UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 7-2010

Tin tức - Ngày đăng : 15:22, 30/07/2010

Ngày 29-7, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 7 để nghe và cho ý kiến đối với 6 nội dung do các sở, ngành báo cáo. Đồng chí Nguyễn Thị Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.


Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Minh chủ trì phiên họp

Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo dự thảo quy định về gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng (THHĐ) trong đầu tư xây dựng cơ bản. Quy định này áp dụng gia hạn thời gian THHĐ đối với các gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hóa...; các trường hợp được xem xét gia hạn thời gian THHĐ; quản lý thời gian THHĐ. Căn cứ các quy định và nội dung thảo luận, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kết luận không ban hành quy định này. Yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư niêm yết công khai các thủ tục điều chỉnh tiến độ THHĐ tại trụ sở, bảo đảm thuận lợi cho các cá nhân liên quan.

Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) báo cáo quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020. Toàn tỉnh chỉ còn 10.630 ha rừng thuộc huyện Kinh Môn và thị xã Chí Linh. Đất rừng bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa, mở rộng sản xuất công nghiệp, khai thác vật liệu… Do đó, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là rất cấp thiết. UBND tỉnh giao Chi cục Kiểm lâm làm quy hoạch. Báo cáo nêu rõ, việc quản lý, bảo vệ đã được quan tâm song vẫn xảy ra nhiều vụ cháy rừng; còn tình trạng khai thác trái phép và tự chuyển đổi mục đích sử dụng... Theo quy hoạch từ nay đến 2020, diện tích rừng sản xuất dự kiến giảm khoảng 440 ha nhưng sẽ phù hợp quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự họp cơ bản nhất trí quy hoạch này. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Phải xác định rõ mục tiêu, sử dụng, khai thác có hiệu quả tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, thu hút được mọi nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế. Giữ vững an ninh - quốc phòng và trật tự an toàn xã hội quanh khu vực.

Tiếp theo, Sở Công thương báo cáo quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn giai đoạn từ nay đến 2015 và tính đến 2020. Ngoài sử dụng điện cung cấp từ Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và lưới điện 110kV, tỉnh đang đưa vào vận hành trạm 110kV Hòa Phát và xây dựng 3 trạm Ngọc Sơn, Phúc Điền và Thanh Miện. Quy hoạch phát triển điện lực là cấp bách, làm cơ sở cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển hệ thống điện sẽ có nhiều hạng mục như: Xây dựng trạm biến áp, nâng cấp đường dây, công suất... bảo đảm đến năm 2020 các cơ sở sản xuất điện trên địa bàn đạt công suất 1.390 MW; sản lượng điện tiêu thụ là 7.835,8 kWh điện thương phẩm, tăng trưởng bình quân 13,7%/ năm. Nhu cầu điện đến 2020 được dự báo theo phương pháp dự báo gián tiếp sai, do vậy, kết quả tính toán là chấp nhận được. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, xây dựng quy hoạch phải bảo đảm mỹ quan, chú trọng ngầm hóa, không ảnh hưởng với các quy hoạch trước. Bảo đảm quy hoạch sẽ đáp ứng nhu cầu điện. Cần cập nhật lại thông tin về phát triển công nghiệp, đô thị, sử dụng đất… để quy hoạch sát đúng thực tế.

Chiều cùng ngày, các đại biểu dự họp đã thống nhất với đề án thành lập Chi cục Văn thư- Lưu trữ (VT-LT) do Sở Nội vụ trình. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý với những căn cứ pháp lý, sự cần thiết thành lập, vị trí, chức năng cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của chi cục và thống nhất phương án tổ chức bộ máy, gồm 1 chi cục trưởng, từ 1 đến 2 chi cục phó và 3 phòng ban chuyên môn.

UBND huyện Cẩm Giàng trình đề án thành lập Ban Quản lý (BQL) di tích. Với các di tích và nhiều cổ vật được lưu giữ phản ánh đời sống và truyền thống cách mạng của địa phương, cần thiết có một tổ chức trực tiếp quản lý, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý thành lập BQL di tích theo mô hình đơn vị sự nghiệp tự trang trải kinh phí. Trước mắt, tỉnh bảo đảm kinh phí từ 2 đến 3 năm; BQL có 11 nhiệm vụ, quyền hạn; huyện tự quyết định biên chế; cần sớm hoàn thiện đề án trình Sở Nội vụ thẩm định để báo cáo tỉnh trước khi ra quyết định thành lập.

Nội dung cuối cùng, Sở Nội vụ báo cáo đề án kiện toàn tổ chức thanh tra xây dựng (TTXD) liên ngành xây dựng - nội vụ đề xuất. Theo đề án, việc kiện toàn sẽ hoàn thiện hơn công tác quản lý xây dựng còn bất cập, quản lý xây dựng lỏng lẻo, thất thoát đầu tư xây dựng, vi phạm trật tự xây dựng. Đề nghị thành lập các đội thanh tra phụ trách địa bàn, cơ động, gồm 18 biên chế. Đa số các đại biểu tán thành việc kiện toàn TTXD. Tuy nhiên, có thể cân nhắc, chờ Quốc hội phê chuẩn Luật Thanh tra thì mới nên kiện toàn TTXD, bảo đảm thống nhất trong tổ chức hoạt động. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý phương án kiện toàn. Đây là mô hình mới áp dụng trên địa bàn tỉnh, do đó trong quá trình triển khai cần từng bước rút kinh nghiệm. Các biên chế cần tiếp nhận lực lượng TTXD đã có; việc mua sắm trang thiết bị căn cứ nhu cầu thực tế công việc. Các Sở Nội vụ, Xây dựng phối hợp với các ngành liên quan chỉnh sửa đề án để trình và xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy.

TIẾN HUY