Công nghiệp với vai trò chủ đạo trong nền kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 02:30, 27/09/2010
Công ty TNHH Ford Việt Nam đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh nhà. Ảnh: PV
Điều kiện thuận lợi
Với diện tích 1.651 km2, đứng thứ 51 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố của cả nước, Hải Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, giữ vai trò “cầu nối” giữa Thủ đô Hà Nội với thành phố cảng Hải Phòng và thành phố du lịch Hạ Long. Trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến giao thông quan trọng của quốc gia, gồm đường bộ (các quốc lộ 5, 10, 18, 37, 38), đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, đường sông và nằm trên trục giao thông Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Quảng Ninh. Dự kiến đến năm 2013 - 2014, đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi qua phía nam tỉnh hoàn thành và dự án đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long qua thị xã Chí Linh đang có phương án triển khai thực hiện sẽ tạo thêm nhiều lợi thế cho phát triển công nghiệp của tỉnh.
Mạng lưới điện quốc gia phủ khắp toàn tỉnh, tạo thuận lợi trong cung ứng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Hệ thống thông tin truyền thông, dịch vụ ngân hàng, cảng nội địa ICD, hải quan khá thuận tiện và tương đối hiện đại. Kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị đang hoàn thiện theo hướng đồng bộ. Trong tổng số dân khoảng 1,7 triệu người, đứng thứ 11 trong cả nước, có 63% số dân trong độ tuổi lao động, đa số người lao động có nền tảng hiếu học, cần cù, sáng tạo, là nguồn lực cơ bản cho phát triển kinh tế của tỉnh.
Hải Dương còn là vùng tập trung đa dạng khoáng sản, với 24 loại đã được phát hiện, cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, gạch, ngói...). Khí hậu nhiệt đới, độ ẩm cao tạo điều kiện phát triển đa dạng cây trồng, đặc biệt các loại rau, màu thực phẩm, cây ăn quả, là nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông sản.
Với vị trí địa lý “lý tưởng”, lại gần hai sân bay Nội Bài và Cát Bi, tỉnh ta có nhiều lợi thế trong giao lưu, trao đổi thương mại với các tỉnh lân cận và là địa bàn thuận lợi, hấp dẫn thu hút đầu tư phát triển kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nói riêng.
Những kết quả tích cực
Sau 13 năm tái lập tỉnh, với xuất phát điểm là một tỉnh nông nghiệp lạc hậu, Hải Dương đã và đang nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển thành tỉnh công nghiệp. Tổng sản phẩm trong tỉnh (theo giá so sánh 1994) liên tục tăng cao, bình quân thời kỳ 1997 - 2000 là 8,6%/năm. Sang giai đoạn 2001 - 2005 tăng 10,8%/năm và tiếp tục tăng bình quân 9,6%/năm trong giai đoạn 2006 - 2009. Năm 2009, tổng sản phẩm trong tỉnh đạt 12.195 tỷ đồng, gấp gần 1,5 lần năm 2005. Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ. Cụ thể đã chuyển từ cơ cấu 33,4% - 37,8% - 28,8% năm 2001 sang 24,5% - 44,3% - 31,2% năm 2009. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao, đồng thời giá trị chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của tỉnh chứng tỏ đóng góp của công nghiệp vào tăng trưởng chung có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, do nền kinh tế tỉnh có xuất phát điểm thấp, vấn đề chất lượng tăng trưởng cần phải quan tâm hơn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
Bức tranh kinh tế Hải Dương những năm qua cho thấy, sản xuất công nghiệp luôn đóng vai trò chủ đạo dẫn dắt nhịp độ tăng trưởng kinh tế chung khi liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, giữ ở mức 2 con số từ năm 2000 đến 2008. Đến khi khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu nổ ra đã ảnh hưởng mạnh đến sản xuất công nghiệp của tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2009 vẫn đạt 19.203 tỷ đồng, nhưng có mức tăng 6,7%, là mức thấp nhất trong nhiều năm qua (trước đó, vào năm 1999, do khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1999, sản xuất công nghiệp tỉnh cũng đã bị suy giảm tới 5,9%). Sự kiện Việt Nam chính thức gia nhập WTO đã tạo điều kiện cho kinh tế Hải Dương tham gia sâu rộng hơn vào thị trường thế giới và cũng bắt đầu phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường đó.
Trong khi tỷ trọng công nghiệp nhà nước giảm dần thì công nghiệp ngoài nhà nước và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp theo thành phần kinh tế tương ứng chuyển từ 52% - 17,8% - 30,2% năm 2005 sang 38,6% - 19,7% - 41,7% năm 2009. Một đặc điểm đáng chú ý về quy mô và tốc độ phát triển công nghiệp Hải Dương trong những năm qua là chủ yếu dựa vào 3 nhóm sản phẩm: Xi-măng, điện và ô-tô lắp ráp, chiếm tới 55% về giá trị sản xuất công nghiệp. Số lao động và cơ sở sản xuất công nghiệp của tỉnh cũng tăng lên đáng kể trong thời gian qua. Tính đến 31-12-2009, trên địa bàn tỉnh có khoảng 26.150 cơ sở sản xuất công nghiệp, với số lao động trong các ngành công nghiệp khoảng 180 nghìn người, chiếm khoảng 20% tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế của tỉnh, chiếm 16,6% số người trong độ tuổi lao động.
Về phát triển công nghiệp theo không gian, tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập và ưu tiên thành lập đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 là 18 khu công nghiệp (KCN) với diện tích đất quy hoạch khoảng 3.800 ha, trong đó 10 KCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích đất quy hoạch khoảng 2.100 ha. Ngoài ra, tỉnh đã quy hoạch gần 40 cụm công nghiệp nằm ở những vị trí thuận lợi về giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc... cùng với 56 làng nghề tiểu, thủ công nghiệp được công nhận đã góp phần tạo nên diện mạo sống động của ngành công nghiệp Hải Dương. Hiện các KCN Nam Sách, Phúc Điền, Tân Trường (giai đoạn 1) đã được lấp đầy 100% diện tích đất cho thuê. Các dự án đầu tư vào KCN chủ yếu là các dự án vốn FDI từ Nhật Bản, Samoa, Hồng Kông, Hàn Quốc...
Tạo tiền đề vững chắc cho công nghiệp hóa
Nhằm khai thác, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho mục tiêu chiến lược xây dựng Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp với những tiêu chí và chỉ tiêu đã được xác định, tỉnh hướng ưu tiên phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp có lợi thế cạnh tranh và công nghiệp hỗ trợ.
Trong giai đoạn 2011- 2015, tỉnh ta hướng tập trung phát triển các chuyên ngành công nghiệp theo thứ tự ưu tiên: Công nghiệp cơ khí, điện, điện tử, công nghệ thông tin và phần mềm; Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; Công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, đồ uống. Đồng thời, trong mỗi chuyên ngành công nghiệp tập trung phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững, trên cơ sở phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quy hoạch phát triển hệ thống công nghiệp Việt Nam. Quy mô, năng lực sản xuất cần được tăng cường nhằm chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ, từng bước hiện đại hoá các cơ sở sản xuất hiện có, cũng như việc hình thành các doanh nghiệp vệ tinh phục vụ sản xuất cho các nhà máy lớn, các tập đoàn, tổng công ty ngành hàng, tham gia vào chuỗi giá trị từng sản phẩm (may mặc, giầy da; phụ kiện cho các dây chuyền sản xuất xi-măng, đóng tàu, ô-tô; khuôn mẫu chính xác; linh kiện nhựa kỹ thuật cao; linh kiện điện tử). Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch, trong đó ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, sạch, đồng thời kiên quyết loại bỏ các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Với đặc điểm của một tỉnh có điều kiện tiền đề cơ bản thuận lợi cho phát triển công nghiệp, tiến tới mục tiêu xây dựng thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại của cả nước, tỉnh cần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp công nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Đây là vấn đề trọng tâm của nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong giai đoạn tới.
NHẬT THANH