Tiến sĩ Vũ Tông Phan - người góp công sáng lập đền Ngọc Sơn

Danh nhân - Ngày đăng : 05:34, 25/08/2010

Đỗ tiến sĩ khi mới 26 tuổi, bằng tài năng và nhiệt huyết, Vũ Tông Phan đã cùng các danh sĩ Nguyễn Văn Lý, Lê Duy Trung, Nguyễn Văn Siêu... chấn hưng văn hóa Thăng Long và ông cũng là người sáng lập đền Ngọc Sơn.


Họa sĩ Bảo Nguyên vẽ chân dung tiến sĩ Vũ Tông Phan
Vũ Tông Phan sinh năm 1800, nguyên quán xã Hoa Đường, xưa thuộc huyện Đường An, nay là thôn Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang (Hải Dương). Tên tự của Ông là Hoán Phủ, các hiệu là Hồng Châu, Đường Xuyên, Lỗ Am, tục gọi là ông Nghè Tự Tháp. Từ đầu thế kỷ 18, do ông nội đỗ Hương cống (cử nhân) làm Thị nội văn chức trông coi việc học hành trong phủ Chúa Trịnh, nên gia đình ông đã di cư ra phường Báo Thiên, sau là thôn Tự Tháp, ven bờ phía tây hồ Hoàn Kiếm, nay là khu vực các phố Lê Thái Tổ, Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Thuở nhỏ, Ông học với cha, sau cùng Nguyễn Văn Siêu, Ngô Thế Vinh, Lê Duy Trung kết giao thành "một chiếu bạn bút nghiên", nuôi sự nghiệp chấn hưng văn hoá Thăng Long. Năm 1825, Vũ Tông Phan đỗ cử nhân, ngay năm sau (1826), Ông đỗ tiến sĩ và ra làm quan 7 năm dưới triều Minh Mạng. Sau vì "làm quan chỉ cốt lấy nhân từ, ân huệ" (sách Đại Nam liệt truyện) nên Ông bị cách chức, nửa năm sau được khởi phục làm Giáo thụ phủ Thuận An rồi được thăng chức Đốc học Bắc Ninh. Nhưng Vũ Tông Phan sớm hiểu ra rằng "học cổ làm quan nay chẳng hợp" nên mới 33 tuổi đã "dẫn bệnh xin về", dựng trường Hồ đình, dạy học ở thôn Tự Tháp ven bờ phía tây hồ Hoàn Kiếm. Tại đây, Ông đã đào tạo được nhiều học trò đỗ đạt cao, chẳng những trở thành những trọng thần trong triều Nguyễn mà còn là những văn thân, sĩ phu yêu nước thương dân, kiên quyết đứng vào phe chủ chiến chống quân xâm lược Pháp, điển hình như hoàng giáp Thượng Thư bộ lại Nguyễn Tư Giản, hoàng giáp Đốc học Hà Nội Lê Đình Diên, các phó bảng Phạm Hy Lượng, Dương Danh Lập, các cử nhân Vũ Duy Ninh và Ngô Văn Dạng....

Vũ Tông Phan cũng là một nhà hoạt động văn hoá lỗi lạc trong nửa đầu thế kỷ 19. Trước tình trạng sa sút của Hà Nội về mặt văn hoá- xã hội do chủ trương hạ thấp văn hoá Thăng Long, độc tôn văn hoá Huế, ông đã cùng các danh sĩ như các tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, Lê Duy Trung, phó bảng Nguyễn Văn Siêu... tập hợp sĩ phu trong Văn hội Thọ Xương (1832) và Hội hướng thiện (1836), đều do Vũ Tông Phan làm hội trưởng, khởi xướng công cuộc chấn hưng văn hoá Thăng Long, kêu gọi sĩ phu về "làm quân tử trong làng, làm thầy đồ trong xã", mở hàng loạt trường lớp tư thục quanh vùng hồ Gươm (1834) và ở các làng xã. Hoà hợp với thiên nhiên và tầm nguyên phỏng cổ (truy tìm nguồn cội, học hỏi cổ xưa) vốn là một định hướng trong công cuộc chấn hưng văn hoá mà Vũ Tông Phan cùng các bạn hữu của Ông khởi xướng. Ông cũng là người chủ trì việc dựng Văn chỉ Thọ Xương (1836) và sáng lập đền Ngọc Sơn (1841), chủ yếu dùng làm những trụ sở hoạt động chấn hưng văn hoá Thăng Long. Trên bia ký của Vũ Tông Phan (hiện còn ngay trong Đền), từ năm 1841 đến mùa thu năm 1842 Ông cho xây dựng đền Văn Xương, làm tượng thánh đặt vào chính giữa Đền, năm 1843 lập bia ghi lại sự tích Đền và lập bia ghi công đức xây Đền. Tôn chỉ văn hoá- giáo dục của Hội hướng thiện và của đền Ngọc Sơn là thờ hai thần Văn Xương và Vũ Đế (theo lý tưởng văn võ kiêm toàn của Nho gia) và chủ yếu dùng làm nơi cho "bọn sĩ phu kết bạn với nhau", "hoà hợp với thiên nhiên", "tàng khí, tu thân, du ngoạn, nghỉ ngơi", "làm những việc có ích cho người". Ông coi nơi này như một cơ sở giáo hoá sĩ dân, khắc in và tàng trữ sách, giảng đạo lý cổ truyền, duy trì thuần phong mỹ tục, chống mê tín. (Sau này, khi thực dân Pháp chiếm hoàn toàn Việt Nam, Hội hướng thiện phải chia nhỏ ra và bắt đầu đưa bài vị Trần Hưng Đạo vào thờ trong Đền để mong giữ lòng trung hiếu và sống theo đạo nhân nghĩa của Ngài. Nơi đây cũng đã được Bác Hồ đến thăm vào dịp Giáp Tết độc lập đầu tiên). Bất chấp ý đồ của triều đình Huế, những nỗ lực của sĩ phu và các tầng lớp dân chúng đã đưa Hà Nội từ chỗ suy đồi, vươn lên vị trí thành phố đứng đầu vương quốc về nghệ thuật, về kỹ nghệ, thương nghiệp, sự giàu có, số dân đông đúc, sự lịch duyệt và học vấn" (theo tờ Le Courrier de Saigon). Công lao của ông đã được người đời ghi nhận: Sinh thời, sĩ phu tôn ông là đại tiên sinh (Nguyễn Văn Lý), khắp bốn phương đầy học trò (Nguyễn Văn Siêu); khi mất đi "xa gần mấy nghìn người trở lên đến hội táng, sĩ phu thương mến lắm" (Đại Nam liệt truyện).


Tiến sĩ Vũ Tông Phan, một trong những người sáng lập đền Ngọc Sơn (1841)


Vũ Tông Phan còn là một nhà thơ lớn của đất Thăng Long. Ông là bạn xướng hoạ với Thần Siêu, Thánh Quát. Thơ văn của Vũ Tông Phan không chỉ "dồi dào tư tưởng hoài cổ" (từ điển văn hoá Việt Nam) mà bộc lộ rõ nét tư tưởng yêu nước thương dân ("trung với dân"), tình yêu thiên nhiên và con người, ý thức tự hào về truyền thống văn hiến của dân tộc, những trăn trở trước nhân tình thế thái và những định hướng hoạt động văn hoá, giáo dục, của cả một lớp người tâm huyết với di sản văn hiến của dân tộc, biết đồng tâm hiệp lực để gìn giữ và phát huy di sản quý giá ấy. Ông đã để lại hơn 400 bài thơ văn thấm đậm tinh thần tự hào về lịch sử dựng, giữ nước anh hùng và nền văn hiến cổ xưa huy hoàng, chan chứa tình cảm giao hoà với thiên nhiên nhiên đất nước và con người.... Tiêu biểu là các tập thơ như Tô Khê tuỳ bút tập, Lỗ Am thi tập, Hoạn lữ nhàn vịnh, Hoàn Kiếm thập vịnh.

Có lẽ chưa có một sĩ phu nào viết nhiều đến thế- hàng trăm bài về cảnh và người Thăng Long ngàn năm văn hiến, các bài Văn bia ở Đền Hai Bà (Đồng Nhân), miếu Hoả thần (30 Hàng Điếu), đền Ngọc Sơn, đền Tam Nguyên trong ngõ Phất Lộc... Năm 1987 và 1996 đã phát hiện thêm 2 bài văn bia là Trùng tân tam nguyên từ bi ký và Đường An văn chỉ bi. Trong thời gian xây Đền Ngọc Sơn, ông đã sáng tác chùm thơ Thăng Long hoài cổ thập tứ thủ, nơi lưu danh hai vị danh sư Bắc Hà đương thời có nhiều học trò thành đạt (Tự Tháp Vũ tiến sĩ chính là Vũ Tông Phan, còn Đông Tác tiến sĩ là Nguyễn Văn Lý- người bạn tâm huyết của ông trong sự nghiệp chấn hưng văn hoá Thăng Long). Hồ Gươm là nơi từng được nhiều danh sĩ ngâm vịnh, làm thơ, song chỉ một vài bài. Riêng Vũ Tông Phan sáng tác cả một chùm mười bài thơ về danh thắng này, điều này không phải ngẫu nhiên bởi ông đã có ý chọn khu vực hồ Hoàn Kiếm làm trung tâm văn hoá giáo dục mới của Hà Nội, thay cho khu vực Văn Miếu- Quốc Tử Giám mà triều Nguyễn quy định chỉ còn là nơi xuân thu nhị kỳ tế lễ Khổng Tử và các tiên hiền của Nho giáo. Không kể các tập văn sách giáo khoa có đề tự hiệu của Vũ Tông Phan nhưng còn cần được khảo sát, minh định niên đại, trước tác văn xuôi của ông cho đến nay mới chỉ phát hiện được tất cả là 5 bài văn bia và một bức thư. Đây là một số lượng văn bản không lớn nhưng phản ánh rõ tư tưởng và sự nghiệp của ông. Vũ Tông Phan viết văn bia không chỉ để ghi lại sự việc, mà như Ông tự bộc bạch: "Tôi muốn mượn tấm bia để bày tỏ ý kiến của tôi" (Trưng Vương sự tích bi ký)...

Ngày 15-8-2001, tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội khoa học lịch sử, Trung tâm văn hoá và ngôn ngữ Đông Tây phối hợp với Hội đồng tộc Vũ Tông- Lương Ngọc đã tổ chức Lễ kỷ niệm 150 năm ngày mất (1851- 2001) của Danh nhân văn hoá Vũ Tông Phan và kỷ niệm 160 năm Hội hướng thiện sáng lập đền Ngọc Sơn (1841- 2001). Tại Lễ kỷ niệm, các nhà sử học Vũ Khiêu, Dương Trung Quốc, Phan Văn Các... đã trình bày các tham luận chứng minh công lao của Vũ Tông Phan với việc chấn hưng văn hoá Thăng Long, sáng lập ra đền Ngọc Sơn và các trước tác của ông để lại cho hậu thế. Nhân dịp này, Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây và gia tộc họ Vũ Tông đã cho ra mắt đọc giả bộ Tuyển tập thơ văn Vũ Tông Phan với 95 sáng tác văn học, bao gồm 87 bài thơ, 2 bài ký, 5 bài văn bia, 1 thư riêng được tuyển chọn trong di sản thơ văn của ông.

Ông mất ngày 26 tháng 6 năm Tân Hợi (1851) thọ 51 tuổi.

(Tổng hợp)