Văn hóa giao thông

Tin tức - Ngày đăng : 04:19, 21/09/2010

Ai cũng nói rằng: "Văn hóa giao thông là phải chấp hành nghiêm chỉnhluật giao thông". "Văn hóa giao thông" còn là biểu hiện của trình độhiểu biết, của nhân cách con người nữa.

Tuy đã sang tháng 9 nhưng tiết trời nhiều ngày vẫn còn nắng nóng lắm. Nhiệt độ trong bóng râm vẫn là 34-350C. Ngoài trời có lẽ còn nóng hơn. Mặt đường nhựa bốc hơi lên hầm hập, nhất là vào giữa buổi trưa. Kể ra tiết trời như vậy mà phải dừng trước vạch vì đèn tín hiệu báo đỏ thì quả là vất vả. Nhưng đã là luật thì ai cũng phải chấp hành dù trời nắng hay mưa. Câu chuyện tôi kể dưới đây đáng để chúng ta suy ngẫm.

Vào khoảng 13 giờ ngày nghỉ cuối tuần, tại ngã tư Máy Sứ (TP Hải Dương), tín hiệu báo đèn đỏ chiều đường Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Lương Bằng. Mọi phương tiện tham gia giao thông đều dừng lại trước vạch dành cho người đi bộ. Ai nấy đều chăm chú nhìn chiếc đèn nơi góc đường, bỗng nghe tiếng "xoảng" phía sau lưng. Thì ra một đôi thanh niên nam nữ cưỡi chiếc xe đời mới, thấy đèn đỏ dừng lại đột ngột. Điểm dừng khá xa so với vạch cấm, chỉ chỗ đó có bóng râm mát của cái cây ven đường. Một đôi nam nữ khác đi phía sau luống cuống đạp phanh không kịp tông ngay vào đuôi chiếc xe đi trước. Tất cả người và xe đổ chổng kềnh ra đường nhựa. May mắn tốc độ của xe đi sau lúc này đã chậm nên người và xe không hề hấn gì.

Tuy vậy, đôi đi trước sấn sổ lại, tay chỉ mặt đôi đi sau quát to: "Mù hả? Không nhìn thấy người ta đã dừng xe rồi sao?". Đôi đi sau không chịu kém cũng nói to: "Ngu như lợn. Dừng đột ngột giữa đường, còn cách xa đèn tín hiệu tới ba chục mét. Thế mà cũng đòi cưỡi lên xe đi phố". Chẳng ai chịu ai. Người nào người nấy mặt mũi đỏ văng, chân tay vung lên hạ xuống. Mắt gườm gườm nhìn nhau như muốn ăn tươi nuốt sống đối phương. Mọi người xung quanh can gián: "Thôi! Người và xe không sao. Bỏ qua cho nhau đi. Hay gì trò cãi lộn giữa đường phố". Có không ít người hiếu kỳ vây xúm xung quanh tham gia, chỉ chỏ cười nói ầm ĩ. Sự việc đơn giản vậy bỗng nhiên thành to chuyện.

Thật may người chiến sĩ cảnh sát giao thông bước tới. Anh đứng tại trạm gác nên rõ sự việc từ đầu. Anh yêu cầu mọi người không có nhiệm vụ nên giải tán để bảo đảm giao thông. Rồi anh mời chủ nhân của hai chiếc xe vừa va chạm nhau lên vỉa hè để giải quyết. Hai đôi nam nữ thanh niên tranh nhau trình bày. Ai cũng cố giải thích là mình hoàn toàn đúng. Người cảnh sát giao thông mỉm cười nói: "Mỗi người đều có cái sai riêng của mình. Chẳng hạn xe đi trước thấy đèn báo đỏ dừng lại là đúng. Chỉ tiếc dừng lại không đúng nơi đúng chỗ. Điểm đỗ còn quá xa so với vạch dừng xe. Còn xe đi sau do mải chăm chú nhìn đèn tín hiệu mà quên mất rằng khoảng cách giữa hai phương tiện tham gia giao thông quá gần, không đúng với cự ly quy định, nên khi xe trước phanh gấp thì xe sau không còn đủ thời gian để xử lý. Tôi mong các anh, các chị cần rút kinh nghiệm. Thôi sự việc không có gì nghiêm trọng, hai bên hòa giải tiếp tục lên đường. Chúc mọi người vui vẻ, lái xe an toàn".

Ai cũng nói rằng: "Văn hóa giao thông là phải chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông". "Văn hóa giao thông" còn là biểu hiện của trình độ hiểu biết, của nhân cách con người nữa.

NGUYỄN SỸ ĐOÀN (TP Hải Dương)