Gấc Việt ra thế giới

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 17:20, 11/11/2010

"Ngày mới đặt chân lên đồi trồng gấc, mẹ bảo tôi rằng, phải làm sao để quả gấc của quê mình không chỉ vào chõ đồ xôi mà phải vươn ra thị trường quốc tế..." - Giám đốc Công ty TNHH Gấc Việt - Ngô Sĩ Đạt chia sẻ.
Giám đốc Ngô Sĩ Đạt và những quả gấc "vàng" của mình. Ảnh: Lập Minh

Quê gốc ở Vĩnh Phúc, sinh ra ở Bắc Giang, lớn lên ở Hà Nội, học Trường Văn hóa Thể thao, từng là vận động viên quyền anh đẳng cấp quốc gia (năm 2005), ấn tượng đầu tiên về chàng trai 8X Ngô Sĩ Đạt là phong thái từng trải. Hoàn cảnh gia đình không khá giả, là con út nhưng với tinh thần "tự nhiệm cao", Đạt từng lăn lộn nhiều nghề giúp bố mẹ nuôi chị gái học cao đẳng.

Khởi nghiệp từ đất

Trong một lần về quê làng Quế, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) nhìn hơn 2ha đất đồi của gia đình bỏ hoang, phủ đầy cỏ dại, một ý tưởng vụt đến với Đạt: "Có đất rồi sẽ có tất cả...". Không phải trăn trở lâu để lựa chọn giống cây trồng, Đạt nhớ đến lời của một nhà khoa học nói trên truyền hình: "Gấc là cây tiềm năng, rất hợp với chất đất bạc màu vùng trung du miền núi phía Bắc nước ta...".

Khi biết ý định của Đạt, bố anh thở dài: "Con chưa từng cầm cái cuốc làm ruộng, vốn một đồng không có, lấy cái gì để chinh phục quả đồi hoang đó". Nhưng Đạt tin vào sức trẻ và đôi bàn tay đã từng đeo găng võ sĩ quyền anh của mình.

"Nói vậy, nhưng bố vẫn đi vay tiền để mẹ cùng mình về quê làm trang trại. Lúc ấy, nghe nói mình bỏ Hà Nội lên đồi làm lán trồng gấc, không ít bạn bè, người thân đã gọi điện mắng mình là khùng" - Đạt kể.

Những ngày cầm cuốc đào hố, chẻ gỗ, vót tre dựng giàn... khiến đôi tay anh sưng tấy, thêm cuộc sống ở quê hẻo lánh, thiếu thốn, nhưng không làm anh nhụt chí. Với số tiền vay gần hai chục triệu đồng, Đạt trực tiếp đến các địa phương đặt mua gấc giống.

Vụ đầu tiên, Đạt trồng 1ha, khoảng 200 gốc gấc. Do thiếu kinh nghiệm, trồng vào mùa khô, không đủ nước tưới nên gấc cứ ngày héo đêm tươi, cằn cỗi không vươn được. Để bù lỗ, cuối năm đó, mẹ con Đạt phải trồng su su. Cũng may, su su bù gấc, năm đó Đạt lãi trên 30 triệu đồng, trả hết nợ, vẫn còn dư tiền mua tre về làm giàn cho gấc leo, làm giếng khoan lấy nước tưới. Năm sau, vườn gấc leo kín giàn, Đạt mới thở phào nhẹ nhõm...

Gốc gấc... tấc vàng

Giờ đây ông chủ trang trại gấc kiêm Giám đốc Công ty TNHH Gấc Việt có thể tự hào "khoe" về sản nghiệp của mình. "Ngay khi vườn gấc bắt đầu cho thu hoạch, ký được hợp đồng đầu tiên, mình đã vay thêm vốn để mua máy sấy. Có máy, không chỉ tận dụng tối đa nguyên liệu mà gấc thành phẩm được các công ty nhập với giá cao hơn" - Đạt chia sẻ.

Tìm được đầu ra cho gấc, Đạt mở rộng diện tích và nhập hàng nghìn gốc gấc về trồng. Năm 2008, anh thu gần 50 tấn gấc, bán 2.000 đồng/kg quả, bình quân 1 khóm gấc anh thu nhập 600-700 nghìn đồng/năm, 1 sào trồng 25-30 gốc gấc, thu 15-20 triệu đồng/năm.

 Nhận thấy nhu cầu nguyên liệu gấc của các công ty dược phẩm rất lớn, tháng 3-2008, Đạt thành lập Công ty TNHH Gấc Việt do anh làm Giám đốc. Từ đây, bắt đầu những hợp đồng hàng trăm triệu đồng được ký kết.

Trang trại của anh cung ứng không đủ nguyên liệu, anh đứng ra làm đầu mối nhập gấc của bà con quanh vùng về sơ chế. "Năm 2007, gấc sơ chế đem về cho mình hơn 100 triệu đồng lãi, năm 2009, con số này là trên 200 triệu đồng, và năm nay sẽ cao hơn..." - Đạt tiết lộ.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, Công ty TNHH Gấc Việt còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh trồng thí điểm gấc tại 50 hộ ở xã Yên Đồng (huyện Yên Lạc); đồng thời cung cấp 15 vạn giống gấc cho ND các huyện Tam Đảo), Yên Lạc, Mê Linh, Lập Thạch… Người trồng gấc được công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Từ giống gấc của Ngô Sĩ Đạt, nhiều hộ đã thoát nghèo...

Anh cho biết, sản phẩm gấc của Công ty TNHH Gấc Việt đã có mặt trong Nam, ngoài Bắc và được nhiều bạn hàng quốc tế đặt vấn đề hợp tác. Anh sẽ mở rộng vùng nguyên liệu ra các địa phương trong tỉnh, và lập trang web quảng bá gấc Việt...

(Nguồn: NTNN)