Anh thợ khóa

Truyện ngắn - Ngày đăng : 05:29, 30/10/2010


Người ta bảo, bệnh nghề nghiệp, khi nhìn khách vào, bao giờ anh thợ cắt tóc cũng nhìn lên cái đầu người khách, còn anh thợ sửa giày thì nhìn xuống chân. Tôi hỏi Tạo, thằng bạn học từ thời phổ thông, giờ hành nghề sửa khóa, thế cậu nhìn vào đâu trên người khách? Nhìn vào cái ví tiền, chứ nhìn vào đâu nữa. Ngỡ Tạo  nói đùa, nhưng sau một lúc ngồi quan sát công việc sửa khóa, quả thấy thế thật. Này nhé, một cô gái diện rất mốt, vẻ đài các, dắt cái VesPa vào. "Anh ơi, em bị mất cái chìa khóa, phải dắt từ siêu thị về đây đấy...". "Năm mươi ngàn"- Không nhìn cô gái, Tạo chỉ liếc qua cái xe đắt tiền, buông thõng một câu ra giá. "Sao đắt thế?". “Đắt thì mời cô đi hiệu khác". "Gớm, mới sáng ra anh đã khó tính. Thôi làm đi, em đang vội".

Đợi cho cô gái tra chìa khóa nổ máy vù đi rồi, tôi mới hỏi Tạo: "Sao cậu nỡ chém đắt người đẹp thế? Vừa rồi cũng cái chìa khóa xe máy, với một ông khách già cậu lấy có chục ngàn thôi?. "Năm chục ngàn với những người như cô ta, chỉ là hạt bụi trên cái xe. Với lại, cứ cái điệu bộ quý phái rởm như thế, đủ để tôi quát"- Tạo bảo. Thì ra cái anh thợ này cũng khái tính ra phết.

Tạo làm nghề sửa khóa, thâm niên có dễ đến hơn ba chục năm. Ở cái thị xã bé nhỏ này, có độc một hiệu sửa khóa của Tạo, nên mọi việc liên quan đến chống trộm cắp, người dân đều phải tìm đến anh "Tạo khóa". Có lúc tôi nghĩ, không hiểu sao Tạo lại hành nghề sửa khóa và yêu nó một cách say mê, cứ như cái nghiệp vậy? Mà cậu ta có năng khiếu bẩm sinh thật, cứ như sinh ra là để làm cái nghề này. Có thể nói không quá, mọi thứ khóa trên đời, khóa dây, khóa ổ, khóa cửa tủ..., Tạo đều sửa được. Chỉ cần nhìn vào ổ khóa, sau ít phút cậu ta đã cho ra một cái chìa mở ngon lành. Nhiều người bị hóc khóa tủ, két, tất nhiên là không thể bê ra hiệu được, đã phải rước Tạo đến sửa tại gia. Chẳng thế đã có lúc tôi bảo với Tạo, giá lòng người cũng như cái ổ khóa để cậu nhìn vào nhỉ? Thì cậu ta cười hóm, cũng gần như thế... Mà hiểu, đấy là "ngón nghề" của tôi cũng được. Rồi Tạo kể, ngày xưa ở bên Trung Quốc có lệ đêm đêm, một người cầm đèn lồng, như mõ ở ta, đi rao khắp xóm "Cửa sổ đóng lại, cửa then khóa lại". Việc làm ấy đâu chỉ nhắc nhở người có của, cái chính là để cảnh cáo bọn đang định ăn cắp. Hóa ra cái anh thợ khóa bạn tôi cũng lắm chuyện Đông Tây.

Hồi học phổ thông, Tạo là một học sinh giỏi nổi tiếng môn ngữ văn. "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam", chúng tôi đứa nào cũng sợ môn ngữ pháp và mỗi khi đến giờ ngữ pháp đều thấy như tra tấn. Nhưng với Tạo thì ngược lại, nó lại thích thú, chỉ chờ thầy hỏi bài để giơ tay phát biểu lấy điểm. Học giỏi văn, Tạo được cử vào làm trưởng ban biên tập tờ báo tường của lớp. Chúng tôi vẫn gọi cậu ta là "nhà văn", và Tạo tỏ ra thích thú khi được gọi như thế. Thì cậu ta đã chẳng có lần nói toạc ra cái mơ ước trở thành nhà văn của mình sau này đấy thôi. Bỏ học giữa chừng, từ đấy bước ra đời,Tạo không làm nghề gì khác ngoài nghề sửa khóa. Tuy nhiên, sau này tôi cũng cố tìm ra được một cách lý giải tại sao Tạo vào làm nghề sửa khóa. Ấy là thứ nhất, tôi dựa vào cái tính nghịch ngầm của Tạo. Đã chẳng có lần cậu ta khóa trái cửa buồng tắm, khiến mấy nữ sinh tí chết cóng trong đó. Thứ hai là, từ mấy sự việc xảy ra, mà ít nhiều đều liên quan tới cái khóa, để có thể suy ra từ đó, nó như điềm báo, vận vào số kiếp của Tạo.

Còn nhớ hồi đó thầy giáo văn bắt chúng tôi học thuộc lòng bài tập đọc "Anh thợ khóa". Có thể tóm tắt câu chuyện thế này: Ông khách đến sửa khóa. Nhưng hỏi mấy lần mà anh thợ khóa vẫn không trả lời, mặt cứ cúi gằm xuống. Bực tức, ông khách đã định bỏ đi, thì anh thợ khóa bỗng cất giọng: "Biết điều thì cút đi cho...". Ông khách đang định nổi cơn thịnh nộ với anh thợ khóa bất nhã, thì anh đọc tiếp: "Hỡi thằng Đa lét mặt mo mày dày". Lúc này vị khách mới nhìn thấy ngồi bên cạnh anh thợ khóa là một bà đang hí hoáy chép câu thơ anh vừa đọc. Thì ra anh đang mải mê đọc cho bà kia tập viết. Anh đang làm chức phận một người thầy giáo, một chiến sĩ diệt dốt đáng biểu dương. Câu chuyện ngắn gọn, có thắt nút mở nút rất hay, tiếc là tôi không còn nhớ tác giả là ai. Tiết tập đọc hôm đó cả lớp không đứa nào học thuộc, trừ có Tạo. Cậu ta xung phong đọc trôi chảy, không sót một chữ. Tất nhiên là Tạo được điểm 5 (điểm cao nhất hồi ấy) và chúng tôi phục nó sát đất.

Cuốn truyện "Dế mèn phiêu lưu ký" của nhà văn TÔ Hoài là cuốn sách gối đầu giường của mọi học sinh ngày trước. Mê văn, Tạo cũng say cuốn truyện lắm, cậu ta có thể đọc thuộc lòng cả một chương trong đó. Tôi còn nhớ như in, Tạo với cái dáng cao gầy, lưng như lưng gấu, đi một bài võ diễn tả chú dế mèn, khiến cả lớp ôm bụng cười.Thế nhưng để có được cuốn truyện đọc thì chỉ đến Thư viện tỉnh. Mà học sinh lại không có thẻ thư viện. Thế là một lần kia, Tạo cầm đầu một tốp đột nhập cậy khóa phòng đọc thư viện "mổ" cuốn sách. Không biết bằng cách nào, mà cửa thư viện khóa trong khóa ngoài, Tạo chỉ cần một đoạn đũa xe đạp mở được hết các loại khóa. Nhưng đến lúc thoát ra thì các cậu gặp ông già trông vườn hoa giữ lại. Ông chỉ thẳng vào cái bụng cồm cộm của Tạo bảo: "Bỏ ngay sách ra". Sau đó, Thư viện tỉnh đã có công văn về trường với luận tội: "Đánh cắp tri thức nhân loại. ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa". Tạo bị nhà trường cảnh cáo dưới cờ và bị đuổi học không thời hạn. Thực tình mà nói, như lời thầy chủ nhiệm cho biết, án kỷ luật đó là quá nặng. Nhưng vì nó rơi vào đúng thời điểm nhà trường đương có phong trào giành lá cờ đầu thi đua, chết thế. Tạo bỏ học từ đấy. Sau đó có lần gặp Tạo ngoài phố tôi tò mò hỏi: "Tại sao cậu cậy khóa tài thế?" thì nó bảo: "Một ông thợ sửa khóa đã giảng giải cho tớ về cấu tạo của các loại khóa, và từ đó dễ dàng rút ra được cách mở". Tôi hỏi Tạo, thế cậu bỏ học tức là từ bỏ cả mơ ước trở thành nhà văn à? Tạo trợn mắt nhìn tôi: "Sao lại bỏ? Tớ sẽ đi học nghề sửa khóa để kiếm sống và viết văn. "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Hơn nữa, bác thợ sửa khóa đã chẳng bảo: Làm nghề gì cũng phải có chữ Tâm. Nhất là với nghề sửa khóa, nếu không thì chỉ cần cứ đi cậy khóa nhà người ta mà kiếm sống, chẳng mấy giàu to". Tạo nghĩ, thế thì cái nghề viết văn như thầy giáo giảng cũng cần có chữ Tâm. Rõ là cả hai việc giống nhau một mục đích, vậy thì tại sao mình lại không vừa làm nghề sửa khóa vừa viết văn nhỉ? Nói vậy, Tạo cũng tỏ ra rất buồn khi phải bỏ học, mà tiếc nhất là giờ ngữ pháp và chân trưởng ban biên tập tờ báo lớp.

Hôm tôi đến gặp Tạo khóa là để báo cậu ta đến dự buổi họp lớp tất niên. Nhân ngồi ngẫu chuyện, xem Tạo sửa khóa, chúng tôi nhắc lại chuyện cũ. Tôi hỏi đùa Tạo, thế còn tí máu văn chương nào không'? Tạo cười hì hì: "Khó nói quá. Ngày ấy tớ đã ngộ nhận. Trở thành nhà văn đâu có dễ như thành anh thợ sửa khóa". Nhưng rồi Tạo lại bảo: "Tớ vẫn tâm niệm lời ông thầy truyền nghề và càng hành nghề càng thấy, để giữ được chữ Tâm không phải dễ". Giờ Tạo đã là một ông chủ hiệu sửa khóa với thương hiệu "Tạo khóa" khá nổi tiếng. Dưới trướng có cả một lớp thợ, theo cách vừa làm vừa học. Và Tạo lại thường dẫn lời dạy của ông thầy truyền nghề năm xưa ra nói với họ. Có một lần, một cậu học nghề lợi dụng ngón nghề vừa học, tiếp tay cho một tên đạo chích đi cậy khóa. Biết rõ sự việc, Tạo đã đuổi thẳng thừng cậu học nghề đó.

Tôi bỗng nhớ câu chuyện mới biết hôm trước qua thầy Chất kể, khi đến mời thầy dự vời buổi họp lớp. Có thể tóm tắt câu chuyện thế này.

...Một thanh niên chừng 18 - 19 tuổi, đầu tóc bờm xờm, vác cái cặp khóa số đến hiệu "Tạo khóa", yêu cầu mở. Ông chủ hiệu liếc mắt qua cái cặp, phát giá: "Năm  trăm ngàn". Cậu thanh niên ngần ngừ một lát, rồi cũng "ok", nhưng yêu cầu vào trong nhà mở, ở đây không tiện. Ông chủ hiệu bỗng nhìn khách từ đầu xuống chân, như hiểu ra tất cả, đồng ý, nhưng bảo phải đợi, vì thợ đang bận. Rồi ông lên gác xép cầm máy điện thoại: "A lô, Công đấy hả? Thằng con ông nó vác cái cặp khóa số đến nhờ tôi mở. Tôi nghi trong có nhiều tiền. Ông đến ngay nhá”. Nhưng từ đầu dây đằng kia, sau phút đột ngột, đã trả lời: "Tôi không có thằng con nào như thế. Mà cũng chẳng có cái cặp đựng tiền như cậu mô tả. Chào". Sự thể, ông đành phải điện cho Công an phường. Bởi ông thừa biết cậu thanh niên này là con ai, từng mắc nghiện như thế nào. Mười lăm phút sau đồng chí công an phường mặc thường phục tới. Tất nhiên là lúc này ông Tạo đích thân dùng mẹo chuyên môn mở cái cặp. Những xấp tiền mới như những viên gạch lộ ra. Nhưng nó đã được Công an can thiệp tạm giữ, để xác định nguồn gốc.

Hồi kết câu chuyện: Ông kia phải đến trực tiếp khai báo và nhận số tiền. Và rồi cảm ơn các đồng chí công an, cảm ơn ông Tạo khóa đã kịp thời ngăn chặn một vụ đánh cắp của thằng con hư đốn. Nhưng đây mới là bề nổi của tảng băng chìm. Sau đó tình cảm giữa hai người bạn học cũ có chiều xấu đi. Bởi chuyện quá khứ, người ta cho rằng vết sứt mẻ có thể hiểu sâu xa từ cái vụ bẻ khóa vào thư viện, Tạo bị đình chỉ kết nạp Đoàn. Đúng như Tạo lường trước, họ đã nghĩ, Tạo "trả miếng" Công. Thì ăn cắp sách và tham nhũng tiền, tội nào nặng hơn? Hai người bạn cũ tránh mặt nhau mỗi khi có việc gì giáp mặt. Một lần vợ Công (cũng là bạn học cùng lớp, họ yêu nhau từ hồi còn đèn sách) đến trách cứ, xỉ vả Tạo không tiếc lời. Nào là "đồ phản bạn", nào là " gắp lửa bỏ tay người"... Lúc ấy Tạo đã định nói với cô bạn học rằng, nếu không vì tình bạn, thì anh (dại gì mà không, chỉ với vài thao tác mở khóa để đút túi năm trăm ngàn đồng, bằng thu nhập cả tuần. Nhưng Tạo đã học được chữ "Nhẫn", chỉ im lặng. Để cho khi vợ Công bù lu, bù loa xong, anh mới bằng giọng ôn tồn: "Tôi đọc sách Đức Phật, có câu chuyện thế này, một kẻ vô đạo đến nói xấu trước mặt Đức Phật. Chờ cho người ấy nói xong, Đức Phật hỏi anh ta, thế một người bây giờ đưa cho anh một thứ mà anh không thích, anh làm thế nào? Thì tôi ném trả người ta, người kia liền đáp. Đức Phật mỉm cười: Vậy việc anh vừa chửi ta cũng như thế đấy. Anh hãy mang những lời vừa tuôn ở miệng anh về". Nghe xong câu chuyện, vợ Công càng nổi đóa, đùng đùng bỏ về, ném lại một câu: "Rõ thợ khóa mà lắm chữ". Mãi tới gần đây, trước hôm họp lớp độ một tháng, tình bạn của họ mới được hàn gắn lại; người đứng ra giàn xếp lại chính là thầy Chất. Chẳng là trước đó, Tạo đã buồn rầu đến tâm sự cùng thầy, thuật lại toàn bộ sự việc. Đấy, đừng cứ tưởng đã lên ông nọ bà kia rồi... Chúng tôi nào đã đi hết chữ của thầy đâu.

Thêm một lần câu chuyện buồn trên lại liên quan đến "cái khóa". Càng nghiệm câu nói của thầy Chất là đúng: Từ xưa chỉ có thời của vua Nghiêu, vua Thuấn mới không có khóa, bởi không có ăn cắp. Và lịch sử chống trộm cắp,  nếu kể, phải tính từ khi sinh ra cái khóa. Kể như thế, lịch sử cái nghề của “Tạo khóa” cũng có bề dày đáng nể và đáng tự hào lắm chứ.

Sau buổi họp lớp hôm đó, Công ý chừng muốn khoe cái biệt thự mới xây, đã mời tất cả chúng tôi đến nhà "đập phá" một chầu nữa. Chúng tôi nhận lời không vắng một ai, trừ thầy Chất cáo mệt. Tôi cứ đứng nhìn hai người bạn Công, Tạo bá vai nhau đi, một là thợ khóa, một là tay hòm chìa khóa của dân mà không khỏi thấy thú vị. Bỗng dưng tôi muốn nói một câu với Tạo, rằng,Tạo ạ, cậu không trở thành nhà văn, nhưng những gì cậu làm vừa qua cũng đủ là những trang thấm đẫm tình đời rồi. Vậy mà tôi cứ nghĩ, cái anh thợ khóa bạn tôi, lúc nào cũng nhìn đời qua lỗ khóa, thật oan uổng.

Hải Dương, tháng 01 năm 2010


Truyện ngắn của NGUYỄN SIÊU VIỆT