Pháp luật về khiếu nại, tố cáo

Tư vấn - Ngày đăng : 04:12, 14/10/2010

Để phục vụ cuộc thi tuyên truyền viên pháp luật về khiếu nại, tố cáo năm 2010, từ ngày 14-10, Báo Hải Dương giới thiệu toàn bộ các câu hỏi trong cuộc thi và đáp án trả lời. Mong được sự quan tâm của bạn đọc.

Câu 1: Luật Khiếu nại, tố cáo quy định các quyền của người khiếu nại như thế nào?

Trả lời: Điều 17, Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005 quy định: Người khiếu nại có các quyền sau:
1. Tự mình khiếu nại;
2. Người khác đại diện để khiếu nại;
3. Ủy quyền khiếu nại;
4. Nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật trong quá trình khiếu nại;
5. Biết các bằng chứng để làm căn cứ giải quyết khiếu nại; đưa ra bằng chứng để làm căn cứ giải quyết khiếu nại; đưa ra bằng chứng về việc khiếu nại;
6. Nhận văn bản trả lời về việc thụ lý để giải quyết khiếu nại, biết thông tin, tài liệu của việc giải quyết khiếu nại; nhận quyết định giải quyết khiếu nại;
7. Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
8. Được khiếu nại tiếp hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của pháp luật;
9. Được rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết.

Câu 2: Luật Khiếu nại, tố cáo quy định người khiếu nại có nghĩa vụ gì?


Trả lời: Điều 17, Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005 quy định: Người khiếu nại có các nghĩa vụ sau:

1. Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết;

2. Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp các thông tin, tài liệu đó.

3. Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

Câu 3: Luật Khiếu nại, tố cáo quy định có mấy hình thức khiếu nại? Là những hình thức nào?


Trả lời: Có 3 hình thức khiếu nại được quy định tại Điều 33 Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005. Bao gồm:

1. Gửi đơn khiếu nại: Trong trường hợp việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên.

2. Khiếu nại trực tiếp: Trong trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì cán bộ có trách nhiệm phải hướng dẫn người khiếu nại viết thành đơn hoặc ghi lại nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 33, có chữ ký của người khiếu nại.

3. Khiếu nại thông qua người đại diện: Trong trường hợp việc khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện thì người đại diện phải có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện và việc khiếu nại phải thực hiện theo đúng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33.

Câu 4: Luật Khiếu nại, tố cáo quy định khi không đồng ý với quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người khiếu nại được khiếu nại mấy lần? Trình tự, thủ tục khiếu nại thế nào?

Trả lời: Theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo: Khi không đồng ý với quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người khiếu nại được khiếu nại 2 lần.

1. Khiếu nại lần đầu: Phải khiếu nại đến người đã ban hành quyết định hành chính mà người khiếu nại cho rằng quyết định hành chính đó là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Khiếu nại lần 2: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2 là thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

Câu 5: Luật Khiếu nại, tố cáo quy định những trường hợp khiếu nại nào không được thụ lý giải quyết?

Trả lời: Điều 32 Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005  quy định: Khiếu nại thuộc một trong những trường hợp sau đây không được thụ lý để giải quyết:

1. Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;

2. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;

3. Người đại diện không hợp pháp;

4. Thời hiệu khiếu nại, thời hạn khiếu nại tiếp đã hết;

5. Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

6. Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý để giải quyết hoặc đã có bản án, quyết định của Tòa án

(Còn nữa)