Giá tăng, người tiêu dùng gặp khó
Thị trường - Ngày đăng : 05:27, 12/11/2010
Với việc giá cả leo thanh mạnh trong thời gian qua khiến những người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng, đời sống sinh hoạt hằng ngày gặp nhiều khó khăn.
Thực phẩm tăng giá, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của những người có thu nhập thấp |
Do tác động của thị trường trong và ngoài nước khiến giá cả hàng hoá và dịch vụ trên địa bàn tỉnh ta có nhiều biến động. Giá cả các mặt hàng có xu hướng tăng cao đã trở thành nỗi lo của nhiều người dân.Gia đình chị Đỗ Thị Oanh ở khu 5, phường Thanh Bình có 4 người, nguồn thu nhập chính có được từ quán nước giải khát và nghề xe ôm của chồng. Chị cho biết: “Trước đây chỉ cần 40 nghìn đồng là tôi có thể lo đủ bữa ăn cho cả nhà. Nhưng gần đây nhiều mặt hàng tăng giá trong khi nguồn thu nhập của chúng tôi không hề tăng. Chỉ mong có cách nào bình ổn giá để người nghèo chúng tôi bớt khổ”. Không chỉ những đối tượng buôn bán nhỏ, có nguồn thu nhập thấp chịu cảnh lao đao vì giá tăng mà những người hưởng lương nhà nước cũng bị ảnh hưởng lớn khi giá tăng mà nguồn thu nhập không tăng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Mai ở khu 2, phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) cán bộ một cơ quan nhà nước cho biết: “Cả hai vợ chồng tôi đều là công nhân viên chức nhà nước, lương của hai vợ chồng chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Mấy tuần gần đây tôi cố gắng tiết kiệm chi phí nhưng cũng không tiết kiệm được nhiều vì giá tăng đủ thứ. Từ mớ rau, gói mì chính, chai nước mắm, ít nhất cũng tăng từ 500 đến 1.000 đồng. Trước đây, số tiền này đủ chi tiêu tiền điện, tiền nước, học phí cho con, chi phí đi lại ăn uống… thì nay với số tiền này tôi phải tính toán chi tiêu kỹ lưỡng hơn”.
Những ngày này, 10 công nhân trong tổ thợ xây do anh Trần Văn Chung ở Đồng Quang (Gia Lộc) phụ trách cũng gặp không ít khó khăn. 10 công nhân ăn bữa trưa chỉ với mức 150 nghìn đồng/bữa. Giá cả tăng mạnh hơn 1 tháng gần đây cả đội đóng thêm 10-20 nghìn đồng cho một bữa trưa nhưng thức ăn vẫn thiếu.
Trong thời điểm “bão giá”, những công nhân khu trọ gần khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng) cũng không khỏi lao đao. Chị Nguyễn Thị Hương, quê Phù Cừ (Hưng Yên), công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam than thở: “Cái gì cũng tăng giá. Dạo trước hai chị em chỉ khoảng 20-30 nghìn là có thể có bữa ăn tạm được. Nay phải mất 35-40 nghìn. Đó là còn chưa kể tới nhiều thứ phải chi tiêu giá cũng lên vù vù”. Khu công nghiệp Tân Trường có hàng nghìn công nhân ở trọ, vì tăng giá nên điện, nước và giá nhà tăng trong khi lương của công nhân vẫn chưa thấy nhúc nhích. Mới đây, khi nghe tin sẽ tăng lương trong các doanh nghiệp, các chủ nhà trọ liên tục báo tăng giá nhà trọ, nhiều nhà trọ đã báo tăng giá từ 100-200 nghìn đồng/phòng. Nhiều công nhân trước đây ở một mình một phòng thì nay phải tính chuyện ở ghép từ 2-3 người/phòng để tiết kiệm.
Bữa cơm của những sinh viên Trường Đại học Y tế Kỹ thuật Hải Dương cũng khá đạm bạc. Ngoài bát canh rau cải chỉ có một đĩa trứng rán cho 4 người ăn. Em Nguyễn Thị Phương Thúy ở Hà Tĩnh cho biết: “Quê em vừa trải qua cảnh ngập lụt, cả gia đình còn không có đủ cơm để ăn thì lấy đâu tiền để gửi cho em. Mấy tuần gần đây em đã phải tiết kiệm chi tiêu nhưng vẫn không đủ vì giá nhiều mặt hàng tăng quá. Em đang tìm việc làm thêm để cải thiện đời sống”.
Khi hàng hoá thường xuyên biến động, nhu cầu mua những mặt hàng bình ổn giá của người dân rất lớn. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác bình ổn giá trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Người tiêu dùng khó mua được hàng bình ổn giá. Thời gian qua, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mặc dù tỉnh ta đã tổ chức nhiều đợt đưa hàng Việt về nông thôn với mục đích quảng bá thương hiệu Việt, kích cầu tiêu dùng, nhưng trong các tuần, tháng khuyến mại tại các hội chợ, một số sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng như lỗi mốt, một số hàng ít có giá trị sử dụng… Các doanh nghiệp, cơ sở khi đưa hàng Việt về nông thôn còn chưa chú ý tới việc bán các mặt hàng thiết yếu trong diện bình ổn giá. Một số người dân mong mỏi được mua các mặt hàng giảm giá, khuyến mại tại các siêu thị, cửa hàng nhưng không phải cửa hàng nào cũng tổ chức khuyến mại để thu hút khách hàng…
Để bình ổn giá cả thị trường, nhất là thời điểm từ nay tới cuối năm, Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh tăng cường quản lý mức giá bán đối với những nhóm hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng phục vụ các chương trình thuộc mục tiêu quốc gia, hàng hoá được mua sắm từ ngân sách nhà nước, hàng hoá được trợ giá… Chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh nghiêm túc thực hiện kiểm soát đăng ký, kê khai giá đối với các mặt hàng thuộc diện phải đăng ký, kê khai theo quy định như thuốc chữa bệnh, sắt, thép, gas… Tập trung kiểm tra việc chấp hành pháp luật Nhà nước về giá, không để các cá nhân tăng giá tuỳ tiện. Tuy nhiên thực tế cho thấy, giá các mặt hàng ở thị trường tự do gồm nhiều mặt hàng như: lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thời gian qua vẫn tăng mạnh mà chưa có sự kiểm soát.
PV