Thương binh vượt khó, làm kinh tế giỏi

Việc tử tế - Ngày đăng : 06:03, 08/09/2010

Ở tuổi 56, với nhiều mảnh đạn còn nằm trong lồng ngực, tỷ lệ thương tật61%, thương binh hạng 2/4 Nguyễn Đức Vùng ở xã Cẩm Hoàng vẫn vươn lên làm kinh tế giỏi, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.


Ở tuổi 56, với nhiều mảnh đạn còn nằm trong lồng ngực, tỷ lệ thương tật 61%, thương binh hạng 2/4 Nguyễn Đức Vùng ở xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) thường xuyên phải chịu những cơn đau do vết thương tái phát mỗi khi “trái gió, trở trời”. Nhưng những trở ngại do sức khỏe không làm giảm ý chí chiến thắng đói nghèo và ước muốn làm giàu chính đáng của ông. 

Với suy nghĩ: Không sợ khó, không sợ khổ, ông Vùng luôn tìm tòi những cách làm ăn mới cho hiệu quả kinh tế cao. Những năm 90 của thế kỷ trước, khi Nhà nước vừa xóa bỏ chế độ bao cấp, ông đã mạnh dạn chuyển đổi ruộng đất, đào ao nuôi ba ba, rồi thả cá theo mô hình kinh tế VAC, làm dịch vụ vận tải bằng xe công nông...

Nhờ sự năng động, chịu khó nên ông luôn là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của xã. Từ năm 2003, khi quy định dừng sản xuất gạch bằng lò đốt thủ công có hiệu lực, ông Vùng nghĩ ngay đến việc sản xuất vật liệu thay thế phù hợp để cung cấp cho nhân dân địa phương. Nghĩ là làm, ông bắt đầu đi tham quan, học tập các mô hình sản xuất gạch không nung ở trong và ngoài tỉnh. Tận dụng diện tích đất trống cạnh nhà và nhân lực của gia đình, đầu năm 2009, ông đầu tư hơn 100 triệu đồng mua máy và các nguyên liệu sản xuất, chính thức đưa xưởng sản xuất gạch bê-tông của gia đình đi vào hoạt động. Mẻ gạch đầu tiên thất bại do tỷ lệ xi-măng không đủ, mẻ thứ hai lại thiếu nước...

Bại không nản, ông quyết tâm nghiên cứu để tìm ra công thức trộn nguyên liệu phù hợp nhất. Vừa mày mò làm thử, vừa nhờ bạn bè các nơi chia sẻ kinh nghiệm, cuối cùng, những viên gạch đầu tiên đạt tiêu chuẩn của xưởng cũng ra đời, được thị trường đón nhận. Trong quá trình sản xuất, ông luôn yêu cầu công nhân tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm đúng tỷ lệ xi-măng, mạt đá và tuổi của gạch trước khi bán. Gạch của cơ sở không chỉ cung cấp cho nhân dân địa phương mà còn vươn tới thị trường các tỉnh Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh... với sự tín nhiệm cao của khách hàng.

Ông Vùng cho biết, mỗi ngày cơ sở của ông có thể sản xuất được 1.500 - 1.800 viên gạch, tạo việc làm thường xuyên cho 3- 4 lao động với thu nhập 2-3 triệu đồng/người/tháng, doanh thu của cơ sở sau khi trừ chi phí đạt 100 triệu đồng/năm.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Vùng còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương, động viên con cháu chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

THANH MAI