Ba giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho nông dân
Tin tức - Ngày đăng : 05:59, 29/09/2010
Đề nghị Chính phủ sớm triển khai việc bảo hiểm và hỗ trợ một phần kinhphí bảo hiểm cho sản phẩm nông nghiệp và các cây con đặc sản nói chungvà những cây trồng mới, trong đó có cây vải thiều nói riêng.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân cần thực hiện một số giải pháp như sau:
Một là, phải quy hoạch vùng cây ăn quả tập trung gắn với điều kiện tự nhiên thích ứng để sản xuất hiệu quả. Quy hoạch này sẽ là cơ sở để thu hút các doanh nghiệp chế biến, sản xuất, kinh doanh hàng nông sản, tạo thuận lợi cho cung ứng thị trường nội địa kết hợp với xuất khẩu. Khuyến khích áp dụng quy trình VietGap vào sản xuất và sơ chế để nâng cao hiệu quả kinh tế, chất lượng, an toàn sản phẩm cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Thay thế một số diện tích cây ăn quả và cây vải kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả khác có giá trị kinh tế cao, như: ổi, quất trái vụ, chuối. Áp dụng các biện pháp trồng xen, đưa các loại cây trồng ưa bóng mát như: gừng, cây dược liệu vào trồng dưới tán cây vải để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Hai là, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở cần đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá các sản phẩm nông sản hàng hóa, nhất là sản phẩm vải thiều trên hệ thống thông tin đại chúng. Tạo cơ chế thông thoáng, ưu đãi để thu hút khách hàng, doanh nghiệp, xây dựng các cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân. Tạo điều kiện về vốn để người dân mở rộng sản xuất, xây dựng các trang trại, cơ sở chế biến và mua sắm phương tiện vận tải.
Ba là, đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, chợ đầu mối nông sản hàng hóa, quy hoạch vùng sản xuất gắn với giao thông, thủy lợi. Củng cố và phát triển các hợp tác xã dịch vụ trong nông nghiệp, nhất là các hợp tác xã thu gom, tiêu thụ nông sản cho nông dân, tạo điều kiện về vốn, kỹ thuật để các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.
Thanh Hà là quê hương của vải thiều. Hiện nay, cây vải vẫn là cây lâu năm chủ yếu và chiếm diện tích trên 50% đất nông nghiệp trong toàn huyện. Vì vậy, hằng năm sản lượng vải quả tiêu thụ trên thị trường là rất lớn. Để góp phần giải quyết tốt vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho sản phẩm nông sản nói chung và vải thiều nói riêng tôi xin kiến nghị một số vấn đề sau:
- Đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành, đầu tư, hỗ trợ kinh phí trong chuyển giao, áp dụng các tiến bộ mới vào sản xuất. Đặc biệt là đầu tư cho các cây trồng chủ lực trong vùng quy hoạch tập trung. Hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình áp dụng, sử dụng phân bón Neb 26 cho cây vải và một số cây ăn quả khác. Tăng cường đầu tư, xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ các loại nông sản cho nông dân, đặc biệt là hỗ trợ việc quảng bá thương hiệu vải thiều Thanh Hà; phối hợp trong công tác giám sát về tiêu chuẩn đối với sản phẩm vải thiều, bảo đảm giữ vững uy tín sản phẩm trên thị trường. Quản lý chặt chẽ chất lượng các mặt hàng phục vụ nông nghiệp, như: phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật... để nông dân yên tâm trong việc sản xuất, giảm sự thiệt hại về kinh tế cho nông dân.
- Đề nghị tỉnh đầu tư xây dựng đường 390A nối với quốc lộ 5, đường 390B và mở bến phà Giải, để việc tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân được thuận lợi.
- Đề nghị Chính phủ sớm triển khai việc bảo hiểm và hỗ trợ một phần kinh phí bảo hiểm cho sản phẩm nông nghiệp và các cây con đặc sản nói chung và những cây trồng mới, trong đó có cây vải thiều nói riêng.
- Đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng khi đưa tin về chất lượng, quy trình sản xuất hàng nông sản cần bảo đảm chính xác về nội dung và thời điểm để khỏi ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm, thiệt hại về kinh tế cho người sản xuất, gây tâm lý lo sợ cho người tiêu dùng.
(Trích tham luận của đồng chí Lê Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Hà)