còn dư nợ tại các quỹ tín dụng nhân dân…

Với việc thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng đối với NNNT, ngành ngân hàng tỉnh đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nói chung và kinh tế NNNT nói riêng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế NNNT theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quyết định 67 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tín dụng đối với NNNT, thực sự là "cú hích", góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư cho phát triển NNNT. Đồng thời, đầu tư tín dụng NNNT cũng đã thu hút được các tổ chức tín dụng thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia.

Để phát huy những kết quả đạt được, không ngừng mở rộng và nâng cao hiệu quả đầu tư vốn tín dụng cho NNNT, thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong NNNT, kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tín dụng của ngân hàng với chính sách khuyến công, khuyến nông của Nhà nước tại khu vực nông thôn. Tập trung nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu về vốn đối với sản xuất, thu mua, chế biến các mặt hàng nông, lâm sản…

HÀ VY