Cô giáo ngày xưa
Truyện ngắn - Ngày đăng : 05:25, 13/11/2010
Minh họa: Phùng Anh Bản |
Ngày còn học trung học phổ thông, lớp chuyên văn của tôi chỉ vẻn vẹn 19 đứa. Lại toàn con gái. Thêm cô giáo chủ nhiệm nữa, thế là thành "Tây Lương nữ quốc".
Cô Diễm Loan chủ nhiệm lớp gần hết quãng thời gian trung học phổ thông. Nói là "gần hết" bởi có ngắt quãng lúc này, lúc khác, do những lý do thuộc về gia đình, cô phải tạm thời nghỉ. Nhưng trong thâm tâm mỗi đứa học trò lớp 12 văn thuở ấy, nói đến thời chuyên văn là chỉ có cô Loan.
Cô được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú, cô dạy giỏi nhất trường. Trường lại là trường chuyên của tỉnh. Như thế, suy ra, cô là giáo viên dạy giỏi nhất tỉnh môn văn. Thật may mắn cho lứa học trò chúng tôi được cô chủ nhiệm. Ngày đầu tiên cô nhận lớp, cả mười mấy đứa đều "phát sốt phát rét" vì thấy cô nghiêm khắc quá. Đi học muộn, ngồi trong lớp nói chuyện riêng, hay học bài lơ mơ, không soạn bài trước ở nhà... cứ liệu hồn. Giờ nghĩ lại, thấy cô chẳng áp dụng một hình phạt "thẳng tay" nào, mà sao ngày ấy cả lớp lại sợ đến thế. Cô nghiêm nghị hỏi từng "tội" một. Chỉ riêng cái nghiêm nghị của cô cũng khiến lũ học trò ngồi dưới đứng tim. Vì mình có "tội" thật. Vì cô không khoan nhượng với những trò lười nhác. Nhờ sự nghiêm khắc của cô, lớp nhanh chóng đi vào ổn định, nhanh chóng trở thành số 1 trong các hoạt động học tập của trường.
Cô bảo, đã là học sinh trường chuyên thì không được lười, không được lơ mơ trong học tập. Nói là làm, cô rèn lớp "ra vấn đề". Nhưng điều quan trọng nhất, mỗi giờ văn của cô như có phép thôi miên học trò. Cô có cách giảng bài kỳ lạ, không thể tìm thấy trong bất cứ cuốn sách về phương pháp dạy học nào. Từng lời cô nói, từng điệu bộ, cử chi của cô đều vô cùng đặc biệt, để học trò ngồi dưới không thể phân tâm. Những giờ giảng văn của cô, chỉ có thể nói gọn ở hai chữ "tuyệt vời". Sau này, đã học qua rất nhiều thầy cô giáo, lũ học trò 12 văn ngày xưa vẫn có chung khẳng định: chưa thấy thầy cô nào giảng văn cuốn hút đặc biệt như cô Diễm Loan của chúng mình. Tại sao như vậy? Chúng tôi đưa ra câu trả lời, ngoài khả năng cảm thụ và truyền đạt thiên bẩm của cô, có lẽ còn do tình yêu đặc biệt của cô đối với văn chương và đối với lũ học trò. Tình yêu mà ngày còn đi học, lũ học trò ngốc nghếch của cô đã có lúc chẳng nhận ra, đã có lúc than vãn với nhau rằng cô khó tính...
Nhớ về cô là nhớ biết bao kỷ niệm học trò. Nhớ những tập san văn học dầy uỵch của lớp mà cô là "Tổng biên tập". Bọn học trò mơ mộng tha hồ mà sáng tác. Những tác phẩm đầu tiên của lũ chúng tôi cũng ra đời từ lời "hiệu triệu" của cô. Thơ, truyện ngắn, tản văn, bình văn... Tập san phong phú hơn bất cứ cuốn tạp chí nào về văn học mà tôi từng được biết. Rồi sau đó, lớp tôi có đến gần chục đứa được đi dự trại sáng tác văn học trẻ của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà. Rồi Đinh Thu Hiền được giải thưởng sáng tác thơ của quốc gia. Ngô Thị Diệu Thúy được đi dự trại viết thiếu nhi toàn quốc...
Nhớ những cuộc thi sáng tác cô phát động. Giải thưởng cô bỏ tiền túi ra trao. Chỉ là mấy tập giấy viết học trò, nhưng với chúng tôi thì quý giá vô cùng. Vì đó là giải thưởng, là sự khích lệ động viên của cô. Nhớ cả những lần cô đi học tập kinh nghiệm ở các trường chuyên tỉnh bạn, cô xin về nhiều bài văn mẫu. Ngày ấy, chưa có nhiều máy phô-tô như bây giờ, cứ cô đọc, trò chép lại làm tài liệu tham khảo, miệt mài đến mấy ngày. Rồi những bài báo, những trang sách hay, cô cặm cụi kiếm tìm cho học trò có thêm tri thức. Cô mở ra một chân trời mới cho lũ học trò còn nhiều dại dột. Nhưng quan trọng hơn cả, chúng tôi học được ở cô thái độ nghiêm túc đối với công việc. Điều này theo mỗi đứa học trò của cô suốt cả cuộc đời.
Học sinh lớp chuyên văn của cô đứa nào cũng đầy mơ mộng. Cuộc sống luôn được nhìn dưới lăng kính màu hồng tươi sáng. Giờ đọc lại những dòng lưu bút trong trẻo của bạn bè thuở ấy, thấy rưng rưng nước mắt. Ra trường gần 20 năm ngoảnh lại, thương cô và bạn bè quá! Thương cô vì cả đời cô cống hiến cho sự nghiệp trồng người, không có chút gì riêng tư, hoàn toàn không có, kể cả một mái ấm gia đình. Cô lấy sự thành đạt của học trò làm niềm vui sống. Thế nhưng học trò chuyên văn của cô thì lận đận quá! Ngày xưa thi sĩ Nguyễn Bính đã từng đau xót dặn con: "Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ/ Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con!". Xuân Diệu thì ngậm ngùi: “Cơm áo không đùa với khách thơ". Nam Cao tủi hổ cho tầng lớp trí thức, cho những văn sĩ nghèo kiết xác... Học trò chuyên văn của cô gắn với chữ nghĩa, văn chương, tuổi đời đã ngoại 30 mà vẫn thấy mình tay trắng. Cứ mỗi khi gặp nhau, nói về bè bạn ngày xưa, lũ chuyên văn ngậm ngùi khôn tả. Những lớp chuyên toán, chuyên tin, chuyên ngoại ngữ, học trò thành đạt lắm. Người làm cho các công ty nước ngoài, tiền tiêu như nước chảy. Người đã yên vị ở ghế tổng giám đốc này, phó tổng giám đốc kia. Người làm cho ngân hàng. Người theo nghiệp chính trị... Nói chung là giàu có, ô-tô nhà lầu chẳng thiếu thứ gì. Lũ chuyên văn vẫn chỉ "một bồ chữ nghĩa". Lại lắm trắc trở trên đường đời. Có lẽ do đa cảm. Có lẽ do cuộc sống nội tâm quá phong phú và phức tạp. Nguyên chuyện đời tư, số học trò của cô gặp những điều "không như ý" cũng nhiều. Thương bạn bè, thương cô bởi tự thấy lũ học trò của cô chẳng có gì để cô có thể tự hào theo kiểu thông thường bây giờ. Bởi lũ học trò của cô chẳng bao giờ có thể đỡ đần cô được bất cứ điều gì. Cô có đòi hỏi gì đâu, nhưng vẫn thấy sao mà xa xót thế! Những ước mơ lung linh ngày xưa, những câu văn đẹp, những bài văn hay vẫn mãi mãi chỉ là chữ nghĩa mà thôi. Cuộc sống phức tạp hơn những gì chúng em tưởng tượng rất nhiều. Xa trường, xa cô đã bao năm, nhưng lớp chưa khi nào họp lớp, chưa khi nào về tề tựu đông đủ bên cô. Lý do duy nhất là học trò" của cô thấy chưa xứng đáng để gặp lại cô. Có người còn mang mối mặc cảm lớn, dù biết lòng cô bao dung và yêu thương tất cả.
Nhưng từ xa, mỗi đứa học trò đều thầm hướng về cô. Vẫn nhớ lắm sinh nhật cô vào một ngày tháng 5 nắng đẹp. Có việc gì lên đến Thủ đô, đều nhớ "nhà cũ cô Diễm Loan ở chỗ ngã tư này", mặc dù chẳng hiểu ngôi nhà ấy đã bán chưa, giờ ai đang ở. Vẫn thắt lòng khi nhận tin cô ốm. Vẫn biết rành rẽ ngày cô nhận quyết định nghỉ hưu. Thậm chí, có đứa học trò buổi tối vẫn lẽo đẽo đi bộ thể dục ngay đằng sau cô. Thấy cô vừa đi, vừa rì rầm trò chuyện với người bên cạnh, biết là cô vẫn khỏe, nên mừng. Những ngày không thấy cô đi bộ, lại cầu mong chẳng có chuyện gì nghiêm trọng, chỉ là cô không thích đi nữa mà thôi. Gặp nhau, những đứa ở xa luôn hỏi những đứa ở gần về cuộc sống, công việc của cô. Nhưng đến gặp cô thì lại ít. Chỉ sợ cô ngậm ngùi, trò cũng ngậm ngùi...
Một vài năm tới, lớp sẽ có những ba tiến sĩ, có đến mười thạc sĩ. Học trò của cô vẫn miệt mài học tập và nghiên cứu, vẫn mang tinh thần nghiêm túc trong công việc mà cô dạy thuở nào. Dẫu đường đời còn nhiều chông gai, nhưng chúng em vẫn luôn ngẩng cao đầu, tự hào vì mình đã sống chung thực và trong sạch. Những kỷ niệm thời "học sinh chuyên văn" đẹp đẽ vẫn theo chúng em đi suốt cuộc đời. Và mong lắm đến một ngày chúng em về bên cô để nói lời xin lỗi. Bao nhiêu năm qua, chúng em đã có lỗi thật nhiều khi cứ xa cô biền biệt....
Truyện ký của VIỆT NGA