Thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán

Tin tức - Ngày đăng : 14:38, 04/11/2010

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế cho rằng nên giữ nguyên địa vị pháp lý của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, trong khi đó, một số đại biểu đề nghị Uỷ ban này nên có tư cách độc lập hơn.


Sáng 4-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.


Trên cơ sở tổng kết, rà soát thực tiễn áp dụng Luật Chứng khoán 3 năm qua, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 20 điều và bãi bỏ 1 điều của Luật hiện hành. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung chủ yếu vào một số vấn đề như chào bán chứng khoán riêng lẻ; chào bán chứng khoán ra công chúng; chào mua công khai; thị trường giao dịch chứng khoán; điều kiện thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; công bố thông tin và xử lý vi phạm.

Thảo luận về các nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này, các đại biểu đồng tình với những lý do trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán hiện hành cho phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển khá nhanh chóng của thị trường chứng khoán.

Bàn về địa vị pháp lý của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Gia Lai) đều cho rằng, không nên quy định như Luật hiện hành là UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính mà nên là một cơ quan có tư cách độc lập. Theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, hiện Bộ Tài chính đã phải thực hiện rất nhiều công việc, nếu cứ tập trung như vậy thứ nhất là Bộ cũng không thể quản hết được các phần việc, thứ 2 là việc Bộ trực tiếp quản lý vào một nơi kinh doanh như vậy cũng dễ xảy ra sai sót.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà thì cho rằng, UBCKNN là một tổ chức có chức năng theo dõi sát sao những diễn biến của thị trường chứng khoán. Khi thị trường phát sinh những khúc mắc, những vấn đề cần điều chỉnh thì Uỷ ban này hơn ai hết là phải sát sao nhất. Nếu quy định trực thuộc Bộ Tài chính như hiện nay thì sẽ làm hạn chế sự kịp thời trong việc xử lý những vấn đề phát sinh.

Về quy định giao cho Chính phủ quy định cụ thể các hành vi và mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm mới trên thị trường chứng khoán, đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hoá) tán thành với ý kiến của Uỷ ban Kinh tế cho rằng, thị trường phát triển không ngừng và theo đó phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật dưới hình thái mới mà Luật không thể cụ thể hóa hết các hành vi vi phạm và chế tài xử phạt. Bởi vậy, việc bổ sung thêm 1 khoản tại Điều 120 (Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính) giao cho Chính phủ quy định cụ thể các hành vi và mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm mới trên thị trường chứng khoán là hợp lý.

Cũng bàn về nội dung trên, đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) và đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hoá) thì cho rằng, qua thực tế áp dụng Luật Chứng khoán thời gian qua, nếu có những vi phạm nào chúng ta đã chỉ ra được thì nên quy định rõ vào trong Luật, chứ không nhất nhất giao cho Chính phủ quy định.

Ngoài các vấn đề thảo luận trên, các đại biểu cũng đề nghị nên bổ sung những quy định chặt chẽ về việc các doanh nghiệp Nhà nước sử dụng vốn Nhà nước kinh doanh trên thị trường chứng khoán nhằm tránh việc thất thoát vốn ngân sách Nhà nước.

Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đo lường, dự án Luật Thủ đô và Báo cáo tổng kết công trình quan trọng quốc gia dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

(Nguồn: VOV)