Đổi thay trên vùng đất anh hùng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:21, 19/08/2010

Trở lại Chí Linh hôm nay, dọc theo các tuyến quốc lộ chạy qua thị xã, xe cộ tấp nập ngược xuôi, hai bên đường nhiều nhà máy, xí nghiệp, những khu đô thị mới, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã và đang mọc lên. Tại các phường Sao Đỏ, Phả Lại…, bên đường là những nhà hàng, khách sạn, điểm dừng chân cho khách du lịch, những căn biệt thự và nhà cao tầng mọc lên san sát.

Đã 65 năm trôi qua nhưng người dân thị xã ChíLinh vẫn chưa thể quên được không khí hào hùng của ngày khởi nghĩa cướpchính quyền Tháng Tám mùa thu năm 1945. Vùng quê năm nào giờ đây đangthay da đổi thịt hằng ngày, tạo diện mạo cho thị xã trẻ vươn mình pháttriển.


Bác Nguyễn Văn Phối, 84 tuổi đời, 64 năm tuổi Đảng, nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Chí Linh giai đoạn 1977 - 1986, cán bộ tiền khởi nghĩa, cho biết: Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với vị trí địa lý quan trọng, huyện miền núi Chí Linh đã trở thành địa bàn hoạt động cách mạng của nhiều chiến sĩ cách mạng nổi tiếng như: Trần Cung, Chu Thị Kim Sơn, Hải Thanh... Tháng 3 - 1930, tại đình làng Đọ Xá, xã Hoàng Tân, đồng chí Trần Cung đã thành lập chi bộ đảng và hoạt động cách mạng  tại đây. Đây là 1 trong 3 chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh ta được thành lập vào thời kỳ đó. Vào tháng 11 - 1940, đồng chí Nguyễn Tấn Phúc thành lập chi bộ đảng Hàm Ếch - Trại Chua ở xã Cộng Hòa. Cơ sở Hàm Ếch - Trại Chua trở thành trung tâm giữa cơ sở của Tỉnh ủy ở Tạ Xá (Nam Sách) và cơ sở của Xứ ủy Bắc Kỳ tại Hiệp Hòa (Bắc Giang). Đây là hành lang an toàn của cán bộ Tỉnh ủy, Xứ ủy Bắc Kỳ, Liên tỉnh B khi đi về, là nơi nối liền phong trào cách mạng ở Hải Dương với Quảng Yên,  Uông Bí, Hòn Gai... Từ khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9 - 3 - 1945, phong trào cách mạng ở Chí Linh thực sự lên cao. Trong đó, trận đánh chiếm đồn Thiên ngày 8 - 6 - 1945 là một trận đánh đầy cam go, quyết liệt. Sau gần 2 ngày đánh đồn, quân Nhật trong đồn đã phải xin hàng. Tri huyện Chí Linh Nguyễn Ngọc Hà bỏ trốn khỏi huyện lỵ. Lực lượng của ta giành thắng lợi hoàn toàn. Ngay sau đó, lực lượng Việt Minh Chí Linh tổ chức phá các kho thóc của huyện lỵ cứu đói cho nhân dân. Chiều cùng ngày, “Đệ tứ chiến khu” được thành lập. Từ đây, hệ thống chính quyền tay sai của Nhật từ xã đến huyện trở nên rệu rã. Quần chúng nhân dân có thời cơ nổi dậy phá hàng loạt kho thóc Nhật ở Hậu Quan, Bắc Nổi, Cổ Vịt, Sui cứu đói cho hàng nghìn người. Đến ngày 18-8-1945, Mặt trận Việt Minh huyện tổ chức một cuộc mít-tinh lớn tại đồn Ngái, tuyên bố cách mạng thành công, lập nên chính quyền mới. Chính quyền đã thực sự về tay nhân dân.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân Chí Linh cùng nhân dân toàn tỉnh thực hiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, nhân dân Chí Linh bắt tay vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội và đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; cùng cả nước làm nên đại thắng Mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Đến cuối thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện nhân dân Chí Linh đã đưa cây vải thiều về trồng trên vùng đồi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân ở vùng rừng, đồi có cuộc sống no đủ, giàu có.

Trở lại Chí Linh hôm nay, dọc theo các tuyến quốc lộ chạy qua thị xã, xe cộ tấp nập ngược xuôi, hai bên đường nhiều nhà máy, xí nghiệp, những khu đô thị mới, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã và đang mọc lên. Tại các phường Sao Đỏ, Phả Lại…, bên đường là những nhà hàng, khách sạn, điểm dừng chân cho khách du lịch, những căn biệt thự và nhà cao tầng mọc lên san sát. Trong 5 năm trở lại đây, Chí Linh đã có những bước chuyển mình, đổi thay nhanh chóng. Trong 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Chí Linh đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Huyện duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 10,1%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Thu nhập bình quân đầu người đạt 22,2 triệu đồng/người/năm. Cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư, tốc độ đô thị hoá cao. Đến nay, cả 20 xã, phường đã có trụ sở làm việc kiên cố cao tầng, trên 80% số phòng học đã được kiên cố hoá, hầu hết các trạm y tế được xây dựng  kiên cố, 111 km đường giao thông được nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới. Công tác chỉnh trang đô thị được tăng cường, các thị tứ, khu vực trung tâm xã, phường được quy hoạch, xây dựng hiện đại. Sự phát triển của Chí Linh hôm nay đã được Nhà nước công nhận bằng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nâng cấp huyện Chí Linh thành thị xã Chí Linh vào đầu năm 2010.

VŨ ÚY

Trong số hàng vạn con em của quê hương Chí Linh chiến đấu trên khắp các chiến trường, đã có 2.448 người hy sinh, hàng nghìn người bị thương, góp phần cùng quân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước. Với những thành tích tiêu biểu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Chí Linh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý. Năm 1998, thị xã Chí Linh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.