Các giải pháp phát triển nông nghiệp

Tin tức - Ngày đăng : 06:12, 29/09/2010

5 năm qua, sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà dành nhiều kết quá lớn, phấnkhởi, giữ vững vị trí hàng đầu trong các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, bảo đảmđời sống vật chất tinh thần của nhân dân, ổn định nông thôn.


Tuy nhiên, cũng phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá những hạn chế, yếu kém đó là do tích tụ đất đai khó khăn nên sản xuất tập trung, quy mô lớn chưa nhiều và chưa đồng đều giữa các huyện; sản xuất chưa gắn chặt với bảo vệ môi trường bền vững, chưa có nhiều vùng sản xuất rau an toàn, sản phẩm sạch; vai trò của HTX dịch vụ nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của các hộ dân.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém và khó khăn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 2,6%/năm, hướng tới giá trị xuất khẩu lớn hơn trên cơ sở giữ vững an ninh lương thực, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hải Dương xác định cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tổ chức và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo các quy hoạch, các chương trình, đề án được phê duyệt; tập trung chỉ đạo vùng sản xuất hàng hóa cho từng cây, con, từng vùng, nhằm mục tiêu nâng tỷ trọng sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng hóa xuất khẩu. Phải kiên quyết giữ diện tích trồng lúa năm 2015 là 60 nghìn ha và ổn định mãi mãi là 55 nghìn ha, dứt khoát không được tùy tiện lấy đất lúa làm công nghiệp, thương mại... mà phải có lộ trình và theo quy hoạch được phê duyệt. Có nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp để tích tụ đất đai nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản như tiếp tục khuyến khích việc dồn điền đổi thửa. Hộ gia đình thuê đất dài hạn hoặc theo thời vụ của các hộ khác. Có cơ chế để các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản đến với nhà nông, có trách nhiệm với nông dân, nông nghiệp, nông thôn mới. Phát huy lợi thế của các địa phương trong tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả của những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như: rau quả các loại, lúa chất lượng cao, vải thiều, sản phẩm gia cầm, thịt lợn, cá truyền thống và một số loài thủy sản chất lượng cao.

Thứ hai, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, Nhà nước sẽ tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các vùng, khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung như vùng sản xuất rau màu, lúa chất lượng, lúa lai, vải thiều... có quy mô 50 ha trở lên; khu chăn nuôi tập trung quy mô 3 ha trở lên; khu nuôi trồng thủy sản tập trung 10 ha trở lên.

Thứ ba, tăng cường công tác khuyến nông, phát huy sức mạnh hệ thống khuyến nông cơ sở. Đầu tư cơ sở vật chất và cán bộ cho hệ thống thú y, bảo vệ thực vật; tăng cường trang thiết bị, đáp ứng các yêu cầu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đổi mới công tác khuyến nông theo hướng chọn mô hình sản xuất hàng hóa, sản phẩm an toàn; cán bộ khuyến nông chỉ đạo mô hình phải có thực tiễn sâu sắc, có tinh thần cao, bám sát đối tượng cây trồng, vật nuôi để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (TBKT) sản xuất đến nông dân. Nhân rộng các mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi, áp dụng TBKT mới có hiệu quả. Xây dựng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa an toàn, xây dựng thương hiệu hàng hóa cho một số nông sản chủ lực của tỉnh.

Thứ tư, tiếp tục đi tắt đón đầu đưa nhanh, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học, kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác cây trồng, kỹ thuật nuôi gia súc, gia cầm, phát triển cơ giới hóa...

Thứ năm, phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách để các hộ nông dân được vay vốn thuận lợi, kịp thời. Ngân sách các cấp đầu tư thỏa đáng hơn cho phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo tỷ lệ phân bổ tại Quyết định 800/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hằng năm, HĐND các cấp quyết định nguồn ngân sách nhà nước dành cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thứ sáu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất và chế biến nông sản phẩm. Làm tốt công tác xúc tiến thương mại. Tổ chức tốt việc theo dõi, nghiên cứu thị trường quốc tế, thị trường trong nước để kịp thời thông tin cho các doanh nghiệp và nông dân...

(Trích tham luận của đồng chí Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)