Nga và trò chơi chính trị với Mỹ và Iran

Bình luận - Ngày đăng : 08:41, 05/09/2010

Theo nhiều nhà phân tích, việc Moscow giúp Tehran hoàn thành nhà máy hạt nhân Bushehr hôm 21-8 sau 35 năm trì hoãn thực chất là một trò chơi chính trị nhằm phục vụ lợi ích cho bản thân nước Nga.


Nhà máy hạt nhân Bushehr
Với sự giúp đỡ của Nga, nhà máy hạt nhân đầu tiên của Iran đã chính thức được khánh thành hôm 21-8 sau 35 năm trì hoãn. Theo nhiều nhà phân tích, việc Moscow giúp Tehran hoàn thành nhà máy hạt nhân Bushehr thực chất là một trò chơi chính trị nhằm phục vụ lợi ích cho bản thân nước Nga.

Nhà máy hạt nhân Bushehr được bắt đầu xây dựng từ năm 1975 và ban đầu là do các công ty Đức đảm nhiệm. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy này đã bị ngừng lại sau khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận hàng công nghệ cao sang Iran vì cuộc cách mạng năm 1979 ở nước này. Đến năm 1995, Nga đã ký hợp đồng giúp Tehran hoàn tất việc xây dựng nhà máy Bushehr. Không may là sau đó, dự án này lại tiếp tục bị trì hoãn liên tục vì thiếu vốn và một loạt các lý do chính trị khác.

Trước khi Nga giúp Iran tiếp nhiên liệu cho nhà máy hạt nhân đầu tiên để nó có thể chính thức đi vào hoạt động, Mỹ đã từng yêu cầu Nga trì hoãn việc này cho đến khi Tehran có thể chứng minh được là họ không có ý định phát triển vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, Nga đã trả lời rằng, dự án nhà máy hạt nhân Bushehr là điều cần thiết để thuyết phục nước CH Hồi giáo hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và thực hiện các nghĩa vụ theo Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT).

Lợi ích quốc gia chính là lý do khiến Nga mạo hiểm làm Mỹ tức giận bằng cách giúp Iran đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện nhà máy hạt nhân Bushehr sau một thời gian dài trì hoãn.

Không muốn phá hỏng mối quan hệ với bất kỳ bên nào, Nga đã tìm một cách để cân bằng mối quan hệ giữa họ với Iran và phương Tây. Để duy trì sự hợp tác với các nước phương Tây, Nga bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết 1929 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được đưa ra hôm 9/6 nhằm trừng phạt thêm nữa nước CH Hồi giáo. Động thái này của Moscow đã vấp phải những phản ứng quyết liệt từ Iran.

Sự tức giận của Iran đã khiến Nga lo lắng bởi nước này vẫn muốn duy trì mối quan hệ tương đối hữu hảo với Iran - một nước đóng vai trò chủ chốt trong các vấn đề Trung Đông và nền kinh tế thế giới. Iran có ảnh hưởng lớn ở vùng Vịnh Persian và Eo biển Hormuz. Đây là những khu vực có tầm quan trọng lớn với việc cung cấp dầu mỏ toàn cầu. Khoảng 40% chuyến hàng dầu mỏ của thế giới đi qua Eo biển Hormuz mỗi ngày.

Iran cũng là một bước cản đối với kế hoạch bành trướng của Mỹ ở Trung Đông. Nga có thể lợi dụng điều này để làm con bài mặc cả với Mỹ khi họ bàn bạc với nhau về những vấn đề quốc tế quan trọng khác.

Các nhà quan sát tin rằng Nga hiểu rất rõ về tầm quan trọng của Iran với nước này. Vì lợi ích của mình, Nga sẽ có cách ứng xử linh hoạt trong những vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran đồng thời duy trì mối quan hệ song phương tốt đẹp với nước này.

Vì vậy, Nga hy vọng sẽ dùng nhà máy hạt nhân như một con bài chính trị để thể hiện lòng tốt của họ đối với người Iran, khiến họ phải nghĩ rằng người Nga đang đứng về phía Iran. Đó cũng chính là lý do giải thích tại sao Nga đã bày tỏ sự phản đối quyết liệt ngay sau khi Mỹ và EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương lên Iran. Và việc Tehran nhanh chóng khánh thành nhà máy hạt nhân đầu tiên ngay sau khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ, EU được đưa ra là một “nước đi” bất ngờ của người Nga với phương Tây.

Đến tham dự lễ khánh thành nhà máy hạt nhân Bushehr, ông Sergei Kiriyenko, người đứng đầu công ty năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga, cho biết nhà máy này là một dự án quốc tế lớn có một không hai do người Nga thực hiện. Ông này nhấn mạnh Moscow đã hoàn thành cam kết đối với nhà máy hạt nhân Bushehr.

"Nhà máy hạt nhân Bushehr hoạt động dưới sự giám sát của IAEA và bất kỳ nước nào chịu sự giám sát của IAEA đều có quyền phát triển hạt nhân vì mục đích hoà bình," ông Kiriyenko nói.

Những phát biểu trên của ông Kiriyenko chứng tỏ Nga đã giúp Iran trong bối cảnh nước này đang phải chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt hà khắc. Việc này cũng chứng tỏ Nga không phản đối Iran phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình. Đây là lý do khiến người Iran sẽ phải biết ơn Nga.

Moscow hiện cũng đang tham gia tích cực trong vai trò là trung gian trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân mang tên Iran. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 20/8 đã kêu gọi sớm tổ chức một cuộc họp để thảo luận về kế hoạch thay thế nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân của Iran. Nga cho biết, họ muốn mời các quan chức đến từ Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil tham gia vào cuộc họp này. Đây là hai nước đã ký Tuyên bố Tehran với Iran hôm 17/5. Theo đó, Iran sẽ chuyển hầu hết số uranium đã được làm giàu ở mức độ thấp của nước này sang Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy uranium được làm giàu ở mức độ tinh khiết 20% cho lò phản ứng hạt nhân.

Điều Nga muốn lúc này là làm hài lòng Iran và giành được trái tim cũng như khối óc của người Iran. Điều đó sẽ đem lại cho họ thế thượng phong trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran đồng thời buộc phương Tây, đặc biệt là Mỹ, phải nhân nhượng với Nga trong một số vấn đề quốc tế quan trọng.

(Theo VnMedia)