An toàn giao thông cho học sinh
Tin tức - Ngày đăng : 06:10, 09/11/2010
Hiện trường vụ tai nạn giao thông làm 1 em học sinh tử vong và 1 em khác bị thương trên quốc lộ 5 |
Các cơ quan chức năng chưa bao giờ có con số thống kê chính thức và đầy đủ về số vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh trên địa bàn tỉnh. Nhưng theo tổng hợp của chúng tôi, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã xảy ra khoảng 10 vụ, làm gần chục em học sinh ở tất cả các cấp học bị thương hoặc tử vong do TNGT. Cũng do công tác báo cáo, thống kê chưa được quan tâm đúng mức nên khó có cơ sở để đánh giá thực trạng và không thể so sánh tình trạng TNGT liên quan đến học sinh ở thời điểm này tăng hay giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy, con số trên đã và đang ở mức "báo động đỏ". Bởi lẽ, thiệt mạng do TNGT ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng đều làm đau lòng người sống, nhưng ở lứa tuổi học sinh thì còn làm thân nhân đau đớn tột cùng, vì trẻ em không chỉ là tương lai của cả xã hội mà còn là niềm vui, niềm hy vọng của mỗi gia đình, dòng họ.
Ngày 13-5-2010, dư luận bàng hoàng về vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên quốc lộ 5, đoạn qua xã Kim Xuyên (Kim Thành). Vụ tai nạn thảm khốc cướp đi sinh mạng của 4 người và làm 2 người khác bị thương. Điều đáng nói, 2 trong số 6 nạn nhân là học sinh đang trên đường đi học. Nạn nhân thứ nhất, em Nguyễn Thị L., học sinh lớp 10C, Trường THPT Kim Thành, ở thôn Bắc, xã Cổ Dũng chết tại bệnh viện; nạn nhân thứ 2, em Nguyễn Thị Th., ở cùng địa chỉ (cũng đang là học sinh lớp 10) may mắn thoát chết sau khi được cấp cứu tại bệnh viện. Tài xế điều khiển chiếc ô-tô công-ten-nơ đầu kéo biển kiểm soát 16H-9649 gây tai nạn sau đó đã bị khởi tố vì tội vi phạm các quy định khi điều khiển phương tiện giao thông. Kẻ vi phạm pháp luật đã bị xử lý nhưng nỗi đau không biết đến bao giờ nguôi ngoai đối với thân nhân người bị nạn, mặc dù ngay sau khi xảy ra vụ việc, các cấp, các ngành và địa phương đã tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi, hỗ trợ và động viên tinh thần đối với các gia đình...
Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ về các vụ TNGT liên quan đến học sinh. Về thực trạng này, theo phân tích của lực lượng cảnh sát giao thông, có rất nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, hầu hết các trường học nằm sát với đường giao thông, đầu giờ và lúc tan học học sinh tràn ra đường khiến số lượng người và phương tiện tăng đột biến nên giao thông ở khu vực cổng trường rất phức tạp. Nguyên nhân về tâm sinh lý, do các em học sinh đang ở độ tuổi hiếu động, thích thể hiện mình trước đám đông và không ý thức được hết các nguy hiểm khi tham gia giao thông. Việc quản lý, giáo dục của nhà trường và gia đình chưa được quan tâm đúng mức. Một số gia đình còn buông lỏng quản lý, giáo dục con em; do bận công việc nên không bố trí đưa đón, thậm chí giao cả xe gắn máy cho con làm phương tiện đi lại. Đặc biệt, công tác quản lý học sinh ở tất cả các cấp học còn quá lỏng lẻo. Một số nhà trường quan niệm chỉ quản lý học sinh trong giờ học mà chưa quan tâm hướng dẫn an toàn cho các em khi tham gia giao thông. Ở nhiều trường vẫn còn tình trạng học sinh ra ngoài làm việc riêng ngay trong giờ học.
Theo Trung tá Lê Thị Kim Khánh, Trạm phó Trạm Cảnh sát giao thông Ba Hàng, an toàn giao thông cho tất cả mọi người đều được chú ý, nhưng đối với lứa tuổi học sinh thì mức độ quan tâm còn thường xuyên, liên tục hơn. Trước và trong năm học, lực lượng cảnh sát giao thông đều liên hệ với các trường học trên địa bàn để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và trả lời câu hỏi của học sinh về các vấn đề liên quan đến Luật Giao thông đường bộ. Từ đầu năm đến nay, tổ cán bộ kiêm nhiệm làm công tác tuyên truyền của Trạm Cảnh sát giao thông Ba Hàng đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cho 7 trường học ở các địa bàn phức tạp về giao thông, với gần 1 vạn học sinh tham gia. Tuy nhiên, để công tác phòng ngừa tai nạn thương tích cho học sinh thực sự có hiệu quả, ngoài sự quan tâm của gia đình thì các nhà trường, các thầy cô cần nâng cao trách nhiệm, tình thương đối với học sinh của mình. Cần coi giáo dục an toàn giao thông cho học sinh là một trong những nội dung sinh hoạt quan trọng, lồng ghép vào quá trình giảng dạy.
Số liệu của Sở Giáo dục - Đào tạo cho thấy, trong suốt năm học 2009-2010, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ TNGT đối với học sinh, làm 1 em bị thương và 1 em tử vong. Sẽ là rất đáng mừng nếu con số báo cáo trên đầy đủ và chính xác. Tuy nhiên, như đã nói ở phần trên, đến thời điểm này các cơ quan chức năng chưa bao giờ đưa ra được con số thống kê chính thức và đầy đủ. Ngay trong "Báo cáo kết quả thực hiện Tháng an toàn giao thông" của ngành giáo dục - đào tạo, ngày 7-10-2010 cũng chỉ rõ: "... việc thông tin, báo cáo còn hạn chế; thông tin chậm, chưa đầy đủ hoặc không báo cáo" (báo cáo của các trường học - PV). Như vậy có thể thấy, vì lý do nào đó vẫn còn hiện tượng nhiều trường học giấu tình trạng học sinh liên quan TNGT.
Với tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp và TNGT không chừa bất cứ đối tượng nào như hiện nay thì việc bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh là vấn đề đã và đang được cả xã hội quan tâm. Hơn ai hết, ngành giáo dục - đào tạo cần chỉ đạo các trường học thực hiện nghiêm túc, thực chất hơn nữa các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh. Kết hợp nhắc nhở, tuyên truyền đến các bậc phụ huynh giáo dục và quản lý con em mỗi khi tham gia giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông ở tất cả các địa phương cũng cần tăng cường kiểm soát giao thông ở các khu vực trường học; thực hiện nghiêm chế độ thông báo các trường hợp là giáo viên, học sinh vi phạm giao thông về trường học. Đồng thời, các thầy giáo, cô giáo cần thực hiện tốt hơn nữa khẩu hiệu "Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm" bằng cách tăng cường bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh của mình cả trong và ngoài giờ học.
TIẾN HUY