Lễ hội chùa Minh Khánh

Di tích - Ngày đăng : 06:39, 06/11/2010

Chùa Minh Khánh ở thị trấn Thanh Hà được xây dựng từ thời Lý. Chùa có kiến trúc, cảnh quan đẹp và còn lưu giữ được hệ thống tượng phật, tháp cổ, 16 tấm bia cùng 13 đạo sắc phong thời Lê, Nguyễn...


Rước lễ truyền thống tại lễ hội chùa Minh Khánh, thị trấn Thanh Hà. Ảnh: Thành Chung

Chùa Minh Khánh (còn có tên là chùa Hương Đại) ở thị trấn Thanh Hà. Chùa xây dựng từ thời Lý, sau đó được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Chùa có kiến trúc, cảnh quan đẹp và còn lưu giữ được hệ thống tượng phật, tháp cổ, 16 tấm bia cùng 13 đạo sắc phong thời Lê, Nguyễn... Với những giá trị lịch sử, văn hoá được bảo tồn, năm 1990, chùa Minh Khánh được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và cũng từ đó, lễ hội chùa Minh Khánh được duy trì tổ chức hằng năm.

Chùa Minh Khánh gắn liền với tên tuổi vị vua anh minh Trần Nhân Tông, nhà tu hành đắc đạo, một trong ba vị tổ của thiền phái Trúc Lâm. Theo truyền thuyết, thế kỷ XIII, vua Trần Nhân Tông từ Tràng An đến hội quân với Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đang đóng quân tại đây. Trước ngày xuất quân, đức vua lập đàn tế trời Phật rồi cắt máu ăn thề trước cửa chùa với quyết tâm tiêu diệt giặc Nguyên Mông. Hiện chùa còn lưu giữ 9 viên xá lỵ của Ngài. Trong chùa, gian chính điện đặt ban thờ Trần Nhân Tông. Từ khi vua Trần Nhân Tông đến đây, chùa Minh Khánh trở thành ngôi chùa nổi tiếng khắp vùng, được nhân dân ngưỡng vọng. Sự kiện này còn dấu tích trên bia "Minh Khánh Đại danh lam" khắc năm Hồng Thuận thứ 3 (1511): “Tiên triều vua Trần Nhân Tông đã tu hành ở đây mà huyết thư còn lưu, đương thời coi là "Tiểu Tây phương". Một lâu đài quý báu nơi Trúc Quốc, sáng rực hoa soi. Lúc đó, đã có sư tiểu sớm hôm đèn hương, quét tước, nhân dân phụng thờ, tiếng tăm rộng khắp xa gần…”. Ngày vua Trần Nhân Tông viên tịch (1- 11 âm lịch) được nhân dân lấy là ngày tổ chức lễ hội của chùa.

 Lễ hội chùa Minh Khánh diễn ra từ ngày 29- 10 đến hết ngày 1- 11 âm lịch. Phần lễ có lễ rước sắc, lễ rước mâm ngũ quả, lễ mộc dục và tế lễ. Phần hội có các trò chơi như cờ người, múa rối nước, diễn chèo, hát quan họ… Nổi bật là lễ rước sắc, thi mâm ngũ quả và làm bánh dầy.

Lễ rước sắc được tổ chức vào sáng ngày 29- 10 hằng năm. Người tham gia lễ rước là các nam thanh, nữ tú tuổi từ 18 tuổi trở lên. Sáng sớm ngày 29, đoàn rước được tập kết ở đền Ngự Dội làm lễ xin sắc rồi rước sắc về chùa làm lễ tế xin khai hội. Xưa kia, đền Ngự Dội là nơi giữ sắc vua ban. Đây là lễ rước cổ truyền theo nghi thức Phật giáo. Đi đầu là đội múa lân, đoàn rước phướn Phật, cờ hội cùng các tăng ni phật tử đi kèm, ban nhạc lễ gồm trống, chiêng. Sau là hàng bát bửu do tám cô gái trẻ mặc áo nâu đỏ, quần trắng, đầu chít khăn mang. Đi sau bát bửu là hàng chấp kích do 8 chàng trai trẻ mặc áo nâu đỏ, quần trắng, đầu chít khăn mang. Kế đến là long đình được đặt bát hương và mâm ngũ quả. Sau long đình là đội nghi lễ gồm chấp kích, bát bửu rồi đến long kiệu đặt hòm sắc vua ban, được trang trí vải đỏ lộng lẫy. Đi sau đoàn rước là các bô lão, quan viên và dân làng cùng du khách thập phương. Không khí buổi rước diễn ra vui tươi, náo nhiệt.

Tục thi mâm ngũ quả luôn xuất hiện trong mùa lễ hội từ xưa đến nay, tạo thành điểm nhấn độc đáo cho lễ hội của chùa Minh Khánh. Vào ngày lễ hội, 9 khu dân cư của thị trấn làm 9 mâm ngũ quả tham dự. Các mâm ngũ quả được trình bày theo một số chủ đề như: cửu long tranh châu (chín con rồng tranh ngọc); cửu long bảo tháp (chín con rồng và toà bảo tháp); long lân khánh hội (rồng lân mừng hội); thượng hoàng long, hạ tứ linh (trên rồng vàng dưới 4 vật thiêng); tứ linh tòng mẫu (bốn vật thiêng: long, ly, quy, phượng theo mẹ); thượng hoàng long chầu nguyệt, hạ tứ linh khánh hội (trên rồng vàng chầu mặt nguyệt, dưới tứ linh mừng hội)... Các nguyên liệu được dùng là những sản vật đồng quê như bưởi, chuối xanh, đu đủ, hạt tiêu, quất, na, hạt nhãn... Qua bàn tay tài hoa, trí tưởng tượng phong phú của người dân, những con rồng, phượng, lân trở nên vô cùng đẹp mắt, sống động. Ông Phạm Văn Lân ở khu dân cư số 4, được ông ngoại truyền dạy cách làm mâm ngũ quả. Đến nay, ông đã có 20 mùa lễ hội làm mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả được ông cùng 4 anh em làm trong 2 ngày. Nguyên vật liệu chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Ông cho biết, khi làm cần thận trọng, ti mỉ, chuyên tâm từng nhát cắt, nhát tỉa, tạo hình, nếu không những con vật tạo nên sẽ không có hồn, chỉ cần một nhát cắt nhỏ có thể làm thay đổi cả thần thái con vật. Con rồng trông phải khoẻ, uốn lượn mềm mại, móng đạp vững chắc. Bố cục, màu sắc mâm ngũ quả phải hài hoà, tạo điểm nhấn...   

Trước đây, ngoài mâm ngũ quả, bánh dầy cũng là lễ vật quan trọng vừa để thi vừa để tiến vua. Mỗi mâm bánh dầy gồm 5 chiếc, mỗi chiếc nặng 1kg, phải bảo đảm được 4 yếu tố, trắng, trong, tròn, mịn. Để có những chiếc bánh dầy như ý, người dân chọn loại lúa nếp ngon, nước dùng làm bánh trong, sạch. Trước khi làm bánh, gạo được đồ xôi và đem giã. Giã bánh xong, cho vào khuôn đúc thành bánh. Bánh được bày cùng mâm ngũ quả dùng cúng tế trong lễ hội.

Lễ hội chùa Minh Khánh nhiều năm nay được nhân dân địa phương và du khách thập phương rất ngưỡng mộ. Thời gian tới, thị trấn Thanh Hà tiếp tục đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy những nét đẹp truyền thống, đồng thời quy hoạch, mở rộng khuôn viên chùa, đưa thêm vào lễ hội những trò chơi dân gian, thi đấu thể thao... để từng bước nâng tầm lễ hội, thu hút ngày một đông du khách thập phương.

DANH TRUNG