Hiệu quả thiết thực của một dự án
Kinh tế - Ngày đăng : 12:06, 05/11/2010
Sau gần 3 năm thực hiện, Dự án "Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nông thôn” (REEP) do tổ chức Phát triển quốc tế CIDA (Ca-na-đa) tài trợ cho các doanh nghiệp vi mô và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (VVN) tại tỉnh ta đã thu được những kết quả tích cực, giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về vốn, kiến thức, thị trường tiêu thụ... Cơ quan đối tác tại tỉnh ta là Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Liên minh HTX tỉnh. Dự án đã lựa chọn được 11 xã tại 5 huyện với các nhóm ngành nghề gồm: nhóm thêu, ren, chiếu cói ở các xã An Lương, Cẩm Chế, Thanh Hồng (Thanh Hà), thêu ren ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ), chế biến rau, củ, quả ở xã Nam Trung (Nam Sách); chế biến giò, chả ở các xã Tráng Liệt, Hưng Thịnh, Thúc Kháng, Vĩnh Tuy và thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang), nghề mây, tre đan ở xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) và nhóm mục tiêu gồm 62 doanh nghiệp VVN.
Thực hành vẽ tranh trên giấy của học viên lớp "Đào tạo kỹ năng thiết kế mẫu, phối màu tranh thêu. |
Đến thăm lớp "Đào tạo kỹ năng thiết kế mẫu, phối màu tranh thêu cho các doanh nghiệp" do dự án mở tại UBND xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ), chúng tôi thấy các học viên đều là những người lớn tuổi nhưng rất say sưa học tập. Họ được chọn từ nhóm mục tiêu của xã. Tham gia lớp học, các học viên không phải đóng góp kinh phí, được dự án hỗ trợ nguyên liệu thực hành. Giáo viên được dự án mời từ Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Các học viên được trang bị kiến thức: thiết kế mẫu thêu, cách phối màu sắc, sắp xếp vị trí, trật tự các hình trong một khung thêu... Chị Phạm Thị Nhạn, một học viên của lớp cho biết: "Dự án đã giúp tôi khắc phục khó khăn trong sản xuất. Ngoài các kiến thức chuyên môn cơ bản, tôi được học các kỹ năng nâng cao tay nghề và đi tham quan một số nơi có nghề thêu nổi tiếng như Đà Lạt, Sài Gòn, Nha Trang. Tại đây, tôi học tập được nhiều kinh nghiệm, giúp phong phú thêm kiến thức làm nghề". Tất cả các chi phí cho chuyến đi đều được dự án tài trợ. Năm nay, chị được dự án hỗ trợ 20 triệu đồng mua 4 máy thêu (máy cũ), 1 máy vắt sổ và 1 tủ đựng hàng. Nguồn hỗ trợ này đã giúp chị trang bị thêm cơ sở vật chất, từ đó nâng cao năng lực sản xuất, tăng thêm thu nhập cho doanh nghiệp. Cũng giống như chị Nhạn, nhiều chị em trong nhóm mục tiêu của xã Hưng Đạo nhận được sự hỗ trợ của dự án như: năm 2008, chị Vương Thị Hương được hỗ trợ 30 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Hoàn 28 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Hoan 18 triệu đồng... giúp mua sắm thêm máy móc, khắc phục khó khăn về vốn. Các chị thường xuyên được đi tham quan, học hỏi nâng cao tay nghề, tham gia các hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Các chị Nguyễn Thị Thái, Đỗ Thị Nhởn đã ký được các hợp đồng xuất khẩu thông qua các hội chợ do dự án tổ chức.
Chị Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hưng Đạo cho biết, xã Hưng Đạo có truyền thống làm nghề thêu. Tuy nhiên, chị em đều làm theo kiểu tự truyền nghề. Các mẫu hàng đơn giản, thiếu sáng tạo. Chị em chưa năng động trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ mà chủ yếu dựa vào các đơn đặt hàng của khách quen. Đường kim, mũi chỉ không được mịn màng, sắc nét. Trong quản lý tài chính còn lúng túng, chưa biết ghi sổ sách nên các khoản thu, chi còn bị nhầm lẫn, dẫn đến khó khăn trong hạch toán kinh tế... Những khó khăn này đã hạn chế việc phát triển nghề thêu ở Hưng Đạo. Năm 2007, Hội Phụ nữ xã Hưng Đạo đã được Liên minh HTX tỉnh và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chọn vào nhóm mục tiêu của Dự án REEP. Cả xã chọn được 47 chị em làm nghề đạt tiêu chuẩn. Đây là những doanh nghiệp vi mô chỉ có từ 2 đến 10 lao động, gặp khó khăn trong phát triển kinh tế. Các chị được dự án đào tạo bài bản từ khởi sự doanh nghiệp, khả năng kinh doanh, ghi chép sổ sách kế toán... đến các kỹ năng nâng cao tay nghề, cách giao tiếp với khách hàng, tiếp thị, bán hàng... Trong 3 năm, dự án đã mở 8 lớp phổ biến kiến thức, hỗ trợ 116 triệu đồng cho các doanh nghiệp mua sắm máy móc.
Cùng với Hội Phụ nữ xã Hưng Đạo, 100 chị em ở Hội Phụ nữ các xã Thanh Hồng, An Lương, Cẩm Chế (Thanh Hà) cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ từ Dự án REEP. Dự án đã mở được 33 lớp dạy nghề cho gần 900 lượt chị em tham gia, trong đó có 24 lớp nâng cao kiến thức. Các lớp học đã trang bị cho chị em kiến thức làm chiếu cói, hướng dẫn chị em làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ bèo tây. Dự án đã tổ chức cho 23 chị đi tham gia các hội chợ, học hỏi các mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu ở các địa phương trong, ngoài tỉnh và 1 doanh nghiệp tham gia Hội chợ Quốc tế tại Nam Ninh (Trung Quốc). Đã có 10 chị tham gia viết sáng kiến và có 7 sáng kiến được phê duyệt và được hỗ trợ 214 triệu đồng. Từ sự hỗ trợ của dự án, nhóm sản xuất chiếu cói ở xã Thanh Hồng đã thành lập được HTX Chiếu cói Tiên Kiều gồm 8 thành viên và mua được 3 chiếc máy dệt chiếu.
Sau 3 năm hoạt động, Dự án REEP thu hút được 352 doanh nghiệp tham gia, đa số do phụ nữ làm chủ. Dự án đã tổ chức 58 lớp tập huấn nâng cao trình độ quản lý, kinh doanh cho trên 1.400 lượt doanh nghiệp; trên 500 lượt doanh nghiệp được tư vấn sử dụng máy móc an toàn, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, an toàn lao động; tổ chức 8 chuyến tham quan, kết nối kinh doanh trong nước cho 343 chủ doanh nghiệp và 4 chủ doanh nghiệp ở nước ngoài; tổ chức 10 lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho 487 lượt chủ doanh nghiệp. Dự án cũng đã hỗ trợ hơn 1,4 tỷ đồng cho 45 sáng kiến của các doanh nghiệp dùng để mua sắm máy móc, vật tư sản xuất.
Từ sự hỗ trợ này, các doanh nghiệp vi mô, doanh nghiệp VVN trên địa bàn tỉnh ta có điều kiện phát triển, nhiều doanh nghiệp đã vươn lên khẳng định vị trí của mình trên thị trường. Thời gian tới, dự án tiếp tục hỗ trợ về vốn, kiến thức, tổ chức cho các doanh nghiệp đi tham quan học tập, kết nối kinh doanh nhằm giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất và phát triển bền vững.
THANH HÀ