Cần tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các vấn đề, các nội dung thật sự cấp bách
Tin tức - Ngày đăng : 05:48, 11/11/2010
Đại biểu Nguyễn Duy Nguyên (Đoàn Hải Dương): Tôi đề nghị UBTVQH và Quốc hội cũng đồng thời thiết kế việc chuẩn bị soạn thảo 1 luật mới, thống nhất toàn diện và dài hạn cho công tác bầu cử.
Đại biểu Nguyễn Duy Nguyên phát biểu ý kiến. |
Tôi cơ bản nhất trí với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Luật Bầu cử đại biểu HĐND, chỉ xin tham gia vào 3 vấn đề sau đây:
Thứ nhất, về sự cần thiết: Tôi hoàn toàn đồng tình với thuyết minh của ban soạn thảo và tờ trình của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về ban hành Luật sửa đổi. Vì từ trước đến nay, công tác bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND được tổ chức riêng và được điều chỉnh bởi 2 Luật khác nhau. Thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội, sắp tới cả nước sẽ tổ chức bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND vào cùng một ngày. Đây là cuộc bầu cử lần đầu tiên tổ chức như vậy, có ý nghĩa rất lớn, được cử tri cả nước và nhân dân rất ủng hộ và hoan nghênh. Tuy nhiên, chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa là cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trong cả nước. Việc nghiên cứu, tổng kết, soạn thảo, lấy ý kiến và thông qua Quốc hội một Luật mới thống nhất về bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND là khó khả thi. Vì vậy tôi đồng tình với loại ý kiến là tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua và ban hành "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử HĐND". Trong đó, tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các vấn đề, các nội dung thật sự cấp bách, các nội dung có xung đột, chưa nhất quán, chưa phù hợp với thực tiễn công tác bầu cử và tổ chức các địa phương đặt ra. Dự thảo mới gồm 4 điều và đã điều chỉnh 17 nội dung của hoạt động bầu cử ĐBQH và điều chỉnh 12 nội dung của Luật Bầu cử HĐND là phù hợp, đáp ứng được việc tổng kết bầu cử vào tháng 5 - 2011. Song vì luật sửa đổi lần này chỉ giải quyết các vấn đề căn bản, các bất cập và chỉ đáp ứng cho cuộc bầu cử sắp tới, chưa phải là luật mới, điều chỉnh một cách toàn diện, thống nhất, dài hạn cho công tác bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND. Cho nên, tôi đề nghị UBTV Quốc hội và Quốc hội cũng đồng thời thiết kế việc chuẩn bị soạn thảo 1 luật mới, thống nhất toàn diện và dài hạn cho công tác bầu cử.
Thứ hai là, tại điều 1, khoản 3, điểm 2 phần a, trang 2, tôi đề nghị bổ sung thêm từ "chỉ đạo" vào sau từ "lãnh đạo". Bổ sung như vậy để quy định rõ nhiệm vụ của Hội đồng Bầu cử Trung ương không dừng lại ở việc lãnh đạo về chủ trương, định hướng chung mà phải trực tiếp chỉ đạo các nhiệm vụ bầu cử trong cả nước. Tương tự như vậy, tại điều 2, khoản 3, điểm 2 phần a ở trang 9 cần bổ sung từ "chỉ đạo" vào sau từ "lãnh đạo" cho chặt chẽ và toàn diện trong nhiệm vụ của Hội đồng Bầu cử Trung ương. Tại điều 1, khoản 8, trang 6 sửa đổi điều 57 bầu cử ĐBQH, dự thảo viết thừa từ "bỏ phiếu" cần chỉnh sửa. Tại điều 1, khoản 8, trang 6 sửa đổi điều 25, Luật Bầu cử ĐBQH, dự thảo quy định thời gian niêm yết danh sách cử tri chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử. Vì vậy, tôi đề nghị nâng thời gian được khiếu nại về danh sách cử tri từ 25 ngày nâng lên 30 ngày kể từ ngày niêm yết danh sách cử tri. Việc tăng thêm thời gian là để cử tri được khiếu nại, sửa đổi các sai sót trong danh sách cử tri đã được niêm yết.
Thứ ba là, hiện nay tại 10 tỉnh có 67 huyện, 32 quận, 483 phường đang thí điểm thực hiện không tổ chức HĐND. Đây là những cơ sở, địa phương đặc thù. Do đó, các tổ chức phụ trách bầu cử sẽ khác, nhiệm vụ cụ thể cũng khác, việc Quốc hội ra 1 Nghị quyết riêng để điều chỉnh công tác bầu cử cho các địa phương này là phù hợp. Tôi nhất trí với dự thảo Nghị quyết đã gửi cho các ĐBQH hiện nay.