"Khoảng trời - hố bom" - Một khát vọng sống!

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 05:00, 24/07/2010

Khi đọc bài thơ "Khoảng trời - hố bom" của Lâm Thị Mỹ Dạ tôi bỗng nhớ tới bài thơ "Sẹo đất" một thời gây tai tiếng cho tác giả Ngô Văn Phú. Cùng một mô-típ sự mất mát trong chiến tranh, với Ngô Văn Phú, ấy là vết đau tới mức không thể xoá nhoà, hằn lên như một vết sẹo đất. Nhưng với Lâm Thị Mỹ Dạ thì không hẳn thế, không thể thế. Đứng trước hố bom gây chết chóc, nhà thơ, cũng với cảm xúc đau xót, lại nhìn thấy một khoảng trời, để từ đó soi vào màu nước mưa đọng lại kia bao suy tư bật lên sâu xa:
Tôi nhìn xuống hố bom giết em
Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
Đất nước mình nhân hậu
Có nước trời xoa dịu vết đau
Thậm chí chị còn nhìn thấy cả:
Một nấm mồ, nắng ngời bao sắc lá
Tình yêu thương bồi đắp cao lên...


Rõ ràng Lâm Thị Mỹ Dạ phải có một cái nhìn cuộc sống đầy yêu thương, khát vọng, một cách nhìn chiến tranh mất mát thật sâu sắc mới viết lên được những câu thơ như thế. Ở đây có bi nhưng không có lụy, có chết chóc nhưng lại chứa đầy sự sống.

Cũng chính nhờ trên cái nền cảm xúc này, cộng với con mắt nhìn của một nhà thơ nữ dịu dàng, tinh tế, bài thơ còn mở ra với những câu thơ thật bất ngờ, đầy liên tưởng sâu lắng:
Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Đêm đêm tâm hồn em toả sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh
Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong
Đã hoá thành những làn mây trắng
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Đi qua khoảng trời em
Vầng dương thao thức

Từ hố bom - cái chết của cô gái mà nhìn ra được da thịt trắng trong để ví với làn mây trắng, tôi chắc chỉ có "trái tim sinh nở" (chữ của Xuân Quỳnh) của Lâm Thị Mỹ Dạ mới nhìn ra được.

Và có lẽ cũng chính nhờ có được câu thơ dồn nén cảm xúc trên mà khi tác giả viết về cái điều ngỡ như "khẩu hiệu" mà lại chẳng hề hô chút nào, câu thơ không rơi vào xáo:
Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài


Ngược lại còn sáng tạo tiếp những câu thơ hết sức mới lạ, tìm tòi, lần đầu tiên có ở trong thơ:
Cái chết em xanh khoảng trời con gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em

Nếu nói như ai đó, thì bài thơ cũng có một cái kết hậu. Song một lần nữa, tác giả lại rất tinh tế, kín đáo khi viết:
Gương mặt em, bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng


Thì ra là cô gái ở đây cũng có thể là gương mặt thân quen của bạn bè ta, của vợ ta, em gái ta... Đến đây sự hy sinh không chỉ được chia sẻ, nó bỗng lớn lao lên, đó chính là sự hy sinh của cả một thế hệ, một dân tộc.

Bài thơ "Khoảng trời - hố bom" của Lâm Thị Mỹ Dạ ngay từ khi ráo mực in trên báo đã chiếm được cảm tình của đông đảo bạn đọc. Bài thơ đã được xếp giải nhất trong cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ. Như trên nói cùng một mô-típ viết, ra đời cùng thời "thơ chiến tranh" với các bài thơ "Sẹo đất", "Vòng trắng" (Phạm Tiến Duật) nhưng "Khoảng trời - hố bom" đã mang đến một cách nhìn khác, tươi mới, nhân bản hơn. Có lẽ do nhà thơ đã nhìn ra khoảng trời ở đây chính là một khát vọng sống của con người, của cả một dân tộc. Và vì thế nó đã có vị trí xứng đáng trong mảng thơ ca viết về chiến tranh.

Nhà sáng tác Đại Lải
Tháng 6-2010


NGUYỄN SIÊU VIỆT

Lâm Thị Mỹ Dạ

Khoảng trời - hố bom

Chuyện kể rằng: Em, cô gái mở đường

Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương

Cho đoàn xe kịp giờ ra trận

Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên

ngọn lửa

Đánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom...

Đơn vị tôi hành quân qua con đường mòn

Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái

Một nấm mồ, nắng ngời bao sắc đá

Tình yêu thương bồi đắp cao lên...

Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em

Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ

Đất nước mình nhân hậu

Có nước trời xoa dịu vết thương đau.

Em nằm dưới đất sâu

Như khoảng trời đã nằm yên trong đất

Đêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng

Những vì sao ngời chói, lung linh.

Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong

Đã hóa thành những làn mây trắng

Và ban ngày khoảng trời ngập nắng

Đi qua khoảng trời em

Vầng dương thao thức

Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực

Soi cho tôi

Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài?

Tên con đường là tên em gửi lại

Cái chết em xanh khoảng trời con gái

Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em

Gương mặt em, bạn bè tôi không biết

Nên mỗi người có gương mặt em riêng.