Tăng cường lãnh đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 05:00, 07/09/2010
Để nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", ngày 5-8-2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 42-CT/TW yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, ủy ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và các quy định của Nhà nước về lĩnh vực đào tạo nghề; tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" đến các cấp, các ngành, đoàn thể và các địa phương, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Quyết định số 2424/QĐ-UBND ngày 13-7-2009 của UBND tỉnh phê duyệt về "Quy hoạch dạy nghề tỉnh Hải Dương giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến năm 2020". Trong đó quan tâm đặc biệt đến việc thành lập các trung tâm dạy nghề cấp huyện; kiện toàn các trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp các huyện, thị xã, thành phố theo đề án "Phát triển các trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2005-2010" đã được UBND tỉnh phê duyệt. Hằng năm, tiến hành khảo sát, xác định nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp và năng lực dạy nghề của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh; xác định danh mục nghề và xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu xã hội. Quan tâm tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác quản lý, giảng dạy và thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề, đặc biệt là việc đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ công chức cấp xã nhằm phát huy hết khả năng, vai trò trong triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại địa phương mình. Huy động các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, người có tay nghề cao tham gia công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; thường xuyên đổi mới các nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu học tập và phương pháp đào tạo cho phù hợp với các đối tượng là lao động nông thôn; chú trọng nâng cao kỹ năng thực hành, phát huy tính sáng tạo của người học nhằm thực hiện tốt các kỹ năng đã được học vào lao động, sản xuất. Tập trung huy động các nguồn lực đào tạo nghề theo hướng xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập các cơ sở dạy nghề phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh; gắn dạy nghề với tạo việc làm và xuất khẩu lao động. Hằng năm, có kế hoạch bổ sung nguồn kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Các cấp ủy đảng đưa nội dung, chỉ tiêu đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào nghị quyết của đảng bộ các cấp, để triển khai thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn hiện nay; các ngành, từng địa phương cần xây dựng chuyên đề, kế hoạch hành động cụ thể về công tác đào tạo nghề cho lao động của địa phương đơn vị mình.