Thấy gì từ thương vụ vũ khí khổng lồ?
Bình luận - Ngày đăng : 16:33, 30/10/2010
Phi cơ chiến đấu F-15 chiếm số lượng lớn nhất trong thương vụ của Mỹ với Saudi Arabia. Ảnh: richard-seaman.com |
Theo hợp đồng được công bố trước đó, Mỹ sẽ bán cho Saudi Arabia 84 máy bay chiến đấu F-15 thế hệ mới, 70 trực thăng tấn công AH-64D Apache Longbow, 71 trực thăng đa dụng Blackhawk, 36 trực thăng tấn công hạng nhẹ AH-6i, 12 máy bay hạng nhẹ MD-530F cùng hàng trăm danh mục máy móc, vũ khí và hệ thống định vị.
Ngoài danh mục các loại vũ khí mua mới, hợp đồng còn bao gồm gói nâng cấp 70 máy bay chiến đấu F-15S hiện đang phục vụ trong lực lượng Không quân Saudi Arabia. Thời hạn thực hiện hợp đồng dự kiến trong vòng 15 đến 20 năm.
Cùng ngày, Lầu Năm Góc đã đệ trình Quốc hội Mỹ phê chuẩn hợp đồng khổng lồ nói trên. Nếu được thông qua, đây sẽ là hợp đồng quân sự đơn lẻ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Bộ Quốc phòng Mỹ thuyết phục Quốc hội rằng, thương vụ này nhằm vào các mục đích chiến lược về an ninh và ngoại giao của Mỹ bằng cách tăng cường “quan hệ đối tác chiến lược đang ngày càng phát triển với Saudi Arabia”.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề quân sự-chính trị, ông Andrew Shapiro, cho biết, cho đến nay, nước này chưa nhận được bất cứ một phản đối nào từ phía Israel.
Trước đây, Israel - một đồng minh thân cận của Mỹ, thường phản đối bất cứ một thương vụ buôn bán vũ khí nào cho các quốc gia Arab trong khu vực. Lầu Năm Góc tuyên bố rằng, hợp đồng bán vũ khí này “sẽ không làm thay đổi sự cân bằng quân sự cơ bản trong khu vực”.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, chi tiết của hợp đồng mua bán đã được gửi lên Quốc hội và cơ quan lập pháp Mỹ sẽ có 30 ngày để xem xét. Nếu không có phản đối nào thì đây có thể là hợp đồng vũ khí “béo bở” nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Giới bình luận quân sự quốc tế cho rằng nếu hợp đồng này được Quốc hội Mỹ thông qua thì Chính quyền của Tổng thống Obama đã bắn một mũi tên mà trúng cả 3 đích.
Về kinh tế, hợp đồng này sẽ mang lại 75.000 công ăn việc làm cho người dân Mỹ trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức cao kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu nổ ra và khởi nguồn từ Mỹ. Sau việc Mỹ rút quân khỏi Iraq, thương vụ này có thể coi là điểm nhấn quan trọng nữa cho Tổng thống Obama và đảng Dân chủ của ông khi cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ đang tới gần.
Về chiến lược, Mỹ cảnh báo với thế giới rằng Mỹ kiên trì theo đuổi lợi ích của mình ở khu vực Trung Đông đầy dầu mỏ và khí đốt; rằng đồng minh thân cận của mình ở Trung Đông không chí có Israel, mà còn có cả Saudi Arabia.
Về đồng minh, qua thương vụ này, Mỹ cũng cảnh cáo người bạn “chí cốt” Israel rằng “nên biết điều một chút, nếu không muốn bị bỏ rơi”. Vì thế, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, Israel - nước luôn lo ngại về các hợp đồng vũ khí liên quan đến các nhà nước Arab, nhưng dự kiến sẽ không phản đối hợp đồng này.
Khi thông báo kế hoạch, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Andrew Shapiro còn nhấn mạnh hợp đồng “có ý nghĩa rất quan trọng đối với chiến lược của vùng”.
Giới phân tích quốc tế cho rằng hợp đồng khổng lồ này nhiều khả năng sẽ không vấp phải sự phản đối mạnh từ phía Quốc hội Mỹ, vì nó đưa lại lợi ích cả trước mắt và lâu dài cho nước Mỹ. Một lần nữa nền công nghiệp quốc phòng Mỹ lại đóng vai trò cánh kéo thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế Mỹ trong thời kỳ hậu khủng hoảng. Đúng như lý thuyết về quy luật khủng hoảng chu kỳ của CNTB trong giai đoạn phát triển cao của nó, đã được các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác - Lênin khái quát.
Như vậy, với một quốc gia nằm trong khu vực khá nhạy cảm trong quan hệ quốc tế, lại được cung cấp một khối lượng vũ khí hiện đại, khổng lồ như vậy, sự lo ngại của cộng đồng quốc tế về vai trò kích hoạt của thương vụ này đối với cuộc chạy đua vũ trang mới tại khu vực và toàn cầu là có cơ sở.
(Nguồn: VOV)