Giải pháp thúc đẩy sản xuất vụ đông
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 23:11, 02/11/2010
Các địa phương gặp khó khăn trong vụ đông cần tích cực học hỏi kinh nghiệm làm vụ đông ở các huyện điển hình tiên tiến như Gia Lộc, Nam Sách, Kinh Môn. Trong ảnh: Nông dân xã Nam Tân (Nam Sách) chăm sóc dưa hấu vụ đông |
Hiện nay, các huyện Bình Giang, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Ninh Giang, Thanh Miện đang gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng diện tích và hình thành vùng sản xuất tập trung trong vụ đông. Diện tích vụ đông ở nhiều địa phương có xu hướng ngày càng giảm.
Trước năm 2000, diện tích vụ đông năm cao nhất của huyện Bình Giang lên tới 2.200ha. Từ năm 2000 trở lại đây, diện tích vụ đông năm cao nhất toàn huyện mới đạt 1.200ha, còn lại chỉ dao động ở mức 800 – 1.000ha. Đây là một trong những huyện có diện tích vụ đông thấp nhất tỉnh. Mặc dù các cấp chính quyền trong huyện đã có nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn nhưng vẫn chưa tạo được chuyển biến. “Một số vụ sản xuất gần đây, UBND huyện đầu tư hỗ trợ tiền để người dân trồng cây ngô; một số xã (Tân Việt, Thái Hòa) cũng hỗ trợ toàn bộ tiền giống, chi phí làm đất, nhưng người dân vẫn không trồng. Huyện cũng đã làm các mô hình khuyến nông, dù vậy nông dân cũng không tham gia”, ông Nhữ Hồng Chuyên, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang cho biết. Do có nhiều khó khăn nên một số huyện phải điều chỉnh giảm mục tiêu diện tích trồng cây vụ đông năm nay so với năm trước.
Việc thúc đẩy sản xuất vụ đông ở vùng khó khăn còn lắm gian nan do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Một phần diện tích đất canh tác ở những vùng này là chân trũng, đất thịt nặng, tiêu thoát nước kém, nên không phù hợp trồng cây rau màu vụ đông. Mặt khác, nhân công làm vụ đông chủ yếu là người trung niên, người già nên sức khỏe và trình độ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hạn chế. Giá vật tư nông nghiệp nhiều loại ở mức cao, trong khi giá bán sản phẩm còn bấp bênh, nên lợi nhuận thu được từ vụ đông ở nhiều địa phương chưa cao và chưa vững chắc. Chính quyền nhiều địa phương chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sâu sát trong sản xuất vụ đông. Một số địa phương chỉ đạo nông dân làm vụ đông còn mang tính hình thức mà thiếu đi các giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế. Một số khâu dịch vụ cho sản xuất ở nhiều địa phương còn yếu, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tham gia làm vụ đông.
Để có các giải pháp thúc đẩy sản xuất vụ đông ở vùng khó khăn cần nhìn rõ các nguyên nhân. Các giải pháp phải được thực hiện đồng bộ, vừa làm trước mắt, vừa triển khai lâu dài. Những địa phương sản xuất vụ đông kém cần chủ động bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý theo hướng tăng diện tích lúa ở trà xuân muộn và mùa sớm để có quỹ đất trồng cây vụ đông. Muốn vậy, phải đưa vào cơ cấu gieo trồng các giống lúa lai có thời gian sinh trưởng ngắn và năng suất cao. Đồng thời, tìm ra bộ giống cây vụ đông phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương và có thị trường tiêu thụ ổn định. Huyện Gia Lộc là một điển hình trong việc chuyển dịch cơ cấu trà lúa, giống lúa để mở rộng diện tích vụ đông sớm.
Nông dân các địa phương cần tích cực tiếp thu các kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác tiến bộ. Có kỹ thuật canh tác hiệu quả sẽ giúp mở rộng diện tích vụ đông. Chẳng hạn, kỹ thuật làm đất tối thiểu trên cây ngô của nông dân huyện Thanh Miện. Sau khi thu hoạch lúa mùa, nông dân chỉ cần xẻ những rãnh nhỏ trên mặt ruộng để đặt bầu ngô, không cần thao tác làm luống. Kỹ thuật này giúp giảm công lao động, đẩy nhanh thời vụ gieo trồng. Vụ đông 2009 – 2010, kỹ thuật làm đất tối thiểu đã được nhiều nông dân huyện Thanh Miện áp dụng, góp phần mở rộng diện tích cây ngô so với vụ đông năm trước. Năm nay, kỹ thuật này tiếp tục được áp dụng rộng rãi. Ngoài ra, kỹ thuật làm bầu đối với một số cây trồng cũng giúp đẩy nhanh thời vụ gieo trồng.
Năm nay, nông dân xã Tiền Tiến (Thanh Hà) trồng khoảng 60ha cà rốt vụ đông, tăng 5ha so với năm trước. Toàn xã đã gieo trồng được 72ha cây vụ đông, đạt 90% kế hoạch.Trong ảnh: Nông dân thôn Cập Thượng chăm sóc diện tích cà rốt trồng ngoài bãi sông |
Trước mắt, những nơi có sản xuất vụ đông kém cần cố gắng hình thành được một vùng sản xuất một loại cây trồng tập trung, quy mô từ vừa đến lớn. Trong vùng tập trung này, Nhà nước thực hiện mô hình khuyến nông, có hỗ trợ tiền giống, vốn, bao tiêu sản phẩm để nông dân học tập và là điểm để nhân rộng. Đầu tư ứng dụng cơ giới hóa để tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm. Quy vùng tập trung sẽ giúp công tác chỉ đạo sản xuất thuận lợi, các khâu dịch vụ cho sản xuất được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cao. Cách làm này cũng là tiền đề để tạo ra một lượng nông sản tập trung, từ đó hình thành thị trường tiêu thụ ổn định.
Hiện nay, hệ thống thủy lợi ở nhiều địa phương bị bồi lắng, có nhiều vật cản, khả năng tưới, tiêu nước hạn chế gây khó khăn cho canh tác. Có thời điểm một số loại giống cây trồng bị thiếu, hoặc có giá bán cao, nên người dân không có điều kiện gieo trồng. Do vậy, muốn có vụ đông phát triển thì các khâu dịch vụ cho sản xuất (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thủy lợi) phải thực hiện tốt.
Những năm gần đây, một số doanh nghiệp, HTX dịch vụ nông nghiệp và nông dân đã mạnh dạn thuê, mượn đất để làm vụ đông. Một số mô hình đã có hiệu quả bước đầu. Nhiều nông dân cho thuê, mượn ruộng đã trở thành người nhân công làm thuê ngay trên mảnh ruộng đó. Ông Đặng Văn Trình, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh gợi mở một hướng đi mới: “Nông dân cho thuê, mượn đất và cũng có thể góp cổ phần với doanh nghiệp để tham gia hoạt động với tư cách là một thành viên. Như vậy, nông dân sẽ có trách nhiệm hơn trong việc sản xuất trên mảnh ruộng của mình. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ có nguồn lực mạnh hơn. Lợi nhuận thu được sẽ được chia theo cổ phần. Cách làm này sẽ giúp nông dân và doanh nghiệp cùng có lợi”.
Bên cạnh việc tổ chức sản xuất vụ đông, Nhà nước cần có chính sách thu hút doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Khi có đầu ra ổn định, nông dân sẽ yên tâm sản xuất.
Theo ông Ngô Bá Định, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, muốn thúc đẩy vụ đông ở vùng khó khăn, các cơ quan chức năng cần có cơ chế, chính sách hiệu quả để hỗ trợ sản xuất, trong đó tập trung vào việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ vốn cho nông dân. Về mặt tổ chức, các xã, thị trấn nên thành lập ban nông nghiệp để quản lý, điều phối hoạt động nông nghiệp trên địa bàn có hiệu quả. Vấn đề này đã được đề cập trong Thông tư liên tịch số 61 năm 2008 của Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ.
NINH TUÂN