Thực trạng thị trường tín dụng “đen”

Thị trường - Ngày đăng : 02:51, 20/08/2010

Thế giới của tín dụng "đen" vẫn âm thầm hoạt động ngầm dưới những cái tên như dịch vụ cầm đồ, dịch vụ cho thuê tài chính... Loại hình tín dụng này như một tảng băng ngầm khiến dư luận hết sức lo lắng, đặc biệt đáng báo động là tình trạng cho vay nặng lãi, vỡ nợ của nhiều cá nhân, thậm chí là cả doanh nghiệp.



Thị trường tín dụng "đen" thường tồn tại dưới hình thức dịch vụ cầm đồ. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Trong nền kinh tế thị trường, song song với quan hệ vay, mượn thông qua các tổ chức tín dụng chính thống là các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tài chính…, lâu nay vẫn tồn tại một thị trường tín dụng “đen”. Loại hình tín dụng này như một tảng băng ngầm khiến dư luận hết sức lo lắng, đặc biệt đáng báo động là tình trạng cho vay nặng lãi, vỡ nợ của nhiều cá nhân, thậm chí là cả doanh nghiệp.

Cuối năm 2009, người dân phố Trương Mỹ (TP Hải Dương) xôn xao về vụ vỡ nợ của chủ cửa hàng gội đầu Phượng Sài Gòn. Do làm nghề gội đầu, sơn sửa móng tay, chăm sóc da mặt, Phượng (chủ cửa hàng) quen biết rất nhiều phụ nữ làm nghề kinh doanh, buôn bán khá giả. Trong số đó có người dư dả tiền bạc nhưng cũng có người đang cần tiền để làm ăn. Phượng đã làm trung gian để những người này đến được với nhau. Sau một thời gian, thấy cho vay trên thị trường tín dụng "đen" lợi nhuận cao, Phượng đã thế chấp "sổ đỏ" cửa hàng tại ngân hàng rồi dùng số vốn này cho một số cá nhân vay “nóng” với lãi suất cao. Đồng thời, Phượng cũng đi huy động vốn tại thị trường tự do để cho vay. Được trả lãi rất cao, nhiều người dân có tiền nhàn rỗi nhẹ dạ, cả tin đã gửi hàng trăm triệu đồng, thậm chí có người gửi cả tỷ đồng. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, các “con nợ” do làm ăn thua lỗ, không có khả năng trả nợ, trả lãi, còn Phượng thì liên tục bị người gửi tiền hối thúc trả gốc, lãi. Khả năng thanh khoản không còn, Phượng bị vỡ nợ và phải bỏ trốn. Trường hợp gần đây nhất cũng liên quan tới thị trường tín dụng "đen", đó là nguyên trưởng phòng giao dịch Ngân hàng Thương mại CP Đại Dương (OJB) Gia Lộc lợi dụng uy tín, chức vụ đã lừa đảo, hùn tiền của một số người trên địa bàn thị trấn Gia Lộc, TP Hải Dương với lãi suất cao để “nướng” vào cá độ bóng đá và đánh bạc. Khi người dân đến đòi nợ, nguyên trưởng phòng giao dịch này không có khả năng thanh toán và cũng đã bỏ trốn…

Thông qua một vài mối quan hệ, chúng tôi có dịp diện kiến với M. “mèo” ở Trương Mỹ (TP Hải Dương). Bên cạnh nghề bán bún cá rô buổi sáng, mấy năm gần đây M. “mèo” còn tham gia vào thị trường tín dụng đen và nhanh chóng được thị trường này biết tới. Hằng ngày, cùng với việc bán hàng ăn sáng,  M. “mèo” chỉ đạo con gái và con rể đi lấy tiền góp, tiền lãi. Tiền thu về, M. “mèo” cho các con nợ khác vay với giá “cắt cổ”. Trong vai người cần tiền để trả nợ gấp, chúng tôi ngỏ ý muốn vay 30 triệu đồng. M. “mèo” nói: Lãi suất hơi cao đấy. Với lại các cậu là khách lần đầu nên phải có tài sản thế chấp… Ngay lúc đó, có một con nợ đến để trả tiền góp. Theo M. “mèo”, người đàn ông này thua độ trong đợt World Cup vừa qua, cầm chiếc xe máy Novo FX, vay 40 triệu (50%/năm). Con nợ vừa đi thì một thanh niên khác đi chiếc Attila đến “cắm” để vay 10 triệu với lãi suất 5%/tháng. Con nợ ở đây thuộc nhiều thành phần, từ công chức nhà nước, sinh viên, chủ cửa hàng kinh doanh nhỏ đến dân nghiện cá độ bóng đá, "ghêm"…

Ở khu vực chợ Bắc Kinh (TP Hải Dương) ít ai không biết "ông trùm" cho vay nặng lãi T.T. Gần 10 năm tham gia vào lĩnh vực tín dụng đen, T.T có kinh nghiệm để “xử lý” những con nợ dám “quỵt”. Hằng ngày, T.T rời nhà lúc 9 giờ. Sau khi ăn sáng, T.T ra quán cà phê gọi điện thoại giục các con nợ đến trả tiền góp, tiền lãi. Chiều, T.T gặp gỡ các “đồng nghiệp” ở quán bia, nhà hàng… chuyện trò về các trận bóng đá diễn ra đêm hôm trước. Không chỉ các chủ sạp hàng kinh doanh buôn bán ở chợ Bắc Kinh mà nhiều chủ hàng khác ở chợ Phú Yên, dân kinh doanh ở phố Xuân Đài, Trần Bình Trọng nhiều lần phải vay tiền với lãi suất từ 12 đến 15%/tháng của T.T. Nhiều người thua bạc, thua cá độ tìm đến T.T để vay tiền với lãi suất cao. Cũng đã có người thua cá độ bóng đá, vay nặng lãi của T.T không có khả năng trả nợ đã phải bán nhà… Nhiều người dân khu quanh vực chợ Bắc Kinh còn cho biết, T.T có một số đàn em sẵn sàng uy hiếp, đánh đập nếu con  nợ chây ỳ không chịu trả tiền…

Thế giới của tín dụng "đen" vẫn âm thầm hoạt động ngầm dưới những cái tên như dịch vụ cầm đồ, dịch vụ cho thuê tài chính… và nhằm các đối tượng có nhu cầu vay gấp, vay “nóng”, thậm chí là để đảo nợ ngân hàng. Các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý cụ thể. Trong khi đó, trên thị trường tín dụng chính thức hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn ngân hàng, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều khách hàng đến hạn trả nợ ngân hàng, nhưng không trả được, có nguy cơ bị phạt lãi suất đến 150%  theo hợp đồng tín dụng hoặc nghiêm trọng hơn là bị phát mại tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định. Để tránh những điều này, họ buộc phải tìm đến tín dụng "đen" (thường trong vòng 10 – 15 ngày) với lãi suất cao để thanh toán nợ cho ngân hàng, sau đó làm thủ tục vay lại (có thể ở ngân hàng khác) với hợp đồng và kỳ hạn mới để hoàn trả gốc và lãi cho tín dụng "đen".

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Các cá nhân, doanh nghiệp tham gia thị trường tín dụng "đen" sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, lãi vay cao sẽ khiến giá đầu vào của sản phẩm và dịch vụ tăng, khó tiêu thụ sản phẩm, khả năng vỡ nợ của doanh nghiệp là rất cao. Tín dụng "đen" (nếu phát triển mạnh) sẽ tạo ra "thực trạng ảo" trong hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng. Nếu các doanh nghiệp vay nặng lãi tại thị trường này để đảo nợ ngân hàng (chứ không phải trả nợ) sẽ khiến việc phân loại nợ rủi ro của ngân hàng không chính xác.

PV