Cần có giải pháp đồng bộ nâng cao hiệu quả cây vải

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:48, 02/11/2010

Thị trường tiêu thụ không ổn định, cơ sở hạ tầng trồng vải yếu kém, chế biến vải khô còn lạc hậu, chất lượng thấp, chưa áp dụng công nghệ vào sản xuất... là những yếu tố cần tháo gỡ để đưa sản xuất vải phát triển, mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân.


Để có những vụ vải thắng lợi, tỉnh cần có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Trong ảnh: Nông dân xã Thanh Bính (Thanh Hà) thu hoạch vải sớm năm 2010. Ảnh tư liệu

Toàn tỉnh hiện có 12.990ha trồng vải, giảm 3% so với năm 2009 và 8,8% so với năm 2005. Trong đó, diện tích trồng vải của huyện Thanh Hà hiện nay đã giảm 11,5%, thị xã Chí Linh giảm 9,7% so với năm 2005. Nhiều năm qua, người trồng vải thường gặp tình cảnh "được mùa, mất giá" và "mất mùa, được giá" nên hiệu quả kinh tế thấp. Do giá bán vải thấp nên người dân không chú ý đầu tư chăm sóc, dẫn đến nhiều diện tích vải bị thoái hóa, cằn cỗi, giá trị thương phẩm giảm. Diện tích trồng vải ngày càng giảm, do người dân chặt vải chuyển sang trồng các loại cây khác. Hiện nay, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ vải vẫn còn nhiều khó khăn. Vải tươi chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa, chỉ có một phần nhỏ xuất sang Trung Quốc. Việc chế biến vải khô vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, khó tiêu thụ. Cơ sở hạ tầng ở vùng trồng vải còn yếu, thiếu. Việc sử dụng các giống vải mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất vải chưa được quan tâm. Hầu hết người trồng vải chưa biết đến sản xuất theo quy trình VietGap (thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam) để làm ra sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ quan chức năng đã có một số biện pháp nhằm giải quyết những khó khăn cho người trồng vải, nhưng những biện pháp đó còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, chưa tạo được chuyển biến rõ nét trong sản xuất và tiêu thụ vải.

Những khó khăn, bất cập trên cần sớm được các cơ quan chức năng và người trồng vải tháo gỡ để đưa sản xuất vải phát triển, mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân. Ông Trịnh Huy Đang, Giám đốc Công ty TNHH  một thành viên Giống cây trồng tỉnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả cây vải, các giải pháp phát triển phải mang tính toàn diện, đồng bộ, từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong khâu sản xuất, cần tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống vải nhằm rải vụ thu hoạch, nâng cao hiệu quả kinh tế. Cơ quan chức năng tuyển chọn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng các giống vải chín sớm, hoặc ghép cải tạo trên giống vải thiều. Chuyển đổi một số diện tích vải thiều ở vùng khô hạn (vùng núi), úng trũng (đồng bằng) để trồng cây khác. Đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng, chăm sóc vải, trong đó chú ý áp dụng tiêu chuẩn VietGap; kỹ thuật chống rụng nụ, hoa, quả; biện pháp cho vải ra quả đều đặn, chống hiện tượng ra quả cách năm; kéo dài thời gian chín của quả để rải vụ thu hoạch.

Một giải pháp cấp thiết hiện nay là phải xây dựng và thực hiện quy hoạch vùng cây ăn quả của tỉnh, trong đó đặc biệt chú ý đến cây vải. Có quy hoạch mới có căn cứ, định hướng để phát triển cây vải. Huyện Thanh Hà cũng cần định hướng quy vùng sản xuất vải tập trung trên địa bàn. Theo đó, vùng vải sớm tập trung ở các xã khu Hà Đông, vải thiều ở khu Hà Nam và một số xã khu Hà Bắc. Mặt khác, cần tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng trồng vải tập trung để nâng cao hiệu quả sản xuất. Phát triển các hiệp hội trồng vải để liên kết và bảo vệ quyền lợi của người trồng vải.

Trong nhiều năm qua, tình trạng vải được mùa về sản lượng, nhưng giá bán thấp diễn ra phổ biến. Những năm vải mất mùa, giá bán vải mới đạt được ở mức khá. Vào vụ thu hoạch, sản lượng vải tươi bán ra thị trường tăng mạnh, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng không tương ứng nên tất yếu giá bán sẽ giảm. Trong khi đó, một biện pháp quan trọng để giảm bớt sản lượng vải tươi cung ứng ra thị trường là đầu tư công nghiệp chế biến vải quả chưa được chú ý. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vải tươi để bán trực tiếp trên thị trường chiếm khoảng 45% tổng sản lượng vải toàn tỉnh, còn lại 50% là vải sấy khô ở các lò sấy thủ công. Sản lượng vải sấy khô tuy nhiều nhưng chất lượng chưa tốt, thị trường tiêu thụ còn rất hạn chế. Có những thời điểm vải sấy khô còn có giá bán thấp hơn vải tươi. Lượng vải chế biến để đóng hộp, sản xuất rượu và sử dụng vào mục đích khác chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng vải. Con số này là quá ít ỏi. Do vậy, việc đầu tư, nâng cấp các lò sấy thủ công thành các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở chế biến vải có trang thiết bị hiện đại cần phải được đẩy mạnh để tăng chất lượng vải sấy khô. Đồng thời, hình thành các doanh nghiệp chế biến vải được áp dụng quy trình sản xuất và bảo quản theo công nghệ tiên tiến để có sản phẩm xuất khẩu, qua đó nâng cao nhu cầu tiêu thụ vải.

Giải pháp có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao giá trị vải thiều là tìm thị trường tiêu thụ. Đây là một khâu còn yếu của tỉnh ta. So với tỉnh Bắc Giang, việc xúc tiến thương mại còn kém. Nhằm nâng cao giá trị của quả vải thiều, huyện Thanh Hà đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) tổ chức nhiều hoạt động quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Trong thời gian tới, sẽ phối hợp xây dựng chuyên trang giới thiệu, quảng bá về sản phẩm vải thiều và cập nhật thông tin hiện trạng canh tác, tình hình phát triển của cây vải thiều, giới thiệu về mẫu mã, sản phẩm; thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh của Hiệp hội Vải thiều Thanh Hà; phát các tờ rơi giới thiệu về cây vải, xây dựng 2 biển quảng bá sản phẩm tại các điểm dẫn vào huyện Thanh Hà. Tổ chức in túi bao bì đóng sản phẩm trước khi xuất bán ra thị trường. Xây dựng đội ngũ tìm kiếm, mở rộng thị trường tại các tỉnh, thành phố. Vận động các đơn vị tham gia các hội chợ do Trung ương và địa phương tổ chức nhằm quảng bá và giới thiệu vải thiều. Phối hợp với các báo, đài Trung ương và địa phương tổ chức các chuyên trang, phóng sự, đưa tin, bài tuyên truyền về cây vải thiều. Ứng dụng thương mại điện tử để tiếp cận thị trường, nắm bắt nhu cầu ở trong và ngoài nước. Xây dựng liên kết "4 nhà" (Nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học) để tạo ra sản phẩm tốt, có thể cung ứng cho các thị trường khó tính như: nhà hàng, siêu thị, thị trường thế giới.

NINH TUÂN - NGỌC THỦY