Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học
Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 05:23, 06/09/2010
Với một máy tính được kết nối in-tơ-nét, ở bất cứ đâu, cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh cũng có thể nắm được tình hình hoạt động chung của trường như: lịch đăng ký sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học, số người mượn sách của thư viện, công văn đến; điểm bài kiểm tra các môn của học sinh; thứ tự xếp hạng của học sinh theo kết quả học tập... Đó là những tiện ích nổi bật mà trường THCS Vũ Hữu (Bình Giang) có được nhờ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý thông qua website http://www.vuhuu.edu.vn.
Không giống những trang thông tin điện tử thông thường, ngoài các tin tức giới thiệu hoạt động của trường, website của trường THCS Vũ Hữu còn tích hợp nhiều tính năng khác nhau, hỗ trợ đắc lực việc quản lý nhân sự, quản lý thông tin thư viện, dữ liệu về học sinh..., cung cấp các liên kết đến những trang trực tuyến khác về giáo dục như: toán học và tuổi trẻ (http://toanhoctuoitre.vn.), giải toán qua mạng (http://violympic.vn.), website về văn học... Được đưa vào sử dụng từ năm học 2008-2009, website của trường đã thực sự trở thành công cụ quản lý hữu hiệu của cán bộ quản lý và giáo viên. Cô giáo Phạm Thị Phương, phụ trách thư viện của trường cho biết: Trước đây, học sinh muốn mượn sách của thư viện thường phải lên thư viện tra “phích” một cách thủ công, vừa mất thời gian, vừa không hiệu quả, vì sách có thể có tên trong phích, nhưng lại không có trên giá vì đã có người mượn. Nay với modul “thư viện” trên website, học sinh có thể tra cứu tên sách ngay tại máy tính trong phòng học hoặc máy tính ở nhà, biết rõ sách đã có người mượn hay chưa, sách nào được nhiều người mượn nhất để có thể đăng ký vào thời gian thích hợp. Do đó số lượt học sinh được mượn sách của thư viện cũng tăng gấp đôi, gấp ba so với trước. Em Nhữ Quang Hợp, học sinh lớp 9A2 của trường cho biết nhờ việc quản lý điểm trên website, học sinh có thể biết điểm kiểm tra của mình nhanh hơn trước. Ngoài ra, còn có thể biết vị trí của mình trong bảng xếp hạng để cố gắng vươn lên.
Thầy giáo Trần Minh Thái, Hiệu trưởng nhà trường, tác giả của website chia sẻ: Website của trường vẫn đang tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện với những tính năng mới như: cung cấp bài giảng trực tuyến của giáo viên trong trường, góp phần giúp phụ huynh học sinh kiểm tra kiến thức của con em mình qua các bài tập trắc nghiệm hoặc tự bổ sung kiến thức còn thiếu do nghỉ học, do chưa hiểu kỹ bài trên lớp. Ngoài website quản lý, trường THCS Vũ Hữu còn tích cực ứng dụng CNTT trong giảng dạy với việc khuyến khích giáo viên sử dụng giáo án điện tử trong những bài giảng phù hợp, làm tăng hứng thú học tập và phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh.
Cũng như Trường THCS Vũ Hữu, việc ứng dụng CNTT trong giáo dục đã được nhiều trường trong tỉnh thực hiện. Từ năm học 2008-2009, với chủ đề là năm “đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo”, phong trào phát triển ngày càng mạnh mẽ. CNTT được ứng dụng trong việc soạn giảng, quản lý nhân sự (bao gồm quản lý cán bộ, giáo viên, quản lý học sinh), quản lý điểm, sắp xếp thời khóa biểu, quản lý tài chính... Đến hết năm học 2009-2010, 100% các cơ sở giáo dục và đào tạo trong tỉnh đã được kết nối in-tơ-nét. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã thiết lập hệ thống thư điện tử (http://mail.haiduong.edu.vn) riêng cho từng trường. Toàn tỉnh đã triển khai thí điểm dự án hỗ trợ quản lý giáo dục (SREM), triển khai hệ thống thông tin quản lý trường học (V.EMIS), tự động hóa việc lập báo cáo và thống nhất triển khai các phần mềm quản lý trong trường học. Đầu năm học 2009 - 2010, Sở GD-ĐT đã tổ chức thí điểm 3 lớp tập huấn trực tuyến cho giáo viên THPT, 2 cuộc giao ban trực tuyến giữa sở với các Phòng GD-ĐT trong tỉnh. Sở GD-ĐT và một số phòng GD-ĐT, các đơn vị trường học trong tỉnh đã bước đầu xây dựng trang thông tin điện tử phục vụ thông tin tuyên truyền, quản lý và là diễn đàn trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, cung cấp tư liệu dạy và học cho giáo viên, học sinh. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng CNTT, mấy năm gần đây việc tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi tuyển sinh đại học và thi vào lớp 10 trở nên dễ dàng. Từ dữ liệu chung về điểm thi, Sở GD-ĐT tiến hành xếp hạng các trường THPT, THCS và tiểu học, tạo cơ sở để đánh giá chất lượng đầu vào, đầu ra của mỗi cấp học. Việc gửi và nhận công văn qua thư điện tử đã giúp các đơn vị tiết kiệm được thời gian, công đi lại, hạn chế hiện tượng công văn bị thất lạc. Trong giảng dạy, CNTT giúp giáo viên cung cấp tới học sinh nhiều hình ảnh trực quan thông qua các đoạn phim ngắn, các thí nghiệm được mô hình hóa, các tranh ảnh từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, làm phong phú thêm bài giảng, tăng khả năng tiếp thu kiến thức cho học sinh...
Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong nhà trường ở tỉnh ta hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Do cơ sở vật chất thiếu thốn, các trang thiết bị chưa đồng bộ, nên việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy tại đa số trường học mới dừng ở các tiết hội giảng; các tiết học trực tuyến (elearning), các bài giảng điện tử trên hệ thống trình chiếu vẫn chưa phổ biến. Trong quản lý, việc sử dụng các phần mềm quản lý giáo dục được thực hiện một cách riêng lẻ, chủ yếu phục vụ cán bộ quản lý và giáo viên trong trường, trong ngành, chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, nắm bắt thông tin thường xuyên của phụ huynh học sinh. Một số trang thông tin được mở, song nội dung thông tin nghèo nàn, không được cập nhật thường xuyên, các lỗi chậm được khắc phục khiến việc truy cập bị gián đoạn. Một số trường thiết lập trang web chỉ để giáo viên chia sẻ giáo án, mà chưa hướng tới việc sử dụng website trong quản lý và cung cấp thông tin, trao đổi trực tuyến giữa người dạy và người học, giữa cán bộ quản lý, giáo viên với học sinh...
Với chủ đề “năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng dạy học”, năm học 2010-2011, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong trường học với nhiều giải pháp: tích cực tổ chức hội nghị, hội thảo trực tuyến, trao đổi công tác qua mạng; khuyến khích các trường xây dựng trang thông tin điện tử để quản lý và cung cấp thông tin tuyên truyền về đơn vị; làm cho mỗi cán bộ quản lý và giáo viên nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc ứng dụng CNTT trong trường học; sử dụng có hiệu quả CNTT trong giảng dạy... Để làm được như vậy, trước hết cần có cơ chế phù hợp, khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên có khả năng về CNTT; tăng cường đầu tư hệ thống máy tính đồng bộ, chất lượng; đổi mới tư duy của các cán bộ quản lý về việc ứng dụng CNTT...
THANH MAI